Vì đâu TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí?

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 17/03/2020 09:52

Năm 2020 với nhiều kỳ vọng về bước đột phá để thúc đẩy đà giảm TNGT, trong hai tháng đầu năm, TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

1

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia trực tiếp kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT tại Bến xe Mỹ Đình trong dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán 2020

“Sức nặng” từ Nghị định 100/2019 

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, hai tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 2.368 vụ TNGT, làm chết 1.125 người, bị thương 1.781 người. So với hai tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 454 vụ (-16,09%), số người chết giảm 231 người (-17,04%) và số người bị thương giảm 385 người (-17,77%).

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt Nghị định 100 được xem là giải pháp tạo nên sự đột phá này. Với việc tăng nặng xử lý hàng loạt hành vi nguy hiểm là tác nhân hàng đầu gây ra TNGT, cộng với sự triển khai “mạnh tay” của lực lượng chức năng, tình hình trật tự ATGT đã tiếp tục chuyển biến vượt bậc sau nhiều nỗ lực xuyên suốt 20 năm qua.

Thông thường, hai tháng đầu năm là thời gian diễn ra Tết Nguyên đán và cũng là thời điểm TNGT diễn biến phức tạp nhất trong năm. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT trong khoảng thời gian này là tập tục sử dụng rượu bia của người dân tăng đột biến trước, trong và sau dịp Tết. Đi kèm với đó là “thói quen khó bỏ” là lái xe sau khi sử dụng rượu bia.

Chính vì vậy, việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn ngay từ những ngày đầu năm đã ngăn chặn hiệu quả TNGT do “ma men” gây ra. Hơn hết, việc xử lý rất kiên quyết đối với vi phạm nồng độ cồn nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng xã hội. Sức lan tỏa mạnh mẽ từ Nghị định 100 đã nâng cao đáng kể ý thức chấp hành quy định pháp luật của người tham gia giao thông. Đây là bước tiền đề quan trọng để tiếp tục kéo giảm sâu hơn nữa TNGT trong thời gian tới.

Đảm bảo tốt ATGT trong đại dịch 

Theo đánh giá của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong tháng 01/2020, TNGT đã giảm rất sâu, trong khi tháng 02 vẫn tiếp tục giảm nhưng đà giảm không mạnh như tháng 01.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, Nghị định 100 đã có tác động rất lớn trong xã hội ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, từ đó TNGT trong tháng 01 đã giảm rất sâu. Tuy nhiên, bước vào tháng 02 với bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, nhiều ý kiến quan ngại về việc thổi nồng độ cồn có hay không nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là một yếu tố khiến việc kiểm soát nồng độ cồn bị ảnh hưởng phần nào và TNGT không giảm mạnh như tháng 01. 

Mặc dù vậy, so sánh với cùng kỳ tháng 02/2019, TNGT trong tháng 02 năm nay vẫn giảm sâu tới 17,53% về số vụ, giảm 14,83% số người chết và giảm 21,22% số người bị thương. Trong thời gian tới, việc kiểm soát nồng độ cồn vẫn được thực hiện nghiêm theo Nghị định 100 và đảm bảo các yêu cầu khắt khe ứng phó với dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), bên cạnh hiệu quả từ Nghị định 100, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 01 nên người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, trong đó có việc hạn chế tối đa đi lại. Bên cạnh đó, việc học sinh, sinh viên nghỉ học, hoãn tổ chức các lễ hội xuân... đã giúp mật độ giao thông giảm, TNGT cũng giảm theo.

Ông Thạch cho biết thêm, trong năm 2020, chiến lược về ATGT giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ được cập nhật, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về thực hiện chiến lược này nhằm tạo “lực đẩy” mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình mới.

“Mối nguy” TNGT đường thủy

Dù tổng thể TNGT giảm mạnh nhưng tháng 02 vừa qua đã dấy lên nỗi lo về ATGT trên đường thủy nội địa. Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong 6 tháng gần đây đã xảy ra 5 vụ lật thuyền gia dụng chở người, hàng hóa, nông sản, làm chết nhiều người.

Cụ thể, trưa ngày 20/9/2019 xảy ra vụ lật thuyền tự chèo do 6 em học sinh lớp 9 sử dụng trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ, tỉnh Bình Phước làm 3 em thiệt mạng. Chiều ngày 18/12/2019 xảy ra vụ lật thuyền gắn máy chở theo 7 người (có 3 trẻ em) trên sông Mai Giang, tỉnh Nghệ An làm 02 người tử vong. Tiếp đó, tối ngày 6/01 đã xảy ra vụ lật thuyền gia dụng trên sông Trà Lý, TP. Thái Bình làm 02 người tử vong. Sáng sớm ngày 15/02 trên sông La Ma, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra vụ lật thuyền gia dụng chở theo 12 người là 6 cặp vợ chồng khiến 3 người tử vong. 

Đặc biệt, ngày 25/02 vừa qua xảy ra vụ lật thuyền trên tuyến sông Vu Gia, tỉnh Quảng Nam khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có 4 người lớn và 02 trẻ em. Chiếc thuyền của hộ dân này chở quá tải khi có đến 10 người chông chênh trên chiếc thuyền nhỏ (thông thường chỉ chở tối đa 6 người). Thông tin ban đầu từ hiện trường cho thấy, chiếc thuyền không có áo phao hoặc thiết bị cứu sinh theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, vì gặp sóng lớn, gió chướng tại giữa sông nên xảy ra vụ việc thương tâm.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ tai nạn đường thủy nêu trên chủ yếu gồm phương tiện gia dụng đều do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, hoạt động tự phát phục vụ đời sống hàng ngày. Hầu hết các phương tiện gia dụng không được trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh và thiết bị an toàn cũng như các quy định pháp luật. Mặt khác, đa số người dân chưa có ý thức về an toàn, không quan tâm đến việc sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh.

Thêm vào đó, hiệu lực, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, trong khi chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao (không mang dụng cụ cứu sinh) trên phương tiện thủy gia dụng.

Cuối tháng 02 vừa qua, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an, UBND các địa phương... thực hiện các biện pháp đồng bộ và toàn diện nhằm ngăn chặn tối đa các vụ tai nạn đường thủy do các phương tiện gia dụng gây ra

Ý kiến của bạn

Bình luận