Vĩnh Phúc – điểm sáng đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Hoạt động Ban ATGT 25/03/2014 11:05

Hiện nay, trên cả nước, trung bình mỗi ngày, tai nạn giao thông (TNGT) cướp đi sinh mạng của 30 người. TNGT đang trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Trong khi nhiều địa phương còn đang loay hoay tìm giải pháp kiềm chế TNGT thì Vĩnh Phúc nổi lên như một điểm sáng khi 5 năm liền, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí. Năm 2013, Vĩnh Phúc là 1 trong 5 tỉnh có số người chết giảm hơn 20%. Có được kết quả trên là do có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị.


Là địa bàn cửa ngõ của các tỉnh miền núi Bắc, Vĩnh Phúc có hệ thống giao thông khá đa dạng với nhiều tuyến giao thông trọng điểm chạy qua. Nếu như trước đây, TNGT trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thì những năm gần đây, tình hình TNGT từng bước được kiểm soát. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Vĩnh Phúc là một trong số ít các tỉnh, thành trong cả nước TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, năm 2013, trên địa bàn Vĩnh Phúc xảy ra 53 vụ TNGT (giảm 17,2% so với năm 2012); làm chết 40 người (giảm 28,6%); bị thương 38 người (giảm 24%).

Có được kết quả đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực này. Ngày 18/10/2012, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày kỷ niệm, không uống rượu bia trong ngày làm việc và không hút thuốc là nơi công sở”. Tiếp đến là Kế hoạch số 433 về triển khai công tác đảm bảo TTATGT năm 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 57/2012NĐ-HĐND của HĐND tỉnh về một số giải pháp đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2015.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông cũng được cấp ủy, chính quyền, MTTQ từ tỉnh đến huyện, thành, thị hết sức coi trọng. Năm 2013, với sự phối hợp, giúp đỡ của Ủy ban ATGT quốc gia; Hiệp hội ATGT toàn cầu; Tổ chức Y tế thế giới thông qua dự án An toàn giao thông đường bộ (SR10- VN) do quỹ Bloomberg tài trợ, tỉnh đã mở các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý vận tải, lái xe, tuyên truyền viên… về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông; sự cần thiết phải đội MBH khi đi mô tô, xe máy; tập huấn cho lực lượng CSGT tỉnh nâng cao năng lực cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn… đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người tổ chức giao thông cũng như người tham gia giao thông trên địa bàn.

Bên cạnh các giải pháp mang tính căn cơ như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là việc phát triển các dịch vụ vận tải hành khách công cộng (chủ yếu là xe bus) để giảm mật độ phương tiện cá nhân; kiểm tra, rà soát các hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; tăng cường giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt; rà soát các “điểm đen” về TNGT, đề xuất các cơ quan chức năng khắc phục, sửa chữa… thì một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh chỉ đạo quyết liệt là công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT với các đợt cao điểm theo chuyên đề của các lực lượng liên ngành gồm CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, Thanh tra giao thông. Ngoài công tác giáo dục, tuyên truyền ý thức chấp hành của người dân thì xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng là một trong những biện pháp răn đe người tham gia giao thông chấp hành nghiêm luật Giao thông đường bộ.

Chỉ riêng ăm 2013, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 51.428 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tạm giữ 8.439 phương tiện; 41.958 bộ giấy tờ; tước giấy phép lái xe có thời hạn 6.217 trường hợp; ra quyết định xử phạt 42.643 trường hợp với tổng số tiền hơn 46,5 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31,7km đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua 5 huyện, thành, thị. Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền; các trường học phát động phong trào “Em yêu đường sắt quê em”; các địa phương có đường sắt chạy qua huy động quần chúng nhân dân tham gia gác chắn tại các đường ngang dân sinh có nguy cơ tai nạn cao; kiến nghị ngành đường sắt xây mới 3 trạm gác chắn; tổ chức giải tỏa các hành vi vi phạm hành lang đường sắt theo quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ… nên ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh đảm bảo tốt.

Có thể khẳng định: Trong khi số phương tiện ngày một gia tăng, nhưng 5 năm liền, TNGT trên địa bàn Vĩnh Phúc đạt chỉ tiêu “3 giảm” là một thành công thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc kiềm chế và đẩy lùi TNGT đang được xem như “quốc nạn”.

Song, để kết quả này được duy trì một cách bền vững, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định một số giải pháp trọng tâm là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT dưới nhiều hình thức. Tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, tập trung vào việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật ATGT, giám sát chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đăng kiểm phương tiện.

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông trên địa bàn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ cũng như dịp lễ hội đầu xuân 2014; triển khai có hiệu quả chủ đề Năm an toàn giao thông 2014 – “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát trọng tải phương tiện”. Tăng cường công tác cưỡng chế vi phạm trật tự ATGT, tập trung cưỡng chế, kiểm soát tải trọng xe, cương quyết xử lý các phương tiện chở quá tải trọng cho phép, xe vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm… Nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ về đảm bảo TTATGT; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng…

     BBT

Ý kiến của bạn

Bình luận