Vay tiền để Chủ tịch xã tiếp khách, nhân viên kế toán bị dọa giết

Tác giả: Trọng Hùng

saosaosaosaosao
Ý kiến 20/07/2016 11:51

Nhiều ngày qua, chủ nợ đến tận nhà, vào cả cơ quan đòi tiền và đe dọa giết. Vì quá sợ hãi, áp lực nên Tâm có ý định tự tử.

 

1 (1)
 Chị Tâm đang trao đổi vụ việc với phóng viên.

Nhiều ngày qua, chủ nợ đến tận nhà, vào cả cơ quan đòi tiền và đe dọa giết. Sợ hãi, áp lực nhiều nên Tâm có ý định tự tử. Gia đình phải đưa Tâm đi ở một nơi bí mật để lấy lại tinh thần.

Nước mắt lưng tròng ông Lê Văn Tú, (bố chị Tâm) cho biết thêm: “Gia đình tôi làm nông chỉ trồng ra cỏ, hiện đã vay mượn hết khả năng thanh toán cho con rồi nên đành phải để nó đi lánh chờ mọi chuyện giải quyết xong”.

Trao đổi với PV, chị Tâm chia sẻ, mọi việc bắt đầu từ tháng 6-2013, khi ông Sinh được tăng cường về làm Chủ tịch UBND xã Trang đã thường xuyên tiếp khách và yêu cầu chị Tâm lo kinh phí tiếp khách. Khi kinh phí xã hết, chị Tâm đã báo và ông Sinh yêu cầu phải biết lo, cứ xoay sở rồi xã sẽ có kinh phí hoàn trả. Bản thân không có tiền, nên chị Tâm đã vay nóng bên ngoài, nợ của các hàng quán, lấy tiền từ các nguồn quỹ dự án để có kinh phí đi tiếp khách với tổng số tiền cả gốc và lãi từ năm 2013 đến 2015 là hơn 1,4 tỷ đồng. “Thậm chí nhiều hôm buổi tối ông Sinh nhậu ở đâu xong cũng gọi tôi ra thanh toán. Nhiều thứ 7, Chủ nhật, tôi đang ở nhà ông Sinh tiếp bạn cũng gọi, bắt tôi mang tiền tới trả.” – chị Tâm nói và than thở nếu gọi mà không nghe máy, không tới thì hôm sau đi làm sẽ bị ông Sinh lôi ra mắng chửi, đe dọa đuổi việc.

2 (1)

Trụ sở UBND xã Trang, nơi chị Tâm cho rằng thường xuyên tổ chức tiệc để tiếp khách

Cũng theo chị Tâm, nơi thường tổ chức tiếp khách là trụ sở UBND xã, một quán nhậu tại xã Tân Bình (huyện Đắk Đoa) và quán karaoke đối diện quán này. Bà Vân, chủ quán tạp hóa tại xã Trang cho biết, tổng số tiền nợ mua hàng của bà, chủ yếu là bia, nước ngọt là hơn 160 triệu đồng, chỉ đến khi bà lên trụ sở UBND xã gặp chị Tâm đòi thì mới trả được 120 triệu, hiện vẫn còn nợ lại bà trên 40 triệu đồng.

Tháng 8-2014, khi bàn giao chức vụ Chủ tịch UBND xã Trang cho ông En (người Bahna vùng này không có họ) và qua làm Bí thư Đảng ủy xã Trang, các khoản nợ vẫn không được ông Sinh tìm cách giải quyết mà tiếp tục chi tiêu cho việc tiếp khách.

Đến tháng 2-2016, khi bị các chủ nợ đòi gắt gao, không còn khả năng thanh toán nên chị Tâm nói cho gia đình biết sự việc. Sau đó bố chị là ông Lê Văn Tú xuống gặp ông Sinh tại huyện ủy Đắk Đoa và chị được ông Sinh đưa hai lần tổng cộng 90 triệu đồng để thanh toán số nợ. Gia đình chị cũng phải bán nhiều tài sản, vay mượn người thân được 285 triệu đồng để trả bớt số nợ.

Hiện tại, tổng số nợ còn khoảng 1,1 tỷ đồng, trong đó nợ vay và lãi bên ngoài 642 triệu, quỹ dự án Ifad hơn 157 triệu, quỹ quốc phòng an ninh hơn 123 triệu và hai ngân hàng 120 triệu. “Việc tôi vay mượn là phục vụ theo yêu cầu của ông Sinh để tiếp khách nhưng bây giờ ông Sinh chối bỏ trách nhiệm, bắt mình tôi phải gánh số nợ. Tôi chỉ là nhân viên, không thể nào quyết các khoản chi cả xã. Việc làm của tôi là hoàn toàn thực hiện theo yêu cầu bằng miệng của ông Sinh” – chị Tâm nói.

Sau khi bị các chủ nợ liên tục đòi tiền nhưng không còn khả năng thanh toán số tiền lên đến 1,4 tỷ đồng, chị Lê Thị Thanh Tâm, kế toán - tài chính xã đã gửi đơn cầu cứu lên cơ quan chức năng với nội dung số tiền mình vay mượn là để phục vụ việc tiếp khác của chủ tịch xã.

Liên quan tới vụ việc, ngày 19-7, Công an huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, đang thụ lý giải đơn tố cáo của chị Lê Thị Thanh Tâm (kế toán tài chính xã Trang, huyện Đắk Đoa) về việc ông Nguyễn Trường Sinh, Chánh văn phòng Huyện ủy Đắk Đoa, nguyên Chủ tịch UBND xã Trang ép làm sai nguyên tắc tài chính gây thâm hụt ngân sách, nợ lớn bên ngoài.

Sau khi bị chủ nợ liên tục thúc ép, đe dọa, chị Tâm đã làm đơn cầu cứu gửi Đảng ủy và UBND xã Trang. Sau đó, UBND huyện Đắk Đoa đã thành lập đoàn Thanh tra tại UBND xã Trang. Ngày 1-6, UBND huyện Đắk Đoa đã có kết luận thanh tra tại UBND xã Trang và kết luận từ năm 2013-2015, UBND xã Trang đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý, điều hành việc thu – chi ngân sách địa phương. Việc lưu trữ, quản lý hồ sơ, chứng từ kế toán lỏng lẻo, bị thất lạc. Trong ba năm đã chi một số nội dung không đúng như chi thiếu hóa đơn GTGT, chi trùng lặp…

Đối với bà Tâm đã thu quỹ Quốc phòng an ninh từ năm 2013-2015 hơn 154 triệu nhưng không nhập quỹ, không nộp kho bạc. Chiếm đoạt số tiền hơn 185 triệu của các đối tượng được thụ hưởng từ chương trình 135, nông thôn mới, dự án Ifad. Chị Tâm cũng cung cấp bảng kê tổng số tiền hơn 705 triệu đồng đã chi cho hoạt động xã chưa được thanh toán. Số tiền này chị Tâm dùng từ các nguồn quỹ Quốc phòng an ninh, dự án Ifad, vay ngân hàng, vay mượn bên ngoài hiện tổng số tiền gốc và lãi trên 1,4 tỷ đồng, lãnh đạo xã Trang chỉ chấp nhận 87 triệu đồng, số còn lại không thể chứng minh.

Không đồng ý với kết luận này, chị Tâm làm đơn kiến nghị đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh. Theo chị Tâm, khi được mời lên thanh tra huyện làm việc, ông Phan Văn Hiệp – Chánh thanh tra huyện đã “làm tư tưởng để” chị rút đơn đã gửi cơ quan điều tra. Trong nội dung băng ghi âm ghi lại buổi làm việc chi Tâm cung cấp, ông Hiệp nói: “Nếu đồng ý rút đơn không kiện cáo gì nữa, xã sẽ hỗ trợ phần tiền An ninh quốc phòng, coi như chi vượt xã chịu trách nhiệm…Qua điều tra thì phải trả hết, còn ở đây chỗ nào lơ được mình lơ, là em thoát”. Ông Hiệp cũng nói với những chứng cứ chị Tâm đã đưa ra thì không thể thắng được.

Trao đổi với Pv, ông Hiệp nói giọng trong băng ghi âm “không rõ” nên không biết phải giọng mình hay không. Tuy nhiên ông xác nhận có làm “tư tưởng” để chị Tâm rút đơn.

Trong khi đó ông Nguyễn Trường Sinh cho biết ông tôn trọng nội dung kết luận thanh tra huyện. Ông Sinh phủ nhận việc việc chị Tâm nói vay mượn tiền để phục phục vụ tiếp khách. “Chuyện vay mượn là chuyện cá nhân của cô Tâm, tôi không biết gì hết. Mọi chuyện chờ kết luận của cơ quan công an huyện” – ông Sinh nói và cho biết nếu sai phạm sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Ý kiến của bạn

Bình luận