Tự chủ đại học: Miếng bánh khó nuốt

11/10/2016 15:52

Đến nay, mức độ tự chủ của các trường đại học vẫn chưa chạm tới những vấn đề cốt lõi có thể quyết định thành bại của nhà trường.

chot1476024035175
Sinh viên nộp học phí tại một trường đại học. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động

Điều lạ lùng của giáo dục đại học là mặc dù các trường kêu gọi được trao thêm quyền tự chủ và giới lãnh đạo luôn phát biểu ủng hộ việc giao quyền tự chủ, đến nay, mới 14 trường công có đề án tự chủ và được phê duyệt.

Theo đó, các trường sẽ không nhận ngân sách chi thường xuyên từ nhà nước mà sẽ tự hạch toán thu chi. Gần 180 trường công còn lại thì sao? Vì sao họ còn ngần ngại?

Vẫn đắn đo tự chủ

Nhiều ý kiến nêu lên một thực tế tới nay, khi nói tới tự chủ, chúng ta mới chỉ chủ yếu nói tới tài chính. Thực chất, đó là giảm nguồn chi từ ngân sách và để các trường công xoay sở vận hành trong cơ chế thị trường.

Tự chủ tài chính nghĩa là các trường được tự xác định mức thu, không bị giới hạn trong quy định của nhà nước và được tự xây dựng định mức chi.

Việc tự chủ trong hoạt động chuyên môn và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.

Nói “hầu như” vì cũng cần ghi nhận một số bước tiến trong việc các trường công hiện nay có thể chủ động hơn so với trước trong việc xây dựng chương trình đào tạo và sử dụng nhân sự trong trường.

Tuy nhiên, mức độ tự chủ của các trường vẫn chưa chạm tới những vấn đề cốt lõi khả dĩ quyết định thành bại của nhà trường.

Đó có thể là lý do tạo ra sự ngần ngại của một số trường. Nó chẳng khác gì chúng ta trói chân họ lại và bảo: “Chạy đi! Cứ chạy hết tốc lực vào!”, “Nhìn ra ngoài mà xem người ta chạy nhanh như thế nào kia kìa!”.

Tự chủ tài chính theo cách chúng ta đang hiểu là đặt các trường công vào cơ chế thị trường và buộc họ phải cạnh tranh để tồn tại.

Họ phải cạnh tranh với các trường công khác trong hệ thống, với các trường tư, đặc biệt là trường có yếu tố nước ngoài, để giành sinh viên và để tồn tại.

Cạnh tranh là điều tốt cho cả hệ thống vì là động lực kích thích phát triển. Các trường ĐH cũng không ra ngoài quy luật này.

Vấn đề là cạnh tranh trên nguyên tắc công bằng sẽ kích thích sự ưu tú, ngược lại nó có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực mà người làm chính sách cần dự đoán trước.

Cạnh tranh có công bằng?

Vậy hiện nay các trường ĐH có đang cạnh tranh công bằng hay không? Chúng ta xem xét sự công bằng trên cơ sở nào?

Giữa các trường công với nhau, công bằng không có nghĩa các trường được cấp một con số kinh phí như nhau hay định mức giống nhau.

Lý do là vì xét về mặt lý thuyết, trường công thực hiện những nhiệm vụ nhà nước giao cho và kinh phí phải tùy thuộc quy mô, mức độ ưu tiên của nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Ví dụ, giai đoạn trước đây cần có nhiều giáo viên và vì nghề giáo thu nhập không mấy hấp dẫn nên nhà nước cấp bù kinh phí cho các trường sư phạm để sinh viên không phải đóng học phí.

Nhờ chính sách đó, trường sư phạm thu hút được một lượng người học đáng kể, dẫn đến tình trạng hiện nay là khủng hoảng thừa mà nhà nước vẫn chưa kịp thời điều chỉnh.

Tuy vậy, ngoài những ưu tiên, các trường công cần được bình đẳng về cơ chế. Ý tưởng trao quyền tự chủ tùy theo mức độ phát triển của từng trường thật ra chỉ là bình phong cho cơ chế “xin - cho”.

Chúng ta có thể hiểu được e ngại của những người làm quản lý nhà nước về việc mở rộng tự chủ dẫn tới không thể kiểm soát. Tuy vậy, điều này không thể biện minh cho việc trường này được mức độ tự chủ cao hơn trường kia trên cơ sở đánh giá, cho phép của cơ quan thẩm quyền.

Các trường công cần được tự chủ ở mức độ như nhau, nhất là phải thực hiện một trách nhiệm giải trình với một cơ chế giống nhau và ở một mức độ nghiêm ngặt như nhau. Chỉ trên cơ sở đó mới có cạnh tranh công bằng.

Giữa trường công và trường tư hiện nay, sự cạnh tranh không thực sự công bằng.

Trường công cho dù không nhận ngân sách chi thường xuyên vẫn đang được bao cấp cơ sở vật chất và đầu tư xây dựng cơ bản. Vì thế, thu cùng một mức học phí và cung ứng cùng chất lượng dịch vụ so với trường tư, đó là cạnh tranh không công bằng.

Bù lại, trường tư có một ưu thế cực kỳ quan trọng mà các trường công không thể sánh được, là họ có thể lựa chọn (và sa thải) hiệu trưởng.

Mặc dù quyền này bị hạn chế khá nhiều bởi các quy định quản lý Nhà nước, nhìn chung, trường tư có thẩm quyền tương đối lớn trong việc quyết định nhân sự lãnh đạo của trường.

Cả trường công lẫn trường tư hiện nay đều phải cạnh tranh với trường có yếu tố nước ngoài như RMIT, British University Vietnam (BUV), American University in Vietnam (AUV) và sắp tới là Fulbright University Vietnam (FUV).

Các trường này có thế mạnh về kinh nghiệm, thương hiệu, trình độ quản lý, vốn đầu tư, nhân lực và thêm vào đó là tự chủ hầu như hoàn toàn về tất cả các mặt tài chính, chuyên môn và nhân sự lãnh đạo.

Ngay cả các trường tự coi mình là một trường ĐH Việt Nam như AUV hay FUV cũng đang xin “cơ chế đặc biệt”, tức là không hoàn toàn vận hành trong khuôn khổ pháp lý Luật Giáo dục ĐH Việt Nam.

Ưu thế cạnh tranh gần như duy nhất của các trường ĐH Việt Nam là học phí thấp, vì thế đã hình thành những phân khúc thị trường khác nhau cho các loại trường này. Điều này cũng bình thường nếu như các trường trong và ngoài nước được cạnh tranh trên một sân chơi công bằng.

Tất nhiên, hệ thống giáo dục ĐH không thể phát triển bằng cách kéo lùi các trường có yếu tố nước ngoài này lại trong một khuôn khổ giống như các trường trong nước. Trái lại, không có lý do gì các trường trong nước lại không được hưởng mức độ tự chủ mà các trường này đang được hưởng.

Cần tháo gỡ cơ chế trách nhiệm giải trình

Việc tiến tới tự chủ mà không gây rối loạn rất cần có cái phanh “trách nhiệm giải trình” để cân bằng lại. Hai cơ chế chủ yếu để thực hiện trách nhiệm giải trình là hội đồng trường và kiểm định chất lượng.

Việc kiểm định chất lượng đã có nhiều bước tiến rất đáng kể trong những năm qua, nhưng vấn đề hội đồng trường thì vẫn giậm chân tại chỗ cho dù Bộ GD&ĐT đã có công văn thúc giục các trường từ năm ngoái.

Không thể tiến tới tự chủ một cách lành mạnh mà không giải quyết vấn đề hội đồng trường. Vì thế, để thúc đẩy tiến trình này, chúng ta cần có nhiều nghiên cứu hơn về cơ chế hội đồng trường.

Cần tháo gỡ cơ chế trách nhiệm giải trình để có thể đẩy mạnh tự chủ ở các trường, một điểm có thể coi là nút thắt của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận