Vượt vũ môn - Bài 1: Trắng đêm “chong đèn” làm dự án

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 09/02/2024 08:42

Nhìn lại năm 2023, trong rất nhiều kỷ lục, nổi bật là việc khởi công tới 26 dự án và hoàn thành 20 dự án giao thông trọng điểm quốc gia có thể nói đã ghi dấu ấn lịch sử trong hành trình phát triển ngành GTVT


Chặng đường đi đến ngày khởi công đúng hẹn của hàng loạt dự án vô cùng gian khổ, khó nhọc, là minh chứng rõ nét cho năng lực vượt bậc với quyết tâm cao nhất tạo nên những kỳ tích.

Trắng đêm “chong đèn” làm dự án- Ảnh 1.

Năm 2023, cả nước là "đại công trường" giao thông với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT và nỗ lực của nhà thầu, ban QLDA. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy kiểm tra công trường Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Những cuộc "chạy đua" nước rút

Để đi đến ngày khởi công đúng hẹn theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ là cả một quá trình gian nan, vất vả trong việc thẩm định và đẩy nhanh tiến độ duyệt hồ sơ dự án. Điều đáng nói, áp lực công việc cần giải quyết để có thể tiến hành khởi công là rất lớn trong khi thời gian gấp rút nhưng không được tiết giảm khối lượng, chất lượng theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT. Việc vượt qua những áp lực để giải quyết "núi việc khổng lồ" chính là "chìa khóa" để mở ra những thành công của Ngành năm 2023.

Ông Thái Bá Thuy, Trưởng phòng Quản lý xây dựng 3, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (QLĐTXD) cho biết, thông thường, công tác chuẩn bị phê duyệt dự án phải mất từ 1 đến 1,5 năm. Thực tế tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, yêu cầu phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ diễn ra trong thời gian khoảng 4,5 tháng. Thời gian tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công... chỉ khoảng 6 tháng.

Trước tiến độ rất gấp, ông Thuy cho biết Bộ GTVT quán triệt xuyên suốt nguyên tắc "vừa chạy, vừa xếp hàng", từ các cục chuyên ngành đến ban QLDA đều phải "chạy đua". "Trụ sở các cơ quan đều "sáng đèn" bất kể ngày hay đêm. Riêng tại Phòng Quản lý xây dựng 3, khoảng thời gian đó triền miên chúng tôi phải làm việc trung bình 15 tiếng mỗi ngày. Thậm chí, chúng tôi phải ăn ngủ ngay tại cơ quan, tiết giảm thời gian sinh hoạt riêng để dồn toàn lực, toàn thời gian trong ngày cho công việc, giải quyết tốt nhất khối lượng hồ sơ khổng lồ", ông Thuy kể.

Trong quá trình đó, các cuộc hội ý, kiểm điểm tiến độ thường xuyên diễn ra. Bất kỳ khâu nào không đảm bảo, dù chỉ chậm tính bằng giờ, bằng ngày cũng phải kiểm điểm, đôn đốc ngay lập tức. Bên cạnh đó, công tác thẩm tra, thẩm định được tiến hành song song với khâu thiết kế, rà soát hồ sơ.

Ông Thuy khẳng định, các dự án đi đến ngày khởi công đúng hẹn một cách thần tốc là những dấu ấn lịch sử trong việc triển khai dự án giao thông trọng điểm. Kết quả này có được là nhờ những đổi mới về tư duy, cách thức triển khai thực hiện và là minh chứng rõ nét cho năng lực triển khai dự án.

Tương tự với cao tốc Bắc - Nam là 3 dự án cao tốc trục ngang trọng điểm gồm Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Biên Hòa - Vũng Tàu. Để đi đến ngày khởi công vào tháng 6/2023, hàng trăm cán bộ, chuyên viên của Bộ GTVT đã dồn toàn lực, toàn thời gian cùng các địa phương giải quyết khối lượng hồ sơ cực lớn.

Tại 3 dự án, Cục Đường cao tốc Việt Nam phải đảm bảo thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán trong khoảng thời gian 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 5/2023 để các địa phương triển khai thủ tục, kịp thời đáp ứng khởi công trước ngày 30/6/2023. Song hành với đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng phải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...

Cũng trong khoảng thời gian này, Cục Đường cao tốc Việt Nam phải phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai chuẩn bị đầu tư các cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Hòa Lạc - Hòa Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Trắng đêm “chong đèn” làm dự án- Ảnh 2.

20h30, giữa căn phòng "ngồn ngộn" giấy tờ, hàng chục cán bộ Phòng Quản lý Xây dựng 3 phụ trách thẩm định hai dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh vẫn đăm chiêu vào số liệu trên màn hình máy tính và những tệp hồ sơ, báo cáo. Ảnh: Tạ Hải

Đột phá từ đổi mới tư duy và hành động

Ông Phùng Đức Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục Đường cao tốc Việt Nam chia sẻ, trong 2 tháng này gần như toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức của Cục phải làm việc 24/7, "ăn nằm" với công việc. Thậm chí, khi áp lực và khối lượng công việc tưởng chừng đã vượt quá sức lực mỗi người thì khi "nhận lệnh" đẩy tiến độ khởi công sớm 2 tuần, anh em phải sắp xếp lại kế hoạch, khó cũng phải làm bằng được, quyết tâm "tăng tốc" để rút ngắn tối đa thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giải quyết đủ khối lượng công việc, đáp ứng "mốc" tiến độ khởi công.

Nói rõ hơn về thành quả "chạy nước rút", ông Dũng cho hay, thời gian thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán tối đa khoảng 45 ngày, song thực tế Cục Đường cao tốc Việt Nam đã rút ngắn thời gian thực hiện còn 15 ngày. Trong đó, khối lượng công việc không bị cắt giảm, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Bộ GTVT.

Có thể nói, năm 2023 đâu đâu cũng xuất hiện các đại công trường giao thông chạy dọc theo chiều dài đất nước. Trong số 26 dự án khởi công thì có 6 dự án quan trọng quốc gia được rút ngắn thời gian khởi công 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường. Đặc biệt, ngay ngày đầu tiên của năm 2023 (1/1/2023), một sự kiện chưa từng có trong lịch sử ngành GTVT khi Bộ GTVT khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Ít tháng sau, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương khởi công nhiều dự án cao tốc khác như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô... Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, hầu hết các dự án khởi công trong năm qua đều có tiến độ từ phê duyệt đến đảm bảo điều kiện khởi công gấp rút.

Việc đảm bảo khởi công đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ là lời khẳng của Bộ GTVT từ đột phá, đổi mới tư duy, cách tiếp cận để triển khai. Nổi bật trong số đó và cũng là minh chứng cụ thể cho nỗ lực vượt bậc là 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo điều kiện khởi công chỉ trong 10 tháng.

Bên cạnh cao tốc Bắc - Nam, các dự án cao tốc khởi công trong năm 2023 đã thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, sự đồng lòng của nhân dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công một trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, trong đó cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Đột phá cơ chế phân cấp, phân quyền làm cao tốc

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, việc phân cấp, phân quyền trong đầu tư hạ tầng GTVT vừa qua đã cho thấy hiệu quả. Khi được phân cấp, các địa phương đã chủ động trong giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng. Trên thực tiễn đã cho thấy thành công.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục QLĐTXD, cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương làm cao tốc đã chia sẻ áp lực với Bộ GTVT, đồng thời tăng cường trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực triển khai dự án.

Lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng nhìn nhận, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương đã minh chứng cho thành công trong thực tiễn, là yếu tố quan trọng quyết định tiến độ, chất lượng của các dự án cao tốc.