Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

25/01/2017 13:25

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ các chương trình tiên tiến (CTTT), Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

1_FOHQ

Đây là một nội dung trong kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị tổng kết Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016. Kết luận đã được Bộ GD&ĐT thông báo tới các cơ sở giáo dục đại học.

Mô hình các chương trình tiên tiến cần được nhân rộng

Sau khi nghe báo cáo tổng kết Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016, ý kiến đánh giá của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và tổng hợp các ý kiến thảo luận nhóm của ba nhóm ngành/trường đại học có CTTT (nhóm ngành/trường đào tạo về công nghệ, kỹ thuật; kinh tế, quản lý và nông lâm nghiệp), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận:

Trong 10 năm vừa qua, Đề án đào tạo theo CTTT về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, đặc biệt là nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, tăng cường nghiên cứu khoa học của sinh viên, củng cố và phát triển cơ sở vật chất và hợp tác quốc tế để tạo ra môi trường quốc tế trong GDĐH.

Sinh viên tốt nghiệp CTTT đạt trình độ cao hơn, năng động hơn so với mặt bằng chung của chương trình đại trà, 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm hoặc đi học nâng cao trình độ ở trong hoặc ngoài nước là sự khẳng định chất lượng cao (CLC) của chương trình trong điều kiện chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí ra nước ngoài học tập.

Lộ trình xây dựng và triển khai thực hiện các CTTT là đúng hướng, tạo được tiền đề cho giai đoạn tiếp theo để phát triển và nhân rộng các chương trình đào tạo CLC tại các cơ sở tham gia CTTT.

Các CTTT bước đầu đã tạo ra sự lan tỏa tích cực trong các cơ sở GDĐH về văn hóa quản trị đại học hiện đại, yêu cầu đảm bảo chất lượng và mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với nhà tuyển dụng.

Tuy vậy, cũng theo Bộ trưởng, một số chương trình còn gặp khó khăn trong việc phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; chưa có sự kết nối chặt chẽ với các sinh viên đã tốt nghiệp để đánh giá, điều chỉnh nội dung, phát triển CTTT ngày một hoàn thiện hơn.

Những bài học thành công và kinh nghiệm của CTTT được tổng kết đặt ra yêu cầu đối với CTTT trong thời gian tới phải luôn giữ vững vị trí “tiên tiến” của chương trình trong điều kiện các chương trình khác cũng không ngừng phát triển.

Đồng thời, nhu cầu lớn về nguồn nhân lực CLC phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế đòi hỏi mô hình các chương trình tiên tiến cần được nhân rộng, cơ chế đầu tư ngân sách cho các chương trình CLC phải được đổi mới để tạo ra động lực phát triển và thúc đẩy sự lan tỏa của các chương trình CLC trong giai đoạn tiếp theo. CTTT đã hoàn thành sứ mạng để chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ GDĐH hoàn thiện báo cáo chính thức của Đề án để lãnh đạo Bộ ký trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Đề án đào tạo theo CTTT tại một số trường đại học ở Việt Nam giai đoạn 2006-2016. Thời gian hoàn thành trong tháng 1 năm 2017.

Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực CLC

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ các CTTT, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực CLC trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để xây dựng để án này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các cơ sở GDĐH (không phân biệt công lập hay tư thục), trước hết là các trường đang đào tạo CTTT cần tiến hành các công việc sau:

Các cơ sở GDĐH tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ chương trình đào tạo đã và đang được triển khai trên cơ sở nghiên cứu chính sách và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương và địa phương, và xu hướng phát triển của thị trường lao động trong nước và khu vực để có định hướng phát triển cho mỗi nhóm chương trình trên cơ sở phân loại:

Chương trình tốt, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn từ 5 đến 10 năm tới cần đầu tư thành chương trình CLC của trường; chương trình không tốt và thị trường không có nhu cầu thì mạnh dạn loại bỏ, có kế hoạch chuyển đổi; chương trình ở mức trung bình cần đầu tư thành tốt, đúng hướng hoặc tiếp tục phân loại để có định hướng phát triểnễ

Trên cơ sở đó, mỗi trường chọn ra khoảng 5 chương trình đào tạo hội đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, có khả năng cạnh tranh và thu hút được giảng viên, cán bộ quản lý có uy tín trong và ngoài nước để tập trung đào tạo, đầu tư phát triển theo cơ chế quản lý riêng; trong đó, chọn từ 1 đến 2 chương trình tốt nhất để tham gia vào Đề án đào tạo nguồn nhân lực CLC, đề xuất với Bộ GD&ĐT trước ngày 25/1/2017 để thẩm định, lựa chọn.

Các cơ sở GDĐH tham gia đào tạo theo CTTT giới thiệu cán bộ có chuyên môn và năng lực phù hợp. có kinh nghiệm xây dựng đề án phát triển CTTT... gửi danh sách về Bộ (qua Vụ GDĐH) trước ngày 25/1/2017 để lựa chọn tham gia xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực CLC.

Vụ GDĐH cử cán bộ lãnh đạo và chuyên viên làm đầu mối chủ trì thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực CLC trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2017.

Bộ trưởng giao Cục Công nghệ thông tin xây dựng trang thông tin về Đề án phát triển nguồn nhân lực CLC trên cổng thông tin điện tử của Bộ để cung cấp thông tin cho người học, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, đồng thời quảng bá chương trình CLC được xây dựng theo tiêu chuẩn của Đề án.

Ngày 30/12/2016, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị Tổng kết Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành, cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện của 24 cơ sở đào tạo các CTTT.

Ý kiến của bạn

Bình luận