Uber và Grab tiếp tục hoạt động và được tăng cường quản lý

Tác giả: MINH LÊ

saosaosaosaosao
Ứng dụng 26/11/2017 08:21

Bộ GTVT vừa có văn bản phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về hoạt động của Uber, Grab. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT bảo lưu quan điểm không dừng hoạt động của Uber và Grab, nhưng cho biết đồng thuận với một số biện pháp quản lý và đề nghị Chính phủ giao cho địa phương kiểm soát việc gia tăng phương tiện.

 

google-uber
 


Địa phương có trách nhiệm quy hoạch phương tiện phù hợp

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa ký văn bản làm rõ những thông tin theo kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về thẩm quyền, quản lý và khống chế số lượng xe thí điểm hợp đồng điện tử. Tại văn bản này, những vấn đề kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội đã được Bộ GTVT trả lời rõ ràng.

Thứ nhất, với kiến nghị “cho dừng khẩn cấp Kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành đánh giá thực tế triển khai Kế hoạch thí điểm đang gây nhiều bất an cho xã hội”, văn bản nêu rõ: Việc thí điểm thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử là phù hợp với quy định về các giao kết thông qua hợp đồng, qua đó đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong việc cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng cường công tác kiểm soát nghĩa vụ thuế đối với đơn vị vận tải.

Văn bản nêu rõ: “Việc ban hành và triển khai Quyết định 24 kèm theo Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là hoàn toàn phù hợp với quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1850 về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Thứ hai, với kiến nghị “dừng ngay việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm”, Bộ GTVT cho biết đã kiến nghị Chính phủ về vấn đề này, cụ thể, kiến nghị Chính phủ cho phép các địa phương đã thí điểm khi tổng số lượng xe hợp đồng tăng cao thì được tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi cho đến khi lập và thực hiện quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn, tránh cung vượt cầu, góp phần phát triển hài hòa các phương thức vận tải. Cũng theo Bộ GTVT, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc quy hoạch phương tiện phù hợp với thực trạng giao thông.

Thứ ba, đối với kiến nghị “cần phải thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam”, Bộ GTVT một lần nữa nhấn mạnh: Việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải hành khách bằng giấy là bản chất của việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, cụ thể là thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử cho xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng loại dưới 9 chỗ ngồi, không phải là loại hình kinh doanh vận tải taxi. Văn bản của Bộ GTVT cũng khẳng định đây là vấn đề mới phát sinh trong quản lý trên cơ sở thí điểm,  nên ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vào nghị định thay thế Nghị định 86 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.  

Thứ tư, liên quan đến kiến nghị “quản lý như taxi và đưa vào quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, đồng thời đề xuất cấp hạn ngạch cho taxi và xe Uber, Grab theo quy hoạch”, Bộ GTVT nhấn mạnh: “Vấn đề này do TP. Hà Nội triển khai thực hiện, Bộ chỉ phối hợp các nội dung liên quan theo chuyên ngành mà Bộ GTVT quản lý”.

 Xe hợp đồng cũng phải niêm yết tên và số điện thoại đơn vị kinh doanh

Thứ năm, đối với nhóm kiến nghị “quy định cụ thể kích thước, màu sắc, vị trí dán logo, biểu trưng; có phù hiệu mẫu riêng; xây dựng áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hành khách do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành; lái xe được tập huấn theo chương trình của Tổng cục ĐBVN, có chứng chỉ hành nghề, đồng phục, thẻ nhân viên…”, Bộ GTVT khẳng định: Phương tiện vận chuyển hành khách theo hợp đồng điện tử phải chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó có việc niêm yết tên và số điện thoại đơn vị kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ cũng đã yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm xây dựng kế hoạch thiết  kế, in ấn, cấp logo cho xe tham gia thí điểm. Bộ cũng đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi vào Quyết định 24 để thuận tiện hơn nữa cho quản lý nhà nước và hành khách trong việc phân biệt các xe tham gia thí điểm và xe kinh doanh theo hợp đồng thông thường.

Với các đề xuất còn lại như: Xây dựng áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hành khách do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành, lái xe được tập huấn theo chương trình của Tổng cục ĐBVN, có chứng chỉ hành nghề, đồng phục, thẻ nhân viên…, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục xem xét, thống nhất, bổ sung vào nghị định thay thế Nghị định 86.

Thứ sáu, về kiến nghị “đưa loại hình kinh doanh vận tải bằng hợp đồng điện tử vào diện phải kê khai giá”, Bộ GTVT cho biết, việc thực hiện kê khai giá cước vận tải bằng xe ô tô đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Theo đó, ngoài danh mục kê khai giá là vận tải ô tô tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt và vận tải taxi thì nếu cần thiết, sở tài chính chủ trì phối hợp với sở GTVT trình UBND cấp tỉnh bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá tại địa phương.

 Nghị định thay thế Nghị định 86 sẽ bổ sung quy định quản lý xe công nghệ

Đối với kiến nghị “công ty công nghệ cung cấp phần mềm ứng dụng cho hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện phải tuân theo pháp luật Việt Nam và không trái với thông lệ quốc tế như: Phải có đủ các trang thiết bị xử lý số liệu thông tin; phải đặt máy chủ (server) vật lý tại Việt Nam; sử dụng tên miền Internet của Việt Nam; dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT và các sở GTVT; định kỳ các công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục ĐBVN và sở GTVT nơi quản lý để phân tích dự liệu tập trung, tương tự như chuẩn dữ liệu đang bắt buộc với các đơn vị cung cấp giám sát hành trình sử dụng trong kinh doanh vận tải; thời gian lưu trữ dữ liệu, các nội dung lưu trữ bắt buộc… như với các loại dữ liệu GTVT khác”, Bộ GTVT thấy rằng đây là vấn đề liên quan đến chuyên ngành quản lý của nhiều lĩnh vực, do vậy Bộ GTVT ghi nhận nội dung đề xuất và sẽ phối hợp các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp để nghiên cứu, xem xét đưa vào nội dung quy định quản lý tại nghị định thay thế Nghị định số 86 phù hợp với quy định của các luật liên quan.

Cuối cùng, Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội khi sửa Nghị định 86 thì nghị định mới phải đưa ra được các quy định cụ thể, chi tiết để phân định được rõ ràng giữa loại hình xe hợp đồng với xe taxi, tránh tình trạng hai loại hình chồng lấn sang nhau, trá hình lẫn nhau; bổ sung thêm quy định về phương thức tính tiền theo phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cho loại hình taxi; gọi tên theo đúng bản chất hoạt động là xe taxi đặt xe qua mạng đối với loại hình xe dưới 9 chỗ hoạt động như xe taxi dùng phần mềm kết nối giữa hành khách và lái xe, tính cước thông qua phần mềm ứng dụng; khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các nước trong khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như Việt Nam cũng như kinh nghiệm quản lý của các nước phát triển (lưu ý các quy định liên quan đến quy mô doanh nghiệp kinh doanh vận tải về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có Uber, Grab); rà soát hoàn chỉnh dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải.

Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN, Vụ Vận tải phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị để đề xuất nội dung quản lý trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2017.

Trước đó vào tháng 10, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có công văn đề nghị Chính phủ nhiều nội dung để quản lý Uber và Grab, trong đó có nội dung đề nghị chấm dứt hoạt động thí điểm của hai doanh nghiệp này. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ GTVT trả lời những nội dung này

Ý kiến của bạn

Bình luận