Xây dựng lòng tin xã hội vào báo chí

Tác giả: Minh nghĩa

saosaosaosaosao
Doanh nhân 21/06/2016 05:46

Trừ những tập đoàn, tổng công ty lớn có tiếng nói “mạnh” khi gặp khó khăn phải “cậy nhờ” các cơ quan chức năng, còn phần đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa không “có cửa” để nêu được vấn đề với cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng nhờ báo chí, tiếng nói “nhỏ” cũng đến nơi cần đến và nhiều vướng mắc chung của các doanh nghiệp được tháo gỡ. Nhân dịp Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), ông Lê Anh Tuân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Cao su BRC đã dành cho Tạp chí GTVT những chia sẻ tâm huyết về nghề báo và người làm báo.

anh BRC
Ông Lê Anh Tuân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Cao su BRC

PV: Theo ông, mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp hiện nay có ý nghĩa thế nào?

Ông Lê Anh Tuân: Truyền thông không phải chỉ là tiếng nói đơn lẻ mà là tiếng nói của số đông doanh nghiệp, phải ủng hộ, sâu sát với doanh nghiệp. Tôi nói ví dụ như có những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chưa thấy được thì trách nhiệm của báo chí phải lên tiếng một cách khách quan. Như vấn đề thuế hiện nay, có đi sâu vào ngóc ngách thì mới thấy bản thân doanh nghiệp có nhiều cái vướng lắm, nhưng thông tin không khéo lại ảnh hưởng rất lớn đến uy tín doanh nghiệp. Báo chí đưa tin minh bạch chính là làm cho môi trường kinh doanh minh bạch, giúp cho người dân, xã hội định hướng chính xác để chọn sản phẩm tốt.

PV: Ông thấy báo chí và nhà báo hiện nay cần phát huy những mặt mạnh nào?

Ông Lê Anh Tuân: Nhà báo cần dấn thân và phải dũng cảm. Ông cha ta xưa đã hy sinh xương máu để giành độc lập thì nay nhà báo nên dũng cảm “hy sinh” cho mục tiêu cao cả: Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhà báo ví như người lính trên chiến trường, luôn đối diện hiểm nguy nhưng dũng cảm vượt qua để tồn tại và chiến đấu cho lý tưởng. Ở đây chính là phát động sâu rộng về lý tưởng hành động, làm sao tạo ra được môi trường kinh doanh lành mạnh để người thụ hưởng ở đây chính là cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam và cuối cùng chính là người dân được hưởng lợi từ môi trường này. Báo chí có vai trò định hướng, làm sao xây dựng được xã hội minh bạch, trong đó có doanh nghiệp minh bạch, gia đình minh bạch thì xã hội sẽ phát triển.

PV: Vậy theo ông báo chí hiện nay đã có tác động như thế nào đến phát triển doanh nghiệp?

Ông Lê Anh Tuân: Có thể nói, báo chí hiện đang giúp sức đắc lực cho doanh nghiệp, như hoạt động kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phản ánh sự lấn lướt của hàng ngoại để cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp điều tiết, bảo vệ sản xuất trong nước. Báo chí lên tiếng thực phẩm bẩn, rồi các doanh nghiệp làm ăn gian dối, xả thải ra môi trường.

Phần đa doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy báo chí cần cổ vũ các doanh nghiệp này phát triển. Để dũng cảm nói lên những khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp, nhà báo phải là nhà chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực. Nhà báo có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành, qua đó có sự đánh giá khách quan, tác động đến cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết vấn đề. Báo chí không nên hướng dư luận chạy theo các giá trị ảo hay đăng thông tin giật gân, câu khách mà cần xây dựng tuyến thông tin mang tính thực tiễn và định hướng rõ ràng, đồng thời phải có tính giáo dục cao.

Với doanh nghiệp như BRC hoạt động trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm gối cầu, khe co giãn phục vụ giao thông, xây dựng, báo chí đã giúp chúng tôi giới thiệu sản phẩm mới này. Phóng viên báo, tạp chí ngành GTVT có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, nguồn tin rất tin cậy, định hướng dư luận đúng đắn.

PV: Người ta thường nói “đạo đức doanh nghiệp”, rồi “đạo đức nghề nghiệp”…, vậy có cần “đạo đức” để dẫn lối đưa đường trong mọi trường hợp hay không, thưa ông?

Ông Lê Anh Tuân: Nhà báo khi đưa thông tin cần có cái đầu tỉnh táo để kiểm chứng, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường. Theo tôi, một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp thì thông tin đưa ra sẽ chính xác, tin cậy, có giá trị tác động tích cực đến xã hội. Không chỉ doanh nghiệp mới duy trì đạo đức kinh doanh, ngay trong một gia đình, bố mẹ có đạo đức sẽ làm gương con cái. Con cái có đạo đức thì tôn trọng cha mẹ, thương yêu anh chị em. Gia đình đó nhất định sẽ hạnh phúc, phát triển. Nhà báo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm tinh thần của mình cũng như doanh nghiệp làm ra sản phẩm tốt phục vụ thị trường.

Bản thân doanh nghiệp cũng nên cởi mở với báo chí, có thể mời báo chí đến giám sát chất lượng, nhưng thông tin báo chí phản ánh phải thực sự khách quan.

Cuối cùng theo tôi, trong giai đoạn mới, báo chí nên xây dựng được lòng tin trong xã hội để doanh nghiệp tham gia đóng góp vào đúng nơi, đúng chỗ và đó là địa chỉ để người dân nói chung và doanh nghiệp chúng tôi nói riêng tin tưởng vào sự công tâm, minh bạch.

Ý kiến của bạn

Bình luận