Việt Nam tụt một bậc về môi trường kinh doanh

Doanh nghiệp 01/11/2018 06:22

Việt Nam xếp thứ 69 trên 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới khảo sát về mức độ dễ dàng kinh doanh.

 

Việt Nam tụt một bậc về môi trường kinh doanh
Công nhân trong một nhà máy may ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 – Đào tạo để Cải cách. Trong 190 quốc gia được đánh giá, Việt Nam đạt 68,36 điểm trên 100, đứng thứ 69, tụt một bậc so với năm ngoái.

Trong khảo sát năm nay, WB vẫn đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Với Việt Nam, những lĩnh vực có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Thành lập doanh nghiệp, Nộp thuế và Thực thi hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 21-133. Được đánh giá cao nhất vẫn là Xin giấy phép Xây dựng (xếp thứ 21), và thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (133).

Với đối tượng tiêu chuẩn là một công ty TNHH tại TP HCM, WB chỉ ra tổng số thủ tục hành chính công ty này phải thực hiện khi thành lập doanh nghiệp là 8. Với tiêu chí được đánh giá cao nhất - Xin giấy phép xây dựng, số thủ tục cần hoàn thành là 10.

Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam nằm ở khoảng giữa. Xếp trên là Singapore (2), Malaysia (15) và Thái Lan (27).

Đứng vị trí số một năm nay vẫn là New Zealand. Theo sau là Singapore, Đan Mạch, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Nền kinh tế lớn nhì thế giới - Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới. Năm qua, với kỷ lục 7 cải cách, Trung Quốc thăng hạng lên thứ 46.

Báo cáo của WB đánh giá các nền kinh tế trên thế giới đều đang thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Theo thống kê, 190 quốc gia đã thực hiện kỷ lục 314 cải tổ giai đoạn tháng 6/2017 – 5/2018.

Báo cáo cũng chỉ ra cơ hội đào tạo cho người dùng và các hãng cung cấp dịch vụ có tác động tích cực đến điểm số của các quốc gia. Tương tự, tăng cường trao đổi thông tin giữa khu vực công và tư về các thay đổi hiến pháp cũng như quy trình pháp lý có ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tạo ra nhiều cải tổ hơn, giúp các chỉ số cải thiện hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận