Ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý ATGT

Tác giả: Bùi Tiến Mạnh

saosaosaosaosao
28/10/2019 14:07

Với sự phát triển của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4, dữ liệu lớn (Big Data) đang được ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như chính phủ điện tử, giao thông, y tế, tài chính, thương mại… Trong lĩnh vực giao thông, hiện nay, các nước phát triển trên thế giới đã ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý an toàn giao thông để phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp và cung cấp các thông tin nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Tại Việt Nam, TNGT trong những năm qua có giảm nhưng vẫn ở mức cao và chưa có một cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) về TNGT. Vì vậy, bài viết này sẽ giới thiệu ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý an toàn giao thông của các nước phát triển trên thế giới và đề xuất tiếp cận nghiên cứu ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý an toàn giao thông tại Việt Nam.


Hệ  thống NASS của Hoa Kỳ
Hệ thống lấy mẫu ô tô quốc gia của Hoa Kỳ

Kinh nghiệm của của một số nước trên thế giới

Hiện nay, các dữ liệu lớn (Big Data) về tai nạn giao thông của các nước trên thế giới được thu thập bởi các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau như: (Cơ quan quản lý đường bộ, công an, y tế...) và người dân, sau đó cung cấp bởi cơ quan cảnh sát hoặc các sở giao thông thông qua một trang web riêng của mỗi quốc gia.

Tại Hoa Kỳ, hệ thống lấy mẫu ô tô quốc gia (NASS), được xây dựng bởi Cơ quan An toàn Giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA), nhằm vào ba loại tai nạn chính (gây tử vong, ít nghiêm trọng) ở các tiểu bang của Hoa Kỳ. Dựa trên thống kê lấy mẫu, thông tin tai nạn trên bao gồm thông tin cơ bản của các bên: Dữ liệu phương tiện, dữ liệu đường bộ, dữ liệu môi trường, nguyên nhân tai nạn, dữ liệu thương vong, bản đồ vị trí tai nạn và hình ảnh hiện trường. Tiếp theo, dữ liệu đó được số hóa và đặt trên nền tảng cung cấp thông tin tai nạn và dữ liệu tai nạn liên quan và tải dữ dành cho người dùng có liên quan.

Hệ thống phân tích tử vong (FARS) của NHTSA
Hệ thống phân tích tử vong (FARS) của NHTSA.

Ngoài ra, hệ thống phân tích tử vong (FARS) được NHTSA xây dựng để hỗ trợ điều tra tai nạn giao thông xe cơ giới, tử vong và thiệt hại kinh tế. FARS đã hoàn thành thu thập dữ liệu quan trọng cho các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, bao gồm 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và thu thập dữ liệu liên quan đến hơn 900.000 vụ tai nạn xe cơ giới nghiêm trọng. Trên trang web Vision Zero Boston  và bản đồ tương tác tai nạn ở Massachusetts xuất phát từ hệ thống FARS, được trình bày với các điểm của tai nạn trên bản đồ.

Nền tảng tìm kiếm tai nạn đường cao tốc được thiết lập bởi Mass DOT, bộ phần đường cao tốc đã kết hợp với thông tin đăng ký xe từ GIS và dữ liệu tai nạn được đánh dấu trên các nhóm màu khác nhau. Xây dựng các lớp dựa trên loại phương tiện, loại tai nạn xảy ra trong năm. Ngoài ra, từ các điểm tai nạn, người ta có thể tìm hiểu về vị trí tai nạn xảy ra, năm, loại và mức độ thiệt hại.

Trang web bản đồ tai nạn ở Anh
Trang web bản đồ tai nạn ở Anh.

Còn tại Anh tập trung xây dựng phát triển bản đồ tai nạn. Theo đó, các dữ liệu tai nạn được lấy chủ yếu từ cơ quan giao thông vận tải và thể hiện các vị trí tại nạn trên bản đồ Google. Nó đã mang đến ưu điểm tốt về màu sắc để phân biệt mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn, với màu đen để biểu thị tử vong, màu đỏ thương vong nghiêm trọng và màu vàng cho thương vong ít nghiêm trọng. Ngoài ra, chức năng tìm kiếm của nó bao gồm vị trí, mức độ nghiêm trọng của tai nạn, loại thương vong và dữ liệu hàng năm.

Ở Ireland, cơ quan an toàn đường bộ (RSA) sử dụng bản đồ Google, tóm tắt dữ liệu tai nạn của quốc gia và đánh dấu vị trí trên bản đồ công cộng. Các điểm tai nạn được phân biệt bởi mức độ nghiêm trọng, với màu đỏ tượng trưng cho tử vong, màu vàng cho thương vong nghiêm trọng và màu xám cho thương vong ít nghiêm trọng. Nó cũng cho phép công chúng tìm kiếm đơn giản. Với các từ khóa bao gồm mức độ nghiêm trọng của tai nạn, năm, loại xe và số liệu thống kê cơ bản.

Tại châu Âu, cơ sở dữ liệu cộng đồng về tai nạn trên đường ở châu Âu (CARE) được xây dựng với mục đích thiết lập cơ sở dữ liệu đó là cung cấp một bộ công cụ phân tích hữu ích để thu thập dữ liệu người bị tử vong hoặc thương vong trong các vụ tai nạn đường bộ, từ đó để so sánh chúng với cơ sở dữ liệu được xây dựng bởi các quốc gia thành viên khác. Ngoài ra, họ tiếp tục trình bày một nguyên nhân gây ra tai nạn tử vong ở các quốc gia thành viên trên bản đồ sử dụng màu nhiệt độ, được chia thành chín cấp theo mức độ cường độ với một triệu cư dân là một đơn vị.

Ở New Zealand, thông tin liên quan đến tai nạn giao thông được tích hợp vào hệ thống phân tích tai nạn (CAS) thông qua việc thu thập dữ liệu, đồ thị bản đồ và báo cáo sản xuất theo các điều kiện tìm kiếm. Tất cả thông tin về tai nạn giao thông trong hệ thống được thu thập bởi cảnh sát New Zealand, được hoàn thành bởi tiêu chuẩn TCR (Báo cáo tai nạn giao thông). Hệ thống CAS cũng có thể quét tập tin (đồ họa), hoặc tạo bảng số cũng như các báo cáo do Bộ Giao thông vận tải New Zealand (New Zealand) quản lý.

Bản đồ tai nạn giao thông của Tokyo tại Nhật Bản phân biệt các bản chất khác nhau của dữ liệu điểm tai nạn, bao gồm tổng số vụ tai nạn giao thông; xe hai bánh; xe cho người già, người đi bộ, trẻ em và các trường hợp giao thông khác. Nó áp dụng các đặc điểm vận hành của lớp GIS để thể hiện dữ liệu theo kiểu xếp lớp, hiển thị thông tin tai nạn liên quan thông qua biểu đồ thống kê trực quan và sử dụng phương pháp GIS để đánh dấu vị trí tai nạn và điểm nóng. Có bảy loại tìm kiếm trên nền tảng bao gồm tổng tai nạn, tai nạn xe máy, tai nạn người già, tai nạn đối với người đi bộ, tai nạn trẻ em, tai nạn xe đạp và tai nạn xe ô tô thương mại. Bên cạnh đó, mật độ tai nạn, điểm tai nạn xảy ra tử vong và các tóm tắt ngắn gọn có thể được hiển thị trên bản đồ.

Có thể thấy, những trang quản an toàn giao thông của một số nước trên thế giới được trình bày ở trên đều có điểm chung như sau: Vị trí của vụ tai nạn được chỉ định trong bản đồ GIS, bản đồ điểm hoặc bản đồ điểm nóng thể hiện các điểm nóng trên bản đồ, cho thấy vị trí dễ xảy ra tai nạn trong khu vực. Về chức năng sàng lọc, trang web cho phép người dùng sử dụng các điều kiện sàng lọc để thu hẹp phạm vi. Các điều kiện sàng lọc bao gồm từ thời gian, phương tiện và phân loại thương vong đến nguyên nhân tai nạn. Cách thống kê dữ liệu của các trang web này chủ yếu cho số lượng các vụ tai nạn. Dữ liệu thống kê có thể được thực hiện dựa trên phạm vi của bản đồ hoặc kết quả của các điều kiện bên lề. Còn về các công cụ khác, các trang web bao gồm chuyển đổi bản đồ, đo khoảng cách, tải xuống dữ liệu và các chức năng khác.

Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu lớn trong quản lý an toàn giao thông tại Việt Nam

Với việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý an toàn giao thông của các nước trên thế giới, tác giả đề xuất tiếp cận nghiên cứu xây dựng một cơ sở dữ liệu (Big Data) về an toàn giao thông tại Việt Nam và sẽ cung cấp dữ liệu tai nạn giao thông thông qua một trang web riêng của quốc gia. Để có một cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) về an toàn giao thông tại Việt Nam tác giả đề xuất một số định hướng tiếp cận nghiên cứu  xây dựng và ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data).

Cụ thể, về thu thập các thông tin tai nạn giao thông để tạo ra một dữ liệu lớn: Các thông tin về tai nạn tai nạn giao thông ngay khi xảy ra (vị trí tai nạn, thời gian tai nạn, loại tai nạn, mức độ tai nạn, loại phương tiện, nguyên nhân tai nạn…) từ các nguồn khác nhau bao gồm nguồn từ cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường bộ, y tế, đăng kiểm, người lái xe, người dân... Các thông tin tai nạn giao thông này được gửi về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hoặc ban an toàn giao thông các địa phương.

Về cơ quan xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) và trang web hoặc bản đồ cung cấp các thông tin tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là cơ quan đầu mối xử lý, tổng hợp, quản lý dữ liệu lớn (Big Data) và cung cấp các dữ liệu về tai nạn giao thông cho các cơ quan có liên quan, lái xe và người dân thông qua một trang web hoặc bản đồ về an toàn giao thông. Ngoài ra, có thể phân cấp cho các ban an toàn giao thông của các tỉnh thành phố.

Về cung cấp thông tin, trên cơ sở dữ liệu về quản lý an toàn giao thông việc chia sẻ và cung cấp thông tin được phân cấp theo các mức độ truy cập khác nhau: Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Các dữ liệu lớn (Big Data) này được chia sẽ cho các cơ quan quản lý nhà nước để phân tích, đánh giá nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu để xử lý tuyến đường xảy ra tai nạn, lập kế hoạch giao thông, đưa ra các vị trí ùn tắc khi xảy ra tai nạn... Đối với người lái xe và người dân, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông thông qua bản đồ tai nạn bằng màu sắc, các vị trí đang xảy ra ùn tắc khi xảy ra tai nạn giao thông, để người lái xe và người dân nắm được thông tin giao thông nhằm tránh tắc đường và tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp...

Về an toàn dữ liệu lớn (Big Data), để đảm bảo an toàn dữ liệu, tùy thuộc vào đối tượng mà cung cấp mức độ độ thông tin của tai nạn giao thông khác nhau. Ví dụ, như người lái xe chỉ cần cung cấp thông tin tai nạn giao thông về vị trí tai nạn, phương tiện tai nạn, thời điểm tai nạn và có xảy ra ùn tắc giao thông.

Ý kiến của bạn

Bình luận