Trường ĐH Hàng hải Việt Nam:Sinh viên ra trường phải được nhiều nước sử dụng

Tác giả: Bảo Châu

saosaosaosaosao
13/12/2019 12:33

Trước yêu cầu to lớn của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã xác định vai trò, trách nhiệm của mình, định hướng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của đất nước và khu vực nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia.

 

Capture

Nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trong đó nghiên cứu khoa học là trọng tâm. Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo 44 chương trình hệ đại học, 13 chương trình cao học, 8 chương trình nghiên cứu sinh liên quan trực tiếp đến kinh tế biển. Nhà trường hiện có 983 cán bộ, giảng viên, trong đó có hơn 50 giáo sư, phó giáo sư; 150 tiến sỹ, tiến sỹ khoa học; 600 thạc sỹ cùng hàng trăm thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và nhiều sỹ quan quản lý, vận hành, thuyền viên lành nghề... Đặc biệt, Nhà trường hiện có trên 20.000 học viên và sinh viên, trong đó có nhiều học viên và sinh viên đến từ các nước: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Mozambique, Nigeria, Nam Phi... 

Có thể khẳng định, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ngày nay đã trở thành tổ hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh với hàng trăm phòng thí nghiệm hiện đại cùng các thiết bị mô phỏng huấn luyện, phòng thực hành, tàu huấn luyện, tàu vận tải và trung tâm nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực hàng hải. Theo đó, Nhà trường xây dựng chuẩn đầu ra các môn học và đặc biệt xây dựng hoàn thành chương trình chung cho các trường đại học hàng hải trên thế giới. 

Hiện tại, Nhà trường đã áp dụng chương trình học của Mỹ vào hai ngành học là Kinh tế hàng hải, Toàn cầu hóa logistics và chuỗi cung ứng. Trường tập trung mũi nhọn đào tạo khoa học công nghệ cho lĩnh vực kinh tế biển và hàng hải nhằm thực hiện chiến lược quốc gia phát triển hướng ra biển. Vì vậy, mục tiêu của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trở thành đơn vị đi đầu trong giáo dục đào tạo nước nhà, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành đóng tàu. 

Thời gian qua, Nhà trường đã đẩy mạnh liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học bằng việc ký kết các chương trình liên kết đào tạo sau đại học, tiêu biểu như: Phối hợp đào tạo tiến sỹ chuyên ngành, thạc sỹ khoa học và trao đổi thông tin nghiên cứu hàng hải, đóng tàu, công trình biển với Trường Đại học Hàng hải Tokyo (Nhật Bản), Trường Đại học Hải Dương Hàn Quốc, Trường Đại học Hàng hải Mokpo (Hàn Quốc), Đại học Hàng hải Đại Liên (Trung Quốc), Trường Đại học Kỹ thuật Delft (Hà Lan), Trường Đại học Liege (Bỉ), Trường Đại học Ghent (Bỉ), Học viện Hàng hải California (Hoa Kỳ)...

Bên cạnh đó, Nhà trường đặc biệt quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đến nay, đây là trường duy nhất, đầu tiên trong cả nước có chuẩn giáo viên quốc tế với các tiêu chuẩn như: Tất cả giảng viên dưới 45 tuổi phải có bằng tiến sĩ; giáo viên dưới 35 tuổi phải đạt cấp độ 6 IELTS tiếng Anh. Để làm được điều đó, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có kế hoạch cử 300 cán bộ, giảng viên ra nước ngoài học tập nghiên cứu, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ giảng viên của Trường có bằng tiến sĩ mới được giảng dạy.

Bên cạnh việc xác định các chuẩn đầu ra về chuyên môn, nghiệp vụ, Nhà trường còn đặc biệt chú trọng đến chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học. Từ năm 2013, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong số ít trường đại học tại Việt Nam chỉ công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ (tiếng Anh TOEIC 450), tin học (Microsoft Office Specialist 700) do các tổ chức quốc tế có uy tín cấp. Chỉ tính riêng trong năm học 2018 - 2019, Trường đã cấp bằng cho 2.626 kỹ sư và cử nhân; 3 tiến sỹ, 353 thạc sỹ; trên 9.000 lượt học viên nghiệp vụ hàng hải; mở thêm hai chương trình đào tạo đại học. Nhà trường đã thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện công tác đào tạo, môi trường giảng dạy, học tập khoa học, hiện đại, tiên tiến, thiết thực và hiệu quả, từ đó đảm bảo chuẩn đầu ra, sinh viên tốt nghiệp theo chuẩn quốc tế theo đúng cam kết và đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Với phương thức đào tạo mới của Nhà trường đã tạo cho sinh viên sự chủ động hơn trong học tập, đề cao tính tự giác, tự học của sinh viên. Khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ hòa nhập dễ dàng với môi trường lao động toàn cầu…

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam luôn coi sinh viên, học viên là trung tâm của quá trình đào tạo, vì vậy chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu. Với những nỗ lực lớn của nhiều thế hệ thầy và trò, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang đóng vai trò là trung tâm đào tạo nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; là cái nôi nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chủ yếu cho nền kinh tế biển của đất nước. Các kỹ sư, chuyên gia do Nhà trường đào tạo hiện chiếm đến trên 80% lực lượng cán bộ kỹ thuật của các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển nước ta.

Ý kiến của bạn

Bình luận