Viện Khoa học và Công nghệ GTVT: Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hàng đầu phát triển hạ tầng giao thông

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 30/10/2020 10:39

Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) GTVT, tiền thân là Viện Thí nghiệm vật liệu của ngành GTVT, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1956. 64 năm xây dựng, trưởng thành từ hoạt động nghiên cứu KH&CN, Viện đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển GTVT cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Khoa học công nghệ: “Đòn bẩy” cho hạ tầng giao thông phát triển

Tại Hội nghị Khoa học công nghệ năm 2020 và hướng tới phát triển bền vững được tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Viện trưởng Viện KH&CN GTVT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Viện đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao và có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực hoạt động KHCN phục vụ sản xuất của Ngành. Tính từ năm 2016 đến nay, với 1 đề tài cấp Nhà nước, 68 đề tài cấp Bộ, 55 tiêu chuẩn và 52 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào sản xuất của Viện đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần giải quyết những khó khăn về mặt kỹ thuật của Ngành, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế của Viện đối với các doanh nghiệp, tạo được niềm tin đối với ngành GTVT và các đối tác.

_THB9905
 

5 năm qua, Viện đã nghiên cứu thực hiện 68 đề tài KH&CN cấp Bộ. Về cơ bản, các nhiệm vụ KH&CN đã được nghiệm thu và chờ nghiệm thu theo tiến độ được giao, các nhiệm vụ đề tài KH&CN năm 2020 đang triển khai theo đề cương phê duyệt.

Dưới đây là một số kết quả hoạt động KH&CN trong 5 năm trên các lĩnh vực: đường bộ, sân bay; cầu - hầm; đường sắt; cảng đường thủy; cơ khí máy xây dựng; tự động hóa - đo lường; vật liệu, bảo vệ công trình và phương tiện vận tải; môi trường; cơ chế chính sách phục vụ công tác quản lý của ngành; đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng...

Từ năm 2016 đến nay, Viện đã được Bộ GTVT giao xây dựng 55 tiêu chuẩn, trong đó ban hành được 48 TCVN, 4 TCCS và 10 qui định kỹ thuật. Hầu hết các tiêu chuẩn do Viện chủ trì thực hiện đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp điều kiện điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu thủy văn, vật liệu và trình độ kỹ thuật thi công của Việt Nam, từng bước hòa nhập vào trình độ chung của khu vực và thế giới. Với bề dày kinh nghiệm và uy tín trong quá trình việc xây dựng tiêu chuẩn, giai đoạn 2015 - 2018, Bộ GTVT đã tin tưởng giao cho Viện thực hiện công tác rà soát đánh giá về hiện trạng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và trên thế giới. Trong quá trình thực hiện, Viện đã có báo cáo, đề xuất, tham mưu cho Bộ với khoảng hơn 100 đề xuất về việc biên soạn chuyển đổi các quy định kỹ thuật, TCCS thành TCVN; 10 đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung một số tồn tại của tiêu chuẩn hiện hành và trên 150 đề xuất về xây dựng mới tiêu chuẩn.

Hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ của Viện cũng đã, đang nghiên cứu và tham mưu cho Bộ GTVT thử nghiệm nhiều vật liệu mới, đánh giá nhiều công nghệ thi công kết cấu hạ tầng giao thông áp dụng trong các lĩnh vực đường bộ, đường cao tốc, sân bay, cầu, hầm, cảng biển, đường sắt, nền móng công trình..., điển hình như: Thử nghiệm vật liệu nhựa đường đá Buton - BRA của Indonesia; thử nghiệm công nghệ Micro-surfacing theo công nghệ của Tập đoàn Colas (Cộng hòa Pháp); thử nghiệm vật liệu tái chế nguội tại chỗ sử dụng hỗn hợp Polime PT2A; phương pháp gia cố nền đất xây dựng bằng cọc xi măng đất theo công nghệ MITS-CMS; công nghệ tái chế nóng bê tông nhựa với hàm lượng RAP từ 25 - 75% tại trạm trộn theo công nghệ của Công ty Taisei Rotec; thử nghiệm xỉ thép trong xây dựng nền đường, kết cấu áo đường ô tô; thử nghiệm phụ gia hai đặc tính sửa đổi tự nhiên RCA cho hỗn hợp bê tông nhựa nóng. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KH&CN của cách mạng công nghiệp 4.0 như: Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (Cyber - Physical Systems), công nghệ na-nô, tự động hóa... vào thực tế quản lý và sản xuất của ngành GTVT.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Viện đã đi vào chiều sâu, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2016 đến nay, Viện đã thiết lập và hợp tác với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc; Trung Quốc... Qua các mối quan hệ hợp tác, Viện đã tổ chức thành công trên 24 hội nghị, hội thảo KHCN quốc tế; cử 31 đoàn với 90 lượt cán bộ tham dự hội thảo khoa học, đào tạo ngắn hạn tại các nước phát triển; tiếp và làm việc với 144 đoàn với 496 lượt khách quốc tế; được giao thực hiện dự án ODA với sự trợ giúp của JICA về trượt đất và kết thúc vào cuối năm 2016; triển khai dự án hợp tác với Nhật Bản về xây dựng tiêu chuẩn cảng biển; hợp tác xây dựng và ban hành 6 TCVN về trang thiết bị ATGT với Công ty Azuma Safety, Nhật Bản; hợp tác xây dựng và ban hành 6 TCVN về công trình cảng biển Việt Nam với OCDI (Nhật Bản)...

Làm chủ công nghệ mới, nâng cao chất lượng công trình giao thông

Các hoạt động KHCN của Viện trong giai đoạn 2016 - 2020 đã đáp ứng được các yêu cầu quản lý nhà nước của ngành GTVT, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao chất lượng công trình giao thông.

Thời gian tới, Viện chủ động và tập trung giải quyết những vấn đề kỹ thuật, nghiên cứu giải mã những công nghệ trọng yếu phát sinh từ thực tế sản xuất trong cả 5 lĩnh vực của ngành GTVT, đặc biệt chú trọng tới giải pháp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực ITS, đường sắt đô thị, cảng biển và hàng không. Ngoài ra, Viện tiếp tục nghiên cứu những công nghệ mới, thử nghiệm các loại vật liệu mới trong xây dựng, bảo trì, sửa chữa tăng cường kết cấu công trình giao thông phù hợp với từng vùng miền...; biên soạn các tiêu chuẩn, qui chuẩn, xây dựng các qui trình, chỉ dẫn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng của ngành GTVT.

Viện tiếp tục tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển KHCN, gắn nội dung hợp tác với các nhiệm vụ chính trị của Viện; chú trọng hợp tác với các đối tác có thương hiệu, kinh nghiệm, trình độ công nghệ cao để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có các đối tác truyền thống như: Viện Quản lý đất đai và Cơ sở hạ tầng Quốc gia Nhật Bản (NILIM), Viện Bê tông dự ứng lực Nhật Bản (JPCI), Tập đoàn Nippon Steel and Sumitomo Metal, Công ty SE, Công ty Azuma Safety, Hội Trượt đất Nhật Bản (JLS), Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản (JTTRI); các đối tác Hàn Quốc: Viện Công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu Đường sắt Hàn Quốc (Viện KRRI), Đại học Woosong, Công ty DASAN, Cơ quan Công nghệ Hạ tầng tiên tiến Hàn Quốc (KAIA) và đối tác Trung Quốc nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu của Viện, hoàn thiện cơ sở dữ liệu để đề xuất tham gia các dự án mới nhất có hàm lượng KHCN cao.

Ý kiến của bạn

Bình luận