Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt:Điểm nhấn cho giao thông đô thị

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
05/10/2019 10:32

Xác định là phương tiện giao thông công cộng chủ đạo của Thành phố, thời gian qua hệ thống xe buýt của Hà Nội đã được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, đồng thời các tuyến được nghiên cứu mở mới, tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân đi lại. Đặc biệt, việc mở rộng đối tượng ưu tiên miễn phí khi sử dụng xe buýt có ý nghĩa đặc biệt, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng xã hội.

Buyt
Tuyến xe buýt kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài

 Chú trọng phát triển mạng lưới tuyến, đầu tư trang thiết bị

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), tính đến hết tháng 6/2019 mạng lưới vận tải hành khách công cộng  bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố gồm 123 tuyến, trong đó: 100 tuyến buýt có trợ giá, 9 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 02 tuyến City tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp, phục vụ, tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 446/584 số xã, phường thị trấn (đạt 76,4%); 62/71 bệnh viện (đạt 87%); 190/283 các trường THCS, THPT (đạt 67%); 27/27 khu công nghiệp (đạt 100%); 30/30 khu đô thị (đạt 100%), kết nối với 7/9 tỉnh, thành lân cận.

Những năm qua, mạng lưới xe buýt tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý hóa để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã thực hiện mở mới thêm 02 tuyến buýt không trợ giá (tuyến số 214 Yên Nghĩa - Hà Nam và tuyến số 68 Hà Đông - Nội Bài) phục vụ nhân dân đi lại giữa TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam, từ trung tâm quận Hà Đông đến sân bay Nội Bài. Bên cạnh đó, Trung tâm đã điều chỉnh luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ đối với 5 tuyến buýt (tuyến số 101, 103, 09, 56, 59) nhằm phục vụ nhân dân các xã của huyện Ứng Hòa, khu di tích quần thể Non Nước, Học viện Phật giáo Việt Nam..., qua đó nâng tổng số xã, phường có xe buýt phục vụ từ 438 xã, phường cuối năm 2018 lên 446 xã, phường vào năm 2019 (tăng 1,8%). 

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong mùa lễ hội chùa Hương năm 2019 (từ ngày 16/02 - 15/3/2019), Trung tâm đã tổ chức phương án tăng cường kết nối xe buýt từ khu vực trung tâm Thành phố đến bến xe Hương Sơn. Đối với khu vực nội đô, các phương án kết nối cũng đã được xây dựng để kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Bên cạnh đó, thời gian biểu chạy xe cũng được rà soát, điều chỉnh hợp lý nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã thực hiện điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 17 tuyến buýt (tuyến số 61, 46, 74, 51, 62, 21B, 111, 112, 15, 17, 05, 54, 10, 103, 96, CNG01, 19), đồng thời tăng tần suất dịch vụ tuyến buýt BRT01 trong khung giờ cao điểm.

Để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, hạ tầng xe buýt tiếp tục được quan tâm và đầu tư phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 298 điểm dừng được phát triển mới; di chuyển 5 nhà chờ, 90 điểm dừng; thu hồi 3 nhà chờ, 5 điểm dừng theo kiến nghị của cơ quan, đơn vị, người dân và tổ chức giao thông Thành phố; thực hiện hơn 1.590 lượt duy tu duy trì, bổ sung thông tin pano, biển báo phục vụ công tác điều chỉnh luồng tuyến; tổ chức khảo sát, đề xuất phương án đầu tư 307 nhà chờ xe buýt trên địa bàn 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây tại các vị trí điểm dừng có đủ điều kiện lắp đặt nhà chờ phục vụ nhân dân.

Tính đến hết tháng 6/2019, hệ thống hạ tầng xe buýt bao gồm 3.613 điểm dừng, 360 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 102 điểm đầu cuối, 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (trong đó 11,6km làn đường dành riêng cho tuyến BRT), góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới, đảm bảo an toàn cho phương tiện và hành khách

Song song với đó, đoàn phương tiện xe buýt tiếp tục được đầu tư, thay mới để nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 60 xe buýt được đầu tư và thay mới cho 6 tuyến (tuyến số 10A, 54, 48, 08B, 68, 94), các xe đều đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV. Tính đến hết tháng 6/2019, số phương tiện toàn mạng là 1.928 xe, trong đó buýt trợ giá là 1.609 xe (với 50 xe sử dụng năng lượng sạch khí CNG và 282 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên). Số xe hoạt động trên 10 năm chỉ còn 204 xe (chiếm 12,6%), giảm 02% so với năm 2018. Hầu hết các xe đều trang bị các tiện ích phục vụ hành khách như: Hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED, wifi, camera, ghế ưu tiên cho người già, trẻ em, người khuyết tật...

Chính sách hợp lòng dân

 

Anh 2
Tại các điểm cấp thẻ miễn phí khi sử dụng xe buýt có rất đông người dân làm thủ tục

 

Với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và đô thị hóa nhanh chóng, tình trạng UTGT tại Thủ đô Hà Nội đang ở mức trầm trọng, nhiều tuyến phố gần như kẹt cứng khi vào giờ cao điểm. Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng trên song chưa thể triệt để do còn nhiều vướng mắc, bất cập. Phát triển các loại hình giao thông công cộng, trong đó có xe buýt được cho là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giảm “gánh nặng” cho giao thông Thủ đô, xây dựng diện mạo giao thông đô thị an toàn, hiện đại.   

Nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và giảm ùn tắc, TNGT, TP. Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn về việc mở rộng đối tượng được miễn phí sử dụng phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những nội dung "bước ra" từ Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND TP. Hà Nội về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn thành phố, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và có giá trị nhân văn sâu sắc.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/9, đối tượng ưu tiên miễn phí khi sử dụng xe buýt được mở rộng, bao gồm: Người có công, người khuyết tật, người cao tuổi (trên 60 tuổi), nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Riêng đối với trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí sử dụng không cần cấp thẻ.

Ngoài ra, đối tượng ưu tiên còn bao gồm cả người ngoại tỉnh khi có xác nhận thường xuyên đi lại trên địa bàn Thủ đô. Thẻ ưu tiên có giá trị sử dụng 5 năm kể từ ngày được cấp. Riêng với nhân khẩu thuộc hộ nghèo, thẻ có giá trị sử dụng trong năm (đến hết ngày 31/12 hằng năm).

Đây là một chính sách rất phù hợp vì đa số người già đều có mức thu nhập thấp. Trong khi đó, xe buýt lại là phương tiện an toàn nên người già sử dụng tương đối nhiều. Việc miễn phí cho người già, người nghèo, người khuyết tật, người có công, trẻ em là chính sách rất thiết thực.

Theo ghi nhận tại các điểm cấp thẻ, ngay từ những ngày đầu tháng 9, các đối tượng ưu tiên đã có mặt tại các điểm quy định để làm thủ tục cấp thẻ, đặc biệt là người cao tuổi. Với rất nhiều điểm cấp thẻ trên địa bàn Thành phố nên mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, tạo không khí phấn khởi, là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông bằng xe buýt.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 700.000 người cao tuổi và 64.000 nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Việc mở rộng đối tượng sử dụng miễn phí phương tiện vận tải công cộng rất hợp lòng dân, xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện, góp phần đảm bảo TTATGT cho Thủ đô của đất nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận