Vĩnh Phúc:Cần tăng sức mạnh cho thanh tra GT khi tái diễn “giặc” quá tải

Tác giả: Thành Công

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 03/07/2018 09:17

Những tháng đầu năm, tình trạng xe quá tải đang có dấu hiệu tái diễn trên cả nước. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, dù còn nhiều “cái khó” trong thực thi nhiệm vụ song lực lượng TTGT đã và đang “gồng mình” ngăn chặn “giặc” quá tải, đảm bảo giữ đường và cuộc sống bình yên, an toàn cho nhân dân đi lại.

 

Thanh tra GTVT Vĩnh Phúc kiểm tra tải trọng
Thanh tra GTVT tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra tải trọng phương tiện

 Giảm vi phạm tải trọng trên 90%, số còn lại vẫn diễn biến phức tạp

Vĩnh Phúc là tỉnh “cửa ngõ” của Thủ đô, có vị trí địa lý quan trọng, là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với nhiều dự án xây dựng công trình giao thông, thủy lợi và các công trình hạ tầng khác. Vĩnh Phúc cũng là đầu mối trung chuyển, nối tiếp TP. Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Tốc độ đô thị hóa cũng như phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc là một trong những địa phương dẫn đầu khu vực phía Bắc. Với đặc thù địa bàn có nhiều dự án xây dựng công trình hạ tầng, nhiều mỏ khai thác vật liệu xây dựng, công tác đảm bảo TTATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện (KSTTPT) đường bộ nói riêng được các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hoàng Văn Hoan - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, thời gian vừa qua, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng đã “mạnh tay tiêu diệt” xe quá tải trên địa bàn tỉnh, góp phần đáng kể kéo giảm TNGT, mà Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có TNGT giảm nhiều nhất cả nước.

“Tuy nhiên thời gian gầy đây, tình trạng phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng cho phép và ô tô cơi nới thành thùng đang có dấu hiệu tái diễn. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số xe ô tô chuyên chở vật liệu xây dựng, đất, đá phục vụ các công trình xây dựng thường xuyên vi phạm kích thước thành thùng, có dấu hiệu vi phạm quy định về tải trọng, là mối nguy hại đe dọa ATGT, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân”, ông Hoan cho biết.

Đánh giá về thực trạng tái diễn xe quá tải, ông Hoàng Văn Bản - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận, sau một thời gian tăng cường công tác KSTTPT, số xe ô tô vi phạm quá tải trọng hoạt động trên địa bàn tỉnh có thể đã giảm trên 90%, số còn lại hoạt động chui lủi, rất phức tạp, đặc biệt là sau khi Kế hoạch phối hợp KSTTPT giữa Bộ Công an và Bộ GTVT kết thúc.

Các xe hoạt động thường trốn tránh, nhất là khi “vắng bóng” lực lượng chức năng hoặc khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra thì lái xe và chủ xe thường chống đối, gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Hiện tượng vi phạm nêu trên tập trung nhiều vào các xe chuyên chở vật liệu, đặc biệt là các xe cung cấp đất làm vật liệu cho các nhà máy gạch, các xe này thường hoạt động vào ban đêm.

Những tháng đầu năm vừa qua, lực lượng Thanh tra Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là triển khai toàn lực công tác kiểm soát tại đầu nguồn xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô nhằm ngăn chặn kịp thời phương tiện chở hàng quá tải trọng trước khi lưu thông trên đường bộ.

Trong 5 tháng đầu năm, lực lượng Thanh tra Sở đã xử phạt 187 trường hợp vi phạm lỗi quá tải, quá khổ với số tiền xử phạt gần 930 triệu đồng, trong đó có 106 trường hợp vi phạm quá tải, quá khổ; 72 trường hợp vi phạm quy định về che phủ bạt, lôi kéo, rơi vãi đất ra đường bộ và 9 trường hợp cơi nới thành thùng.

Cần tăng cường sức mạnh để giữ vững hiệu quả

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Văn Bản, một trong những khó khăn lớn của lực lượng TTGT hiện nay là tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Trong khi đó, các giải pháp cần mang tính bền vững để đạt hiệu quả cao trong công tác KSTTPT.

Hiện nay tại Vĩnh Phúc, biên chế của lực lượng Thanh tra Sở chỉ có 23 người với phạm vi quản lý khoảng 40 đầu mối mỏ khai thác, bốc xếp hàng hóa. Ngoài công tác KSTTPT, lĩnh vực quản lý ngành còn rất nhiều đầu việc với phạm vi rộng.

Mặt khác, Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều khu công nghiệp đang trong giai đoạn xây dựng phát triển, các mỏ vật liệu, nhà máy nhiều, hệ thống đường bộ đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lái xe dễ dàng trốn tránh lực lượng chức năng. Cùng với đó là trang thiết bị công cụ hỗ trợ cho các lực lượng chức năng thiếu thốn và lạc hậu. Một tồn tại khác là công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn ít, chưa chặt chẽ, đặc biệt là từ khi kết thúc Kế hoạch phối hợp liên ngành số 12593/KHPH-BGTVT-BCA giữa Bộ GTVT và Bộ Công an.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT đã tăng cường, kiểm soát lưu động để phát hiện, xử lý xe quá tải trọng trên các tuyến giao thông (kiểm soát trên đường), còn lực lượng TTGT tăng cường KSTTPT tại nơi xuất phát, khu vực kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa và tại các điểm đặt thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ do Bộ GTVT trang bị (kiểm soát đầu nguồn).

Như vậy, việc KSTTPT giữa các cơ quan là tương đối độc lập. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hiện nay chỉ duy trì lực lượng TTGT mà không có lực lượng Công an phối hợp. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn có tình trạng đối tượng vi phạm có biểu hiện chống đối, không hợp tác trong việc xử lý vi phạm. 

Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Văn Minh, để tăng cường sức mạnh của lực lượng chức năng nhằm giữ vững và nâng cao hiệu quả trong công tác KSTTPT đường bộ, Bộ GTVT xem xét, có ý kiến với các bộ, ngành chức năng liên quan đến việc triển khai Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 5/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra GTVT”. Đây sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực hoạt động cho lực lượng Thanh tra GTVT.

Đồng thời, Bộ Công an và Bộ GTVT cần sớm khởi động lại Kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác KSTTPT để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động do Bộ GTVT trang bị.

Đặc biệt, Bộ GTVT, Bộ Công an cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác KSTTPT giữa Công an tỉnh, Sở GTVT và UBND cấp huyện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đặc biệt là phối hợp tuần tra, kiểm soát ngoài giờ hành chính và các ngày nghỉ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Ý kiến của bạn

Bình luận