Venezuela: Từ 'thiên đường dầu mỏ' tới đáy khủng hoảng

Doanh nghiệp 03/06/2016 16:33

Tỷ lệ lạm phát cao, hàng hóa khan hiếm, thiếu điện nước trên diện rộng, sản xuất ngưng trệ là hiện trạng tại Venezuela

zing-khung-hoang2-1464917965770-crop-1464918145441
 

Người dân xếp hàng dài chờ mua hàng tại một siêu thị ở khu phố nghèo Lidice, thủ đô Caracas ngày 27/5. Là quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, chiếm 95% nguồn thu ngoại tệ, việc giá dầu thế giới giảm mạnh là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kinh tế bi đát như hiện nay tại Venezuela

Nhiều siêu thị trên khắp Venezuela, ngay cả tại thủ đô Caracas, luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Khủng hoảng nhu yếu phẩm kéo theo nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo động trong thời gian qua. Các nhà chỉ trích cáo buộc chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro chi tiêu cho phúc lợi xã hội vô tội vạ và chương trình trợ cấp dầu cho Cuba cùng một số nước khác đã đẩy Venezuela tới tình hình hiện nay, theo Los Angeles Times

Cảnh sát làm nhiệm vụ gần nơi nhiều người xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở khu Petare, thủ đô Caracas ngày 1/6. Quốc gia Nam Mỹ đang thiếu hơn 80% mặt hàng thiết yếu gồm thức ăn và thuốc

Venezuela đối mặt với tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh, mặt hàng tưởng như rất bình thường, trong nhiều tháng qua. Nhiều người dân cho biết họ phải xếp hàng dài trong nhiều giờ để mua những cuộn giấy ở thị trường chợ đen. Mặt hàng này được bán với giá cao hơn rất nhiều lần so với các địa điểm cung cấp hàng do chính phủ điều hành. Bơ, bánh mỳ và đường cũng trong tình trạng tương tự. 

Người đàn ông đếm tiền khi xếp hàng để mua thực phẩm và hàng hóa bên ngoài một siêu thị ở khu Lidice, thủ đô Caracas, ngày 31/5. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tínhlạm phát ở Venezuela lên tới 720% trong năm nay. Tuy nhiên, đây vẫn là số liệu lạc quan bởi theo những nhà phân tích kinh tế, tỷ lệ này thậm chí sẽ cao tới mức 1.200%. Tiền mất giá khiến giá hàng hóa ở thị trường chợ đen lên mức “cắt cổ”. Một chục trứng hiện nay được bán với giá 1.500 bolivar (khoảng 150 USD). 

Trong khi đó, phần lớn bệnh viện công tại Venezuela đang rơi vào cảnh thiếu thuốc, điện, xà phòng, máy móc cần cho phẫu thuật và thậm chí là nước để rửa vết máu từ bàn mổ. Trong ảnh, anh José Villarroel bị thương nặng đã chờ hàng giờ trong phòng cấp cứu bệnh viện Luis Razetti ở thành phố Barcelona vì không có các máy quét cần thiết cho ca phẫu thuật. Cuối cùng, các bác sĩ phải chuyển anh tới phòng khám tư nhân để kịp thời điều trị. Tiến sĩ Christian Pino, bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Đại học Andes, thành phố Mérida, mô tả cảnh tượng tại các cơ sở chữa bệnh ở Venezuela hiện "giống thế kỷ 19". Ảnh: New York Times

Con gái của cô Marbelis Reinoso mắc hen suyễn và đang nằm điều trị tại một bệnh viện công ở thành phố Catia La Ma. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới một tháng tuổi tại các bệnh viện công do Bộ Y tế Venezuela quản lý tăng nhiều lần trong vòng 3 năm, từ 0,02% năm 2012 tới 2% năm 2015. 

Một người đàn ông đọc sách dưới ánh nến tại San Cristobal, cách thủ đô Caracas 600 km về phía tây. Để đối phó trước tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng, chính phủ Venezuela quyết định cắt điện ở 10 bang đông dân nhất nước này 4 tiếng/ngày. 

Khủng hoảng kinh tế kéo theo bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ. Chính phủ Venezuela cho rằng, tình cảnh người dân quốc gia này đang phải chịu đựng là hậu quả của cuộc “chiến tranh kinh tế” liên quan tới chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng Venezuela đang gánh hậu quả của những năm quản lý kinh tế yếu kém, gồm cả sự phụ thuộc quá nhiều vào giá dầu. Lãnh đạo phe đối lập, thống đốc bang Miranda Henrique Capriles (trong ảnh), mô tả Venezuela hiện nay như “quả bom hẹn giờ có thể nổ bất cứ lúc nào”. 

Ý kiến của bạn

Bình luận