Việt Nam đứng thứ 4 châu Á về số du thuyền ghé thăm

Du lịch 26/10/2018 14:26

Ước tính Việt Nam sẽ đón khoảng 493 chuyến du thuyền trong năm 2018, tăng 20% so với năm 2017 (407 chuyến).

l0i4opea-jpeg-1540441835-3519-1540442827
Những chiếc du thuyền 5 sao hạng sang được ví như thành phố nổi trên biển với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi. Ảnh: Princess Cruises.

Thống kê của Hiệp hội du lịch tàu biển quốc tế (CLIA) cho thấy, thị trường nghỉ dưỡng bằng du thuyền tại châu Á có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với hơn 4 triệu khách vào năm 2017.  

Ước tính đến cuối năm 2018 sẽ có hơn 4,26 triệu du khách châu Á lựa chọn hình thức nghỉ dưỡng này. Đây là con số ấn tượng vì một khảo sát trước đây nhận định, phải đến năm 2020, thị trường châu Á mới đạt được con số 4 triệu khách.  

Theo CLIA, Việt Nam ước tính sẽ đón khoảng 493 chuyến du thuyền trong năm 2018, tăng 20% so với năm 2017 (407 chuyến). Nếu vậy, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong số các quốc gia có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất tại châu Á.

Năm 2018, cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) đón nhiều chuyến hải trình nhất tại Việt Nam với 159 chuyến, cảng Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu) xếp thứ 2 với 139 chuyến, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đón 111 chuyến và cảng Nha Trang đón 72 chuyến.

Du thuyền cập bến đóng góp gì cho kinh tế Việt Nam?

Về chi tiêu bình quân của du khách khi cập bến Việt Nam, ông Farriek Tawfik, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của hãng du thuyền Princess Cruises, lấy ví dụ: “Trong năm 2018, Princess Cruises ước tính vận chuyển hơn 80.000 du khách đến Việt Nam. Chỉ cần mỗi khách mua một chai nước suối giá 2 USD, đó đã là một con số không nhỏ”.

Đại diện của hãng tàu biển 5 sao khẳng định, không chỉ có khách dừng chân mua sắm, ngay cả những du thuyền khi cập bến cũng mua thêm thực phẩm và các trang thiết bị cần thiết để tiếp tục hải trình. Đây cũng là nguồn thu đáng kể mỗi khi du thuyền đưa khách đến Việt Nam.  

Ông Farriek Tawfik nhận định, hệ thống cơ sở vật chất của các cảng biển Việt Nam được cải thiện đáng kể trong vài năm trở lại đây. Thuyền lớn có thể dễ dàng ra cập bến cảng biển Chân Mây, Phú Mỹ. Ở một số cảng biển nước nông như Cái Lân, Hạ Long, du thuyền lớn khó vào sâu, buộc phải dùng tàu chuyên dụng để đưa khách vào bờ.  

11270713-869367966464539-15244-1325-1799-154044282
Du thuyền cập bến mang theo một lượng khách lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: Khương Nha.

Ông Farriek Tawfik cho biết, trung bình mỗi đoàn khách sẽ tham quan, mua sắm khoảng 8 tiếng tại mỗi điểm dừng chân. “Ví dụ một du thuyền cập bến với 3.500 khách, chúng tôi sẽ rất lo lắng đến việc có đủ xe để đưa từng đó người đi tham quan cùng một lúc. Khách trên du thuyền là người nước ngoài, liệu hướng dẫn viên địa phương có thể nói cùng lúc nhiều thứ tiếng để dẫn đoàn”.

Theo vị giám đốc này, có lần ông đã phải đứng xếp hàng dài ở một điểm dừng chân vì cả nhà hàng chỉ có một nhà vệ sinh trong khi đoàn khách thì cả nghìn người. “Chính những thứ tưởng chừng như không quan trọng như vậy lại ảnh hưởng rất nhiều đến ấn tượng của du khách về một điểm đến”, vị này nói thêm.

Người Việt nghỉ dưỡng bằng du thuyền ngày một tăng

Thống kê của CLIA cũng cho thấy, nhu cầu du lịch bằng tàu biển của người Việt Nam tăng nhanh. Trong năm 2018 có khoảng 5.900 khách Việt đi du thuyền, trong khi năm 2012 chỉ có 158 khách.  

“Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn. Chúng tôi dự đoán số khách chọn hình thức nghỉ dưỡng bằng du thuyền sẽ tiếp tục tăng mạnh khi giới trung lưu của Việt Nam ngày càng đông”, ông Farriek Tawfik nhận định. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng khoảng 1,5 triệu người mỗi năm.

Ngoài ra, độ tuổi trung bình đi du lịch bằng tàu biển của người Việt là 42, trong khi độ tuổi trung bình của du khách Nhật Bản là 56 tuổi. Thời gian người Việt dành ra cho một chuyến du lịch đường biển là khoảng 4 ngày. 64% du khách chọn các hải trình kéo dài 4 - 6 ngày, 26% chọn hải trình trong 3 ngày và chỉ có 8% khách chọn hải trình dài 7 - 13 ngày.

Châu Á vẫn là điểm đến được người Việt yêu thích nhất với 80% du khách chọn để dừng chân. Danh sách còn lại thuộc về: Caribbean (7%), Alaska (6%), châu Âu (3,5%), Australia (1%)... Một điều đặc biệt là khách Việt Nam thích đi Caribbean nhất châu Á.

Để đến được Caribbean, du khách buộc phải bay đến Mỹ rồi mới có thể bắt đầu hải trình. “Điều đó chứng tỏ du khách Việt vẫn cảm thấy thoải mái khi thực hiện hành trình bay đến nơi tập kết du thuyền rồi mới bắt đầu hải trình. Chúng tôi dự đoán gói du lịch kết hợp bay - du thuyền sẽ trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam”, ông Trần Chánh Cường, Giám đốc Golden Star Travel, chia sẻ. 

Ý kiến của bạn

Bình luận