Xe bỏ bến ra ngoài bán vé "chui", dân cắn răng chịu bị "cắt cổ"

Ý kiến 09/01/2016 14:23

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến tết, chuyện mua vé tàu, vé xe để về quê của người lao động tại TPHCM trở thành nỗi ám ảnh.

 

Xe bỏ bến ra ngoài bán vé %22chui%22, dân c

Họ chạy đôn chạy đáo, nhờ người này người kia nhưng vẫn không mua được tấm vé tàu tết, nay chỉ biết trông chờ mua vé xe để về quê. Dịp này, các hãng xe “chất lượng cao” nâng giá xe tết cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhu cầu của hành khách đi về các tuyến miền Trung dịp tết khá lớn nhưng nhiều hãng xe thương hiệu tại Bến xe miền Đông đã thông báo hết vé đi vào những ngày cao điểm. Cụ thể, hãng xe Chín Nghĩa chạy tuyến TPHCM - Quảng Ngãi; Thuận Thảo đi các tuyến Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng từ ngày 20 đến 28 tháng Chạp không còn vé; hãng xe Bình Tâm, Thiên Trang đi Quảng Ngãi các ngày 25 đến 28 tháng Chạp cũng hết vé. Vấn đề là quầy vé của các nhà xe này trong bến thông báo hết vé, nhưng các điểm bán vé “chui” ở ngoài bến thì chào mời bao nhiêu cũng có, với giá cao gấp 2 - 3 lần so với vé bán trong bến.

Xe bỏ bến ra ngoài

Vào thời điểm này, chỉ cần dạo quanh các tuyến đường như đường Đồng Đen, Bàu Cát, Thoại Ngọc Hầu, Tân Thành (quận Tân Bình và Tân Phú), sẽ thấy nhan nhản các điểm bán vé xe tết chất lượng cao của rất nhiều nhà xe. Mỗi tuyến đường có hàng chục điểm bán vé xe tết.

Tại phòng vé xe Cẩm Vân số 49 Tân Thành, chạy các tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi - Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế… giá vé xe giường nằm từ TPHCM về Đà Nẵng từ ngày 20 đến 28 tháng chạp được chào bán từ 1.100.000 đến 1.300.000 đồng/vé (bao ăn). Trong khi giá vé ngày thường cùng lộ trình trên của hãng xe này chỉ 350.000 đồng!

Đối với giá vé ghế ngồi cũng các tuyến trên, được chào bán từ 700.000 đến 900.000 đồng tùy ngày và hành khách nào mua trước 2, 3 tuần giá sẽ thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng/vé. Giá vé của hàng chục đơn vị vận tải ở khu vực này đều na ná như nhau.

Trong khi đó, giá vé xe tết cùng tuyến TPHCM - Đà Nẵng của các đơn vị tại Bến xe miền Đông, giường nằm chỉ 552.000 đến 750.000 đồng tùy xe (đã tính phụ thu 60% so với ngày thường). Như vậy, giá vé của các đơn vị chạy xe không qua bến cao gần gấp 3 lần so với giá trong bến.

Quản lý bó tay?

Về việc các doanh nghiệp vận tải hành khách lợi dụng dịp tết để trục lợi, Chánh Thanh tra Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Thanh Bình cho biết, 28 doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến cố định hoạt động tại bến do TP quản lý, đến thời điểm này đã kê khai giảm giá từ 2-3% giá vé tùy theo tuyến.

Từ nay đến tết, Thanh tra Sở Tài chính thường xuyên thanh kiểm tra các doanh nghiệp xem có thực hiện đúng quy định về niêm yết giá vé đã đăng ký. Những doanh nghiệp đăng ký, kê khai điều chỉnh tăng cước bất hợp lý hoặc áp dụng mức phụ thu dịp tết cao hơn mức cho phép, dứt khoát sở không cho điều chỉnh tăng giá vé.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách bên ngoài bến, việc tăng hay giảm là quyền của doanh nghiệp, thanh tra không thể xử lý được. Do các doanh nghiệp này kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nên giá cả hai bên tự thỏa thuận với nhau, không phải kê khai giá vé với các cơ quan chức năng như các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe.

Chính vì vậy, họ tăng bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp. Kẽ hở này đã tạo điều kiện cho hàng chục doanh nghiệp vận tải có thương hiệu hoạt động tại Bến xe miền Đông bỏ bến ra ngoài đón khách để trục lợi kinh doanh mùa tết. 

Khan hiếm vé xe thương hiệu

Mặc dù Bến xe miền Đông chưa triển khai bán vé xe Tết Bính Thân, nhưng đến thời điểm này vé về các tuyến đi miền Trung vào những ngày cao điểm trước tết của các hãng xe chất lượng cao trong bến hầu như đã hết.

Chị Trần Thị Thanh Lý, công nhân may Công ty Việt Tiến (quận Tân Phú) kể, cuối tuần qua chị chạy ra Bến xe miền Đông để mua vé về Bình Định ngày 27 tháng Chạp nhưng cả 3 hãng xe có tuyến về Bình Định đều thông báo hết vé, nếu muốn đi thì đặt cọc chờ xe tăng cường. 

Phó Giám đốc Bến xe miền Đông Thượng Thanh Hải cho rằng, một số doanh nghiệp vận tải có thương hiệu thuê quầy tại bến chỉ tổ chức bán vé cho có lệ, còn chủ yếu bán vé “chui” ở ngoài rồi đưa xe đến rước. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất trên các tuyến miền Trung. Trước đây, mỗi ngày có khoảng 40-50 chuyến xuất bến, nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện bến bán vé cho xe của các doanh nghiệp ủy thác, tức là xe loại 2.

Cũng theo ông Thượng Thanh Hải, việc khan hiếm vé một số tuyến đi miền Trung của một số hãng xe bán vé trước, không ảnh hưởng đến khả năng phục vụ hành khách và việc khan hiếm này chỉ mang tính tạm thời ở một số tuyến. Bởi năm nay, bến đã chủ động cho các doanh nghiệp ngoài số đầu xe đăng ký hoạt động tại bến, được thuê thêm xe ngoài đủ tiêu chuẩn theo quy định đăng ký, đưa vào bến phục vụ.

Dù xe thương hiệu hết vé thì bến vẫn đảm bảo đủ xe phục vụ hành khách. Tuy nhiên, tâm lý thích đi xe chất lượng cao, xe thương hiệu khiến bà con lo hết vé về tết, ồ ạt đi mua vé giá cao.

Bến xe miền Đông hiện có 217 doanh nghiệp vận tải hành khách đang hoạt động, trong đó có 100 doanh nghiệp tự tổ chức bán vé tết. 117 doanh nghiệp còn lại ủy thác cho Bến xe miền Đông bán vé. Hiện đã có 32 doanh nghiệp bán được hơn 40.000 vé xe tết. 

Ý kiến của bạn

Bình luận