Trường học Đức nhận trẻ từ 7h30

08/11/2019 10:18

Các trường tiểu học mở cửa từ 7h30, tiết học đầu tiên từ 7h45 và kết thúc lúc 12h05 (5 tiết). Học sinh Đức không có giờ ngủ trưa, trừ trẻ mầm non.

tre-em-duc-6681-1573128458
Học sinh Đức không có giờ ngủ trưa, trừ trẻ mầm non. Ảnh: Shutterstock.

Đề xuất bắt đầu giờ học, giờ làm từ 8h30 của đại biểu Quốc hội gây tranh luận trái chiều. Làm việc trong ngành sư phạm ở Đức, chị Thái Hà Vũ chia sẻ cách tổ chức giờ học, giờ làm ở quốc gia này.

Đức là nước công nghiệp phát triển, giờ giấc làm việc khá quy củ, luật lao động 8 tiếng/ngày được tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng hầu như không có quy định chung cho tất cả cơ quan, đoàn thể phải bắt đầu làm việc vào cùng một giờ. Ngoài ra, 16 bang của Đức đều có luật riêng, phần lớn được tự trị về tổ chức nội bộ, tự quyết, tự quản trong nhiều vấn đề nên quy định về một giờ giấc làm việc chung là điều phi thực tế và không hiệu quả.

Trong các công ty, ví dụ ngân hàng, kiểm toán... thường quy định giờ làm việc cơ bản từ 9h đến 15h. Đó là giờ sẽ diễn ra các cuộc họp, gặp đối tác hay trao đổi những vấn đề quan trọng nên nhân viên không được phép vắng mặt mà không báo trước hoặc không có lý do. Còn lại người lao động phải đảm bảo đủ 8 tiếng làm việc, nếu làm fulltime, không bao gồm nghỉ trưa (từ 30 phút đến một tiếng).

Ùn tắc giao thông cũng là vấn đề khó khăn với các thành phố lớn. Như Frankfurt có mật độ giao thông rất lớn do lượng người ra vào thành phố làm việc mỗi ngày gần như gấp đôi lượng người cư trú ở đây (gần 750.000). Tuy nhiên, giải pháp cho ùn tắc giao thông không chỉ đơn giản nằm ở việc thay đổi giờ làm như nhiều người lầm tưởng mà nằm ở chiến lược phân bổ dân cư, mở rộng, hiện đại hóa, tối ưu hóa hệ thống giao thông công cộng sao cho tiện ích, an toàn...

Trường học của Đức là hệ thống phức tạp, có nhiều sự kết nối, liên quan chặt chẽ đến nhau, nên giờ mở cửa làm việc cũng phải theo luật định, dựa vào đặc trưng từng ngành. Thường thời gian nghỉ của học sinh từng bang là giống nhau, giờ học tùy vào thời lượng môn học, cấp học và mô hình giáo dục của nhà trường.

Nhìn chung các trường tiểu học mở cửa từ 7h30, tiết học đầu tiên từ 7h45 và kết thúc lúc 12h05 (5 tiết). Với các lớp lớn hơn, ở bậc cao hơn, giờ mở cửa cũng từ 7h30, học nhiều nhất 9 tiết đến 15h10 đối với mô hình trường học cả ngày, đóng cửa muộn nhất lúc 15h40.

Các trường bán trú làm việc độc lập, chuyên về kỹ năng, sư phạm giáo dục, không chuyên về dạy kiến thức phổ cập, thường mở cửa từ 11h đến 17h. Các trường mầm non, mở cửa sớm nhất từ 7h đến 17h30, nhưng cũng có nhiều trường mở cửa từ 8h đến 16h.

Các trường tư cũng thường có thời gian mở cửa tương tự và tùy vào định hướng, mục tiêu giáo dục, mức phí, dịch vụ thì có thể kéo dài giờ mở cửa đến muộn nhất là 22h. Tuy nhiên, số trường mở cửa muộn như vậy không nhiều và phổ biến, nếu không muốn nói là khá hiếm.

Ở Đức học sinh không có giờ ngủ trưa. Nhà trường thường có căng tin để các em học quá trưa có thể ăn ở trường, có phòng để làm bài tập, nghỉ ngơi nếu mệt, hoặc học sinh vào thư viện trường đọc sách rồi sau đó tham gia các hoạt động, giờ học ngoại khóa. Giờ ngủ trưa chỉ có ở trong trường mầm non, mẫu giáo, cho những trẻ nhỏ và thường là sau bữa ăn trưa (tầm sau 12-13h).

Cũng hiếm có trường nào để trẻ ngủ trưa đến giờ đóng cửa. Giờ ngủ trưa dựa trên nhu cầu của trẻ và thông qua sự thống nhất với phụ huynh. Nhiều trẻ 3-4 tuổi thậm chí tự quyết định mình có muốn ngủ trưa hay không và ngủ trong thời gian bao lâu. Sự tự chủ, độc lập của trẻ thường được khuyến khích từ rất sớm.

Đức là nước dân số già, thiếu lao động trẻ, nên có xu hướng điều chỉnh các loại hình dịch vụ giáo dục, kéo dài thời gian mở cửa trường học, tạo điều kiện giảm tải trông nom cho các gia đình nhằm thu hút thêm cơ hội đóng góp nhân lực lao động cho xã hội. Với những người nhập cư, con cái của họ cũng có thêm cơ hội học tiếng Đức ở trường, tăng cơ hội hòa nhập, tạo điều kiện cho cha mẹ đi làm.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian mở cửa ở các trường là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều và vấp phải sự phản đối từ người làm trong ngành sư phạm, giáo dục. Bởi dạy con trước tiên là nhiệm vụ của cha mẹ. Giáo dục một đứa trẻ hạnh phúc và thành công phải được nhìn nhận trên nhiều phương diện đóng góp của gia đình, nhà trường và xã hội.

Nếu vì một mục đích xã hội, kinh tế nào đó mà gây nên sự mất cân bằng này, tức là nhà trường muốn nhận về phần mình nhiều hơn trách nhiệm dạy một đứa trẻ, qua đó tạo điều kiện giải phóng vai trò của cha mẹ, sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Vai trò của cha mẹ trở nên mờ nhạt với con cái, kết nối gia đình lỏng lẻo, dễ gây những bất ổn trong phát triển tâm sinh lý ở con trẻ, về lâu dài sẽ kéo theo những ảnh hưởng về phát triển, thành tựu ở trẻ.

Hệ lụy đơn giản từ việc mất cân bằng dễ nhìn thấy nhất là các chứng bệnh tâm lý do thiếu hụt kết nối, do căng thẳng cảm xúc từ việc thiếu thời gian bên cha mẹ. Để giải quyết lại cần hệ thống tương đối phát triển, hợp tác chặt chẽ với nhau giữa chăm sóc y tế, sức khỏe, trị liệu, tư vấn tâm sinh lý, kết hợp với chiến lược phát triển con người và định hướng giáo dục tiên tiến, văn minh lâu dài.

Có những quyết sách vội vàng, trước mắt có thể giải quyết một vài vấn đề cấp bách, nhưng về lâu dài lại ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển con người, chất lượng cuộc sống, mặt bằng xã hội, tương lai của đất nước. Những mô hình nước ngoài, dù là nước tiên tiến cũng chỉ mang tính chất tham khảo. 

Ý kiến của bạn

Bình luận