Xe đạp thồ: “Vũ khí đặc biệt” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Tác giả: HẠ LIÊN

saosaosaosaosao
Xã hội 30/05/2016 06:02

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không chỉ ngợi ca những trận đánh quyết định tại vùng lòng chảo Tây Bắc của Tổ quốc, mà còn luôn tự hào với sức mạnh của toàn dân tộc hướng tới chiến trường. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, không thể không nhắc tới sự đóng góp của những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ chở hàng ngàn tấn lương thực vào chiến trường.

Những chiếc xe đạp phi thường

Những chiếc xe thồ đã làm lên con đường vận tải huyền thoại, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Hai vạn chiếc xe đạp đã được dùng để thồ lương thực và trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và không một người Pháp nào khi đó có thể ngờ tới một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất khi được gia cố lại vành, săm, lốp, nan hoa tới tay cầm đã trở thành loại phương tiện có sức chở ghê gớm đến vậy.

Theo đó, ngoài dân công gánh bộ 182.124 người, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 11.000 dân công xe đạp thồ tiếp chuyển từng chặng trên suốt tuyến từ Thanh Hóa cho đến kho lương thực Tuần Giáo (Lai Châu). Từ trạm H1 Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ đường dài 80km thì do đoàn xe thồ hỏa tuyến của Thanh Hóa (lực lượng xung kích) với 3.000 xe, biên chế thành 20 đại đội theo phạm vi huyện, mỗi C có 1 chi bộ Đảng lãnh đạo và toàn đoàn có ban chỉ huy gồm 3 đồng chí, do đồng chí Đặng Văn Minh, cán bộ biệt phái sang Ty Giao thông làm trưởng đoàn.

Tháng 8/1953, đoàn xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa lên đường đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy đoạn đường chiến đấu gian nguy, vất vả, xa quê nhà, xa hậu phương tới 3,4 tháng trời nhưng với ý chí quyết tâm đánh giặc, truyền thống chống giặc ngoại xâm, mọi người lên đường với niềm tin tưởng phấn khởi. Ròng rã trong một thời gian dài phục vụ chiến dịch, có lúc thăng lúc trầm, nhiệm vụ được giao là 3 tháng nhưng kéo dài đến 4,5 tháng. Thức ăn, vật dụng cạn dần, thiếu thốn nhiều thứ từ điếu thuốc lào không có để hút cho đến phụ tùng săm lốp xe đạp, lại hoạt động trên địa bàn xa tỉnh, xa lãnh đạo địa phương, thiếu sự chăm sóc, quan tâm động viên. Sau trận máy bay địch ném bom bắn phá vào kho lương thực Tuần Giáo tháng 11/1953 trong lúc đang nhận hàng khiến một số dân công bị chết, bị thương, làm dao động tư tưởng. Bộ Tư lệnh tiền phương đã kịp thời giải quyết hậu quả, mai táng người quá cố, cấp cứu đưa người bị thương đến bệnh sá tiền phương cứu chữa và động viên tư tưởng để anh em yên tâm.

Những lời động viên, hỏi thăm ân cần và căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp đoàn dân công xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa bừng lên khí thế sôi nổi thi đua nâng cao năng suất vận chuyển, lập thành tích chào mừng ngày phát lệnh mở màn chiến dịch và cũng từ đó mà trọng lượng hàng trên xe ngày càng nhiều, mỗi chuyến chở từ 150kg, 200kg đến 325kg. Người dẫn đầu là anh Cao Tỵ, dân công đội xe thồ thị xã Thanh Hóa, trên xe luôn chở 300kg vượt đèo, dốc. Hình ảnh đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như là một kỳ tích của óc sáng tạo cùng tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến” và truyền thống ấy được dân công Thanh Hóa kế tục, phát huy để vượt Trường Sơn phục vụ chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước sau này.

Với những thành tích đó, đoàn dân công Thanh Hóa xứng đáng được đón nhận cờ thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 10 huân chương cho đơn vị và các nhân thuộc dân công vận tải Thanh Hóa do Chính phủ tặng thưởng và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Tư lệnh tiền phương, Tổng cục cung cấp mặt trận. Và hơn hết, trong lần Bác về thăm Thanh Hóa ngày 16/3/1957, Bác đã khen ngợi dân công xe đạp thồ: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

su-kien-87

Tiếng vang khắp năm châu

Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX mà còn là chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Và, đội quân xe đạp thồ trong chiến dịch là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.

Biết đến đội dân công xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ qua báo đài, Nicolas Voillemot và Nicolas Houdry, hai anh chàng người Pháp có niềm đam mê với chiếc xe đạp đã tới Việt Nam và quyết định trải nghiệm hành trình xe đạp thồ hơn 500km từ Bắc miền Trung đến Tây Bắc Việt Nam để cảm nhận sự gian khổ trên tuyến đường dẫn đến Điện Biên Phủ, để thấu hiểu được những dân công xe đạp thồ trong thời chiến đã sống và chiến đấu như thế nào. Trong chuyến đi này, họ cũng dùng những chiếc xe đạp thồ “Trên đường mòn lên Điện Biên Phủ”.

Để tìm hiểu kỹ về những chiếc xe đạp thồ, hai anh chàng người Pháp này đã về huyện Yên Định, Thanh Hóa gặp gỡ những dân công xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở đây, các anh đã được nghững người dân công xe đạp thồ năm xưa truyền lại những kinh nghiệm quý báu. Theo những bậc tiền bối này, một chiếc xe đạp thồ sau khi được gia cố và lắp thêm phụ tùng có thể chở tới 200kg mà không gặp vấn đề gì trên những đoạn đường bằng phẳng. Nhưng nếu phải đi qua đồi thì một bánh xe sẽ phải chịu toàn bộ áp lực và xe có thể bị nổ lốp. Để có thể chở được số lượng nhu yếu phẩm lớn như vậy qua đổi, những người dân công xe đạp thồ đã phải cắt bớt ống quần của mình và xé thành những dải nhỏ và cuốn vào săm trước khi bơm. Nhờ sáng kiến này, những người dân công xe đạp thồ đã không phải dừng lại nhiều lần để sửa xe.

Hai anh chàng người Pháp này rất ấn tượng và thích thú với những sáng kiến sử dụng những vật liệu khác nhau để gia cố xe. Bằng với sự đam mê khám phá của mình, với hai chiếc xe đạp thồ mượn của những dân công Thanh Hóa trong chiến dịch xưa, hai anh chàng này đã bắt đầu hành trình của chính mình với mỗi người 80kg gạo. Họ đã đi qua từng địa danh mà đoàn dân công trước đây đã từng đi như huyện Thọ Xuân, nơi đã từng là kho dự trữ gạo lớn nhất; đèo Yên Ngựa, cái dốc 15km mà hầu hết những dân công ở Yên Định đều nhắc đến…

Khi được trực tiếp trải nghiệm con đèo mà người dân công xe đạp thồ Thanh Hóa nào cũng khiếp đảm này, 2 chàng trai Nicolas cho rằng, tuyến đường 15km này thực ra không quá dốc như họ nghĩ nhưng đường rất xấu với nhiều đá lởm chởm và thỉnh thoảng có những đoạn dốc gây khó khăn cho hai chiếc xe chở gạo. Trên tuyến đường 15km này họ gặp vô số khó khăn, thậm chí là bị nổ lốp. Nhưng hai anh chàng này đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ một bác nông dân, bác chở xe đạp và gạo giúp họ bằng chiếc xe trâu và còn tặng họ cả bộ bơm và sửa xe của mình. Trước sự nhiệt tình của người Việt Nam, hai anh chàng người Pháp  thấy ấm áp vô cùng vì theo họ, những hành động và tình cảm như vậy đã không còn thấy ở châu Âu từ rất lâu rồi. Càng đi lên đỉnh đèo, đường đi lại càng khó khăn hơn, thay vì mỗi người đẩy một xe như thông thường, họ đã phải đảy từng xe một lên dốc, một người kéo đằng trước và một người đẩy đằng sau.

Dù gặp nhiều khó khăn gian khổ nhưng hai chàng trai này vẫn quyết tâm không bỏ cuộc, quyết tâm thực hiện đúng hành trình những người dân công xe đạp thồ năm xưa đã từng đi. Trải qua mỗi cung đường, họ lại càng hiểu và cảm nhận rõ ràng hơn những gian truân của người dân công xe đạp thồ hết lòng vì tiền tuyến cho dù điều kiện thực hiện cuộc hành trình ngày nay đã tốt hơn nhiều. Mỗi một tuyến đường lên Điện Biên Phủ, họ lại được trải nghiệm những điều mới lạ, được gặp và trò chuyện với người dân, đôi khi là chính những người lính từng chiến đấu trong chiến dịch và hơn hết là họ được nghe, được biết đến những câu chuyện chiến tranh qua mỗi di tích, mỗi hiện vật còn được giữ. Qua mỗi câu chuyện đó, họ lại được cảm nhận, được chứng kiến những đau thương, mất mát, gian khổ mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng cũng như có thể thấy được tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường không gì có thể quật ngã người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa.

62 năm trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một bài học lịch sử chứng minh cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận