Xe tự lái sẽ lựa chọn bảo vệ tính mạng người lái?

Ứng dụng 03/11/2015 10:02

Trong tình huống cần lựa chọn giữa hy sinh hành khách, hoặc 1 người để cứu đám đông nhiều người, xe sẽ chọn giải pháp nào?

3536361_bai_toan_xe_dien_tinhte
 Ảnh minh họa bài toán xe điện với 3 lựa chọn có thể xảy ra​

Đây là câu hỏi rất cấp bách đòi hỏi ngành công nghiệp xe tự lái cần phải sớm giải quyết trước khi nó được phổ biến rộng rãi: Trong tình huống cần lựa chọn giữa hy sinh hành khách, hoặc 1 người để cứu đám đông nhiều người, xe sẽ chọn giải pháp nào?

Trong triết học, đạo đức học và cả pháp luật, người ta đều dạy cho các sinh viên một vấn đề khá hóc búa gọi là "Vấn đề xe điện" (trolley problem). Bài toán khốc liệt ở đây là một chiếc xe điện đứt phanh, một người đàn ông béo đứng gần đó và nếu bạn đẩy ông ta xuống dưới đường ray, chiếc tàu điện sẽ dừng lại để không cán chết một nhóm nhiều người cũng đứng gần đó. Ngược lại, nếu bạn không hành động gì cả, người đàn ông béo sẽ vẫn an toàn nhưng cả một nhóm người sẽ chết. Vậy bạn sẽ làm gì, giết 1 người cứu nhiều người, hay mặc cho sự việc xảy ra?

Với sự phát triển của xe tự lái thì câu hỏi này lại một lần nữa khiến cho các lập trình viên vò đầu bức tóc và cách giải quyết của họ hôm nay sẽ thay đổi cả ngành công nghiệp xe hơi ngày mai: Điều gì xảy ra khi chiếc xe tự lái đối diện với tình huống tương tự? Trước tình hình này, các nhà nghiên cứu tại Đại học kinh tế Toulouse quyết định tìm hiểu xem cộng đồng sẽ làm gì trong tình huống đó.

Nhóm nghiên cứu bắt đầu soạn ra các bản câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, trong đó có nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả trường hợp chiếc xe mất kiểm soát, trước mặt là một đám đông, nó sẽ giải quyết thế nào? Lao vào tường để chủ nhân chiếc xe có thể chết nhưng cứu được đám đông? Lao vào đám đông và người chủ sẽ giảm nguy cơ thiệt mạng, đổi lại cả đám đông sẽ chết?

Được biết, bảng câu hỏi trên được cung cấp thông qua trang Amazon Mechanical Turk và mỗi người tham gia trả lời câu hỏi sẽ được trả 25 cent. Tổng cộng có 913 người tham gia trả lời được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm và trả lời 3 phiên bản khảo sát với các câu hỏi khác nhau. Mặt khác, do đây là cuộc khảo sát trực tuyến nên tình nguyện viên của thể thuộc bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Trong số các bảng khảo sát sẽ có 1 cái được tạo ngẫu nhiên số lượng người trong đám đông (từ 1 tới 10 người) và câu hỏi là "Theo bạn thì chiếc xe nên hy sinh hành khách hay người bên ngoài?". Phiên bản thứ 2 của trắc nghiệm là hỏi "Người dùng sẽ lập trình chiếc xe của bạn như thế nào? Luôn bảo vệ hành khách, luôn bảo vệ người đi đường, ngẫu nhiên" và sau đó là đánh gái mức độ đạo đức của mỗi lựa chọn. Nhóm cuối cùng sẽ được cho đọc một câu chuyện về 10 người được cứu nhờ chiếc xe biết tự sát, hy sinh hành khách mà nó chở. Sau đó nhóm này được yêu cầu đặt họ vào tình trạng của hành khách, của người được cứu và đánh giá mức độ đạo đức của từng lựa chọn.

Kết quả thống kê cho thấy điều đó còn tùy thuộc vào số người trong đám đông. Cụ thể, 75% người ủng hộ ý kiến hy sinh hành khách trên xe đề cứu 10 người. Tỷ lệ này giảm xuống còn 50% nếu chỉ cứu 1 người đi đường. Tuy nhiên, các phản hồi trên đều không tính tới việc chiếc xe phải được lập trình để đảm bảo sự an toàn của hành khách trên xe dù bất cứ giá nào? Vậy đâu mới là ranh giới giữa đạo đức và công nghệ?

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đi tới kết luận rằng những người tham gia trả lời câu hỏi có xu hướng yêu cầu xe tự lái đưa ra quyết định dựa trên chủ nghĩa vị lợi, còn gọi là ưu tiên lợi ích số đông (utilitarianism, một học thuyết đánh giá hành động luân lý dựa trên khả năng nó đem lại hạnh phúc cho mọi người, nguyên tắc của nó là càng đem lại lợi ích cho càng nhiều người càng tốt, còn gọi là nguyên lý hạnh phúc tối đa).

Ý kiến của bạn

Bình luận