Việt Nam có thể tiết kiệm tỷ USD nếu giảm thủ tục thông quan

Doanh nghiệp 13/08/2015 07:05

Kinh nghiệm quốc tế cũng như những tính toán tại Việt Nam cho thấy, nếu giảm thủ tục hành chính để giảm một ngày thông quan sẽ giúp khối doanh nghiệp giảm chi phí chung khoảng 1 tỉ USD/năm.

 

Hải quan
Ngành hải quan đã có nhiều hoạt động cải cách thủ tục xuất nhập khẩu trong thời gian qua, giảm thời gian làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu trung bình từ 21 ngày xuống còn 13 ngày.

Đây là quan điểm được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu tại cuộc đối thoại trực tuyến về “Cải cách năng lực cạnh tranh, nhìn từ ngành hải quan” do CIEM phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 11/8.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh Vũ Ngọc Anh cũng thừa nhận điều này, nhưng cho biết, một số hệ thống điện tử chưa hoàn thiện, quá trình triển khai còn trục trặc khi làm thủ tục thông quan điện tử cho doanh nghiệp như chương trình quản lý rủi ro, kết toán thuế… Ngành hải quan sẽ tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Ông cũng nói, ngành hải quan vẫn đang nỗ lực cải cách thủ tục, nhưng nếu các bộ chuyên ngành trì trệ trong việc này thì hải quan cũng không thể thực hiện được.

Theo ông Ngọc Anh, ngành hải quan đã có nhiều hoạt động cải cách thủ tục xuất nhập khẩu trong thời gian qua, giảm thời gian làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu trung bình từ 21 ngày xuống còn 13 ngày. Hệ thống thông quan điện tử cũng đã hoạt động giúp giảm nhiều thủ tục, thời gian thông quan.

TS. Nguyễn Đình Cung phân tích, nếu xét về chỉ số tạo thuận lợi hoá thương mại thì chỉ ngành hải quan không thôi thì chưa đủ, mà thủ tục này lại liên quan đến toàn bộ hệ thống quy định của ta về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu.

“Cho nên, hiện nay, Nghị quyết 19 lần 2 đặt mục tiêu cải cách toàn diện theo hướng chuyển mạnh sang hậu kiểm, áp dụng tối đa công nghệ thông tin. Nghị quyết còn đề ra rất rõ văn bản nào thực sự đang cản trở hoạt động thông quan”, ông nói.

Theo ông, để rút ngắn hơn nữa thời gian, thủ tục thông quan, sắp tới phải sửa nghị định 197/NĐ-CP về danh mục hàng hoá chuyên ngành xuất nhập khẩu, hoặc thông tư về quản ý giám sát, khai thác hóa chất…

Ông Cung cho rằng, mặc dù ngành hải quan đã chủ động, tích cực rà soát hơn 300 văn bản, nhưng cho đến nay, mới chỉ rà soát ở mức khởi động. “Còn những văn bản phải sửa ngay lập tức như Nghị định 107/CP và các thông tư đã điểm thì chậm. Với cách như thế này thì không đạt”.

Cũng theo ông, việc cải cách thủ tục hải quan đòi hỏi phải đồng bộ như nhau vì nếu chỉ trục trặc, khó khăn ở một bộ, ngành nào đó thì sự kết nối không thông suốt thì chưa đạt mục tiêu cải cách như mong muốn.

Phản hồi ý kiến ông Cung, ông Vũ Ngọc Anh cho biết, hiện nay Tổng cục Hải quan đã rà soát 9/19 luật, 19/54 nghị định, 126/186 văn bản… để tranh luận với các bộ, ngành để chỉ ra văn bản nào cần sửa.

“Nhiều bộ ngành đã sửa đổi văn bản của họ, đã có 6 bộ kết nối với Cổng thông tin điện tử hải quan, cuối năm nay sẽ có thêm 3 bộ nữa. Nếu các bộ, ngành tích cực hoạt động cải cách thủ tục sẽ là yếu tố chính giúp thuận lợi hóa, rút ngắn thủ tục hải quan”, ông Ngọc Anh nói.

Tuy nhiên, theo ông, thủ tục hải quan vẫn phải tiếp tục cải thiện vì về cơ bản, việc thông quan hàng hóa đang vướng nhiều ở  khâu kiểm tra chuyên ngành, còn ở hải quan cơ bản đều dã chuyển sang hậu kiểm, hàng cứ đi và kiểm tra sau.

“Việc thay đổi toàn bộ bộ thủ tục hành chính, chuẩn hoá... thì cần có thời gian, không phải bộ nào cũng làm được sớm, đặc biệt là bộ đa ngành như nông nghiệp, y tế”, ông Ngọc Anh nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận