Vinalines: Tái cơ cấu để tồn tại và phát triển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Doanh nhân 29/06/2017 15:20

Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận phương án IPO mới cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines, đồng thời Vinalines được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ Vinalines đã được lùi lại ngày 31/12/2016, thay vì cuối năm 2014 như trước.

 

5 tau tu tren cao 2 original-OT 1
 


Tái cơ cấu “ 276 lần thứ nhất”*

Cuối năm 2015, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong phạm vi toàn quốc, liên tục trong 3 năm từ 2013 - 2015, Vinalines chiếm giữ ngôi đầu về thua lỗ khi năm 2013 lỗ hơn 6.900 tỷ đồng, năm 2014 lỗ hơn 3.400 tỷ đồng, năm 2015 tiếp tục lỗ lũy kế hơn 3.300 tỷ đồng. Vào thời điểm cuối năm 2014, vốn chủ sở hữu của Vinalines đã âm hơn 9.800 tỷ đồng. Đây là những con số khá bất ngờ dù trước đó, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, ai cũng có thể thấy Vinalines đã trải qua “cơn sóng dữ” lớn đến mức nào.

Bằng việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ như triệt để xử lý nợ xấu và tài sản không hiệu quả, tiết giảm chi phí, thoái vốn, kể cả cho phá sản một số công ty, đồng thời chú trọng phát triển thị trường, nâng cao chất lượng điều hành sản xuất kinh doanh..., hoạt động chung của toàn Tổng công ty và Công ty mẹ bước đầu cân bằng và có lãi. Vinalines đã thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau thời gian dài thua lỗ nặng nề, tưởng chừng như đứng bên bờ vực phá sản dù mức thực dương của vốn chủ sở hữu này đến từ việc áp dụng “biện pháp kĩ thuật” để tránh lỗ lũy kế.

Vinalines đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, tái cơ cấu đầu tư và sản xuất kinh doanh. Tính đến năm 2015, Vinalines đã hoàn thành cổ phần hóa đối với 12 doanh nghiệp thành viên theo Đề án tái cơ cấu “276 lần 1”. Trong năm 2016, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa/tái cơ cấu đối với một công ty vận tải biển, hoàn thành công tác giải thể đối với 3 doanh nghiệp và đơn vị. Bên cạnh đó, Vinalines cũng tiếp tục thực hiện các yêu cầu của Tòa án đối với 3 doanh nghiệp đã có quyết định mở thủ tục phá sản. Việc thoái vốn, thu gọn đầu mối còn 30 doanh nghiệp đã thu về hơn 2.300 tỷ đồng, lãi hơn 540 tỷ đồng.

Về tái cơ cấu đầu tư, Vinalines đã thực hiện bán thanh lý những tàu già, tàu hoạt động không hiệu quả. Tính đến hết năm 2016, đội tàu của Vinalines đã giảm 1/3 số lượng tàu, giảm 01 triệu tấn trọng tải so với thời điểm trước tái cơ cấu. Đối với chương trình đóng mới, Vinalines đã hoàn thiện và đưa vào khai thác 01 tàu và dừng triển khai đóng tiếp các tàu còn lại.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng, đã dừng và bàn giao các dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện cho các chủ đầu tư khác. Ngày 19/5/2017 vừa qua, Vinalines Hậu Giang - doanh nghiệp được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trước đây đã hoàn thành và đưa vào kinh doanh khai thác cầu cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT. Đây là một trong những hạng mục quan trọng trong đề án tái cấu trúc công ty này nằm trong định hướng phát triển sắp tới của Tổng công ty.

 Những điều chỉnh của tái cơ cấu “276 lần thứ hai”**

Ngày 27/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 276 phê duyệt Chiến lược, Kế hoạch đầu tư phát triển và Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 của Vinalines. Theo đó, mục tiêu chiến lược phát triển là xây dựng Tổng công ty mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu, sử dụng hợp lý các nguồn lực; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, liên kết cao hơn về tài chính, công nghệ và thị trường; xây dựng đội ngũ lãnh đạo chuyên nghiệp, có năng lực quản trị kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp theo lộ trình quy định nhằm thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo người lao động tham gia quản lý, đầu tư phát triển Tổng công ty.

Vinalines đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh trong 5 năm (2016 - 2020) là tổ chức quản lý khai thác và đầu tư phát triển các ngành nghề kinh doanh chủ yếu, gồm: Vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải; đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; thu hẹp quy mô các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả; điều chỉnh phù hợp tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên, đa dạng hóa sở hữu. Tổng công ty sẽ tập trung phát triển và khai thác hiệu quả các cảng biển do Tổng công ty hiện nắm giữ nằm ở những vị trí chiến lược và đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế vùng tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam và giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới GTVT quốc gia.

Để làm được điều này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinalines đồng thời thực hiện kết hợp nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý phải duy trì tỷ lệ chi phối tại các doanh nghiệp cảng biển tại khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; tiến hành thoái vốn về tỷ lệ không chi phối hoặc thoái vốn toàn bộ tại các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 Những triển vọng sau tái cơ cấu

Hơn 8 năm qua, vận tải biển thế giới vẫn tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Trong ba trụ cột kinh doanh chính của Vinalines thì khối vận tải biển vẫn gặp khó khăn nhất. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Vinalines vẫn có điểm sáng, rõ nhất là mảng kinh doanh cảng biển và lĩnh vực logistics có mức tăng trưởng mạnh và có lãi. Trong năm 2016, hoạt động cảng biển đạt lợi nhuận tăng đột biến so với năm 2015, đặc biệt là lợi nhuận trước thuế tăng tới gần 60%, khoảng hơn 920 tỷ đồng. Các cảng sau cổ phần hóa đều tăng trưởng, như Cảng Hải Phòng lợi nhuận trước khi cổ phần hóa khoảng trên 200 tỷ đồng, nhưng năm 2016 đã đạt trên 670 tỷ đồng. Cảng Đà Nẵng trước cổ phần hóa chỉ đạt lợi nhuận khoảng 40 - 50 tỷ đồng, nhưng đến năm 2016 đã đạt lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng... Các cảng liên doanh như: CMIT, CICT, SSIT cũng tăng trưởng về sản lượng và doanh thu. Hoạt động dịch vụ hàng hải và hoạt động khác ghi nhận mức lãi hơn 1.100 tỷ đồng.

Vào thời điểm cuối năm 2014, Vinalines được định giá 21.287 tỷ đồng (gần 01 tỷ USD), vốn nhà nước gần 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ của Vinalines cũng lên tới khoảng 4.500 tỷ đồng, 151 triệu USD và gần 70 triệu euro. Sau 3 năm tái cơ cấu Công ty mẹ (từ 31/12/2013 đến 31/12/2016), Vinalines đã giảm nợ hơn 8.000 tỷ đồng, ghi tăng vốn nhà nước hơn 2.800 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, Công ty mẹ giảm được hơn 2.300 tỷ đồng.

Bức tranh của ngành Hàng hải nói chung còn nhiều khó khăn, Vinalines bằng sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của bản thân đã phần nào vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng “sóng gió” chưa phải đã hết. Tuy nhiên, với các chỉ tiêu khả quan hơn và động thái muốn giữ vốn cao của Nhà nước, vị thế và giá trị của Vinalines sẽ khác so với trước đó. Sự thay đổi mang tính bước ngoặt này đang mở ra những cơ hội mới cho Vinalines trong giai đoạn sắp tới

Ý kiến của bạn

Bình luận