Trường Đại học Xây dựng: Bệ phóng con tàu khoa học công nghệ

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
30/06/2017 05:44

Trường Đại học Xây dựng được thành lập theo Quyết định số 144/CP ngày 8/8/1966 của Hội đồng Chính phủ với tiền thân là Khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, Trường phải rời đi sơ tán nhiều nơi tại các tỉnh Hà Bắc, Vĩnh Phú… Đến năm 1983, Trường mới chính thức chuyển về Thủ đô Hà Nội. Trải qua 61 năm đào tạo, 51 năm thành lập, Trường Đại học Xây dựng đã phát triển và lớn mạnh không ngừng để trở thành một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học đầu ngành, một trung tâm nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN) các tiến bộ khoa học - công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng.

 

3.
Hệ thống giám sát giao thông TRS WIM

 

Sẵn sàng cho nhiệm vụ NCKH và CGCN

Tính đến tháng 6/2017, toàn trường có 1.072 cán bộ viên chức, trong đó có 687 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 126 cán bộ thỉnh giảng, 259 viên chức hành chính và cán bộ hướng dẫn thí nghiệm. Nhà trường hiện có 3 giáo sư, 66 phó giáo sư là cán bộ cơ hữu, 192 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học, 452 thạc sỹ, tỷ lệ cán bộ có trình độ sau đại học đạt 93,7%. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo cho đất nước trên 60.000 kỹ sư, kiến trúc sư, trên 5.000 thạc sỹ và tiến sỹ, đồng thời thực hiện nhiều đề tài khoa học, các dự án lớn và chuyển giao công nghệ.

Nhà trường có đội ngũ chuyên gia đầu đàn trong các lĩnh vực xây dựng, có lực lượng các nhà khoa học đông đảo trên nhiều lĩnh vực, có kinh nghiệm thực tiễn và tâm huyết với sự nghiệp khoa học, từ đó đã lập ra các nhóm NCKH liên ngành có thể giải quyết được các vấn đề thực tiễn cấp bách đặt ra của các bộ, ngành, các địa phương và của đất nước.

Nhà trường có 22 phòng thí nghiệm và xưởng thực hành. Ngoài những phòng thí nghiệm đang sử dụng các trang thiết bị trước đây, Nhà trường còn đầu tư mới các phòng thí nghiệm phục vụ cho các chương trình đào tạo và NCKH như Phòng thí nghiệm Kỹ sư chất lượng cao, Phòng thí nghiệm Vật lý kiến trúc, Phòng thí nghiệm và Kiểm định công trình, Phòng thí nghiệm Đường bộ...

Năm 2016, Nhà trường đầu tư nâng cấp thư viện là một trong những thư viện hiện đại hàng đầu của các trường đại học trong cả nước.

Nhà trường có 14 trung tâm KHCN, 01 Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Đại học Xây dựng và 01 doanh nghiệp nhà nước về KHCN là Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng.

Hoạt động NCKH và CGCN của Nhà trường

1
Nghiên cứu ứng xử của bê tông cốt thép sử dụng thanh composite GFRP

 

Mục tiêu hoạt động NCKH, CGCN trong giai đoạn 2011 - 2016 và tiếp theo là nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, gắn kết NCKH với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, phấn đấu tăng nguồn thu từ các hoạt động KHCN trong tổng nguồn thu của Nhà trường, xây dựng Nhà trường thành một trung tâm NCKH và CGCN lớn, có chất lượng cao.

Để đạt được mục tiêu đó, Nhà trường đã lựa chọn một số hướng NCKH chủ đạo, có ý nghĩa thực tiễn, tập trung đội ngũ cán bộ NCKH để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đồng thời có nhiều giải pháp tổ chức lại các hoạt động KHCN nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở KHCN, tạo điều kiện cho các cơ sở này phát triển. Do vậy, mặc dù việc đề xuất đề tài thực hiện theo phương thức đấu thầu và tình hình ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng tổng thể kinh phí hoạt động KHCN của Nhà trường vẫn tăng do huy động được nhiều nguồn kinh phí khác nhau.

Trường Đại học Xây dựng đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài NCKH mang tính thực tiễn, nhiều công nghệ đã được chuyển giao. Trong giai đoạn 2011 - 2016, Nhà trường đã thực hiện 14 đề tài cấp Nhà nước, 2 chương trình KHCN cấp Bộ, 2 dự án tăng cường năng lực NCKH, 136 đề tài cấp Bộ và tương đương, 724 đề tài cấp Trường (trong đó có 166 đề tài cấp Trường trọng điểm). Các đề tài đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ. Việc thực hiện tốt các đề tài NCKH đã khẳng định uy tín khoa học của các cán bộ, giảng viên và uy tín chung của Nhà trường.

Nhằm thúc đẩy NCKH và CGCN vào thực tế để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua Nhà trường đã ký nhiều biên bản hợp tác với các đơn vị trong nước và quốc tế về hợp tác NCKH và CGCN. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, là địa chỉ tin cậy để các bộ, ngành, hội nghề nghiệp phối hợp hoạt động. Các hội thảo quốc tế do Nhà trường tổ chức đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Tháng 6/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép xuất bản Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng 6 số/năm, trong đó có 01 số bằng tiếng Anh. Tạp chí được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước đánh giá có chất lượng và nghiêm túc. Nhà trường có nhiều chính sách khuyến khích cán bộ giảng viên trong trường đăng bài báo trên các tạp chí quốc tế. Giai đoạn 2011 - 2016 đã có 1.353 bài báo đăng trên các tạp chí, hội thảo chuyên ngành trong nước và quốc tế, trong đó có 154 bài báo ISI và bài báo trên tạp chí quốc tế có ISSN, 831 bài báo đăng trên tạp chí cấp Ngành trong nước và tạp chí của cấp Trường, 156 báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế và 212 báo cáo tại hội nghị, hội thảo khoa học trong nước.

Sau khi chuyển đổi các viện, trung tâm thành các viện hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động NCKH và CGCN của các viện trong Nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Năm 2013, Công ty Tư vấn Đại học Xây dựng được chuyển đổi thành Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng. Công ty tiếp tục là đơn vị đầu đàn, doanh thu các năm đều đạt trên 120 tỷ đồng/năm. Công ty đã trở thành doanh nghiệp lớn về tư vấn trong lĩnh vực xây dựng trên cả nước, thu hút hàng trăm cán bộ, giảng viên của Nhà trường tham gia.

Để góp phần thúc đẩy, nâng cao tính hiệu quả và tự chủ của hoạt động KHCN, thời gian tới Nhà trường tiếp tục nâng cao công tác phát triển nhân lực KHCN nhằm đảm bảo sự phát triển một cách bền vững, có tính kế thừa, đồng thời hình thành thêm các nhóm NCKH đa ngành, phát huy ưu thế của Trường về đào tạo đa ngành trong lĩnh vực xây dựng; tìm kiếm các khả năng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm và thư viện KH&CN bằng các nguồn kinh phí nhà nước và kinh phí của Nhà trường; nâng cao vai trò tự chủ của các khoa trong việc tổ chức triển khai các hoạt động KH&CN; tăng cường quan hệ với các đối tác trong nước và quốc tế; hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động của mô hình “vườn ươm công nghệ” để có thể chuyển giao các kết quả NCKH nhanh chóng vào thực tiễn.

Một số sản phẩm KHCN tiêu biểu trong thời gian 2011 - 2016

 

- Hệ sàn rỗng chịu lực hai phương Cdeck trên cơ sở cải tiến hệ sàn bubbledeck;

- Công nghệ thổi rửa sau và bơm phụt vữa xi măng mũi cọc để tăng chịu tải của cọc khoan nhồi;

- Nghiên cứu, chế tạo hệ thống thiết bị giám sát và điều khiển thi công máy đóng cọc cát, giếng cát;

- Thanh polymer cốt sợi thủy tinh (GFRP) chống ăn mòn, dùng cho các công trình ven biển;

- Bê tông chất lượng siêu cao (UHPC) có tính công tác tốt, tự san phẳng, mác 1.500 - 2.000 kG/cm2;

- Bê tông nhựa nửa cứng cho những vùng chịu lực tải trọng lớn như sàn công nghiệp, đường giao thông, bến xe có lưu lượng lớn…;

- Phụ gia ninh kết chậm tạo nhám bề mặt cho mặt đường bê tông xi măng, tăng độ nhám và tính thẩm mỹ cho bề mặt đường đi bộ;

- Các vật liệu trộn sẵn vữa tự chảy không co, mác thường đến rất cao (120MPa) để chống thấm, sửa chữa;

- Gốm xốp cách nhiệt: Khối lượng thể tích: ρ= 800÷900 kg/m3; cường độ chịu nén: Rn= 30÷35 kG/cm2; độ hút nước: Hp >15%; nhiệt độ sử dụng: 900÷1000oC; độ bền nhiệt> 15 chu kỳ dao động nhiệt.

- Hơn 30 kết quả thực hiện NCKH đã được cấp giấy đăng ký bản quyền tác giả hay bằng độc quyền sở hữu trí tuệ.

Ý kiến của bạn

Bình luận