Trường đại học 'chạy đua' xét tuyển học bạ

18/06/2019 06:43

Ngoài xét tuyển dựa vào điểm thi THPTQG, nhiều trường đại học đang bước vào cuộc “chạy đua” xét tuyển bằng học bạ. Hình thức này “hút” thí sinh, vì sao?

thithptquocgia2019
Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển ĐH - CĐ. Ảnh minh họa: Công An Nhân Dân.

Tổng hợp thông tin tuyển sinh năm 2019 cho thấy cả nước hiện có khoảng 100 trường đại học (ĐH) có chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Đây là phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mà sử dụng kết quả học tập của thí sinh ở cấp THPT.

Tất nhiên, để được xét tuyển học bạ, thí sinh phải đảm bảo điều kiện tối thiểu là đủ điểm đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia năm đó.

Số liệu tổng hợp từ Bộ GD&ĐT cho thấy năm 2019, cả nước có gần 490.000 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ). 70% số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển căn cứ kết quả thi THPT quốc gia. 30% còn lại (tương ứng gần 148.000 chỉ tiêu) dành cho các phương thức khác, trong đó có xét tuyển học bạ.

Danh sách các trường ĐH có xét tuyển học bạ tương đối phong phú như ĐH Ngoại thương, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Luật Hà Nội, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Mỏ địa chất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Tài nguyên - Môi trường, ĐH Lâm nghiệp, Học viện Ngân hàng, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Học viện Tài chính Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Thủy Lợi, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Điện lực, ĐH FPT, ĐH Y tế Công cộng, ĐH Văn hóa Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên, ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Cần Thơ...

Đáng chú ý, chỉ tiêu sinh thông qua hình thức xét học bạ dao động từ 10%-70%, tùy thuộc từng trường. Trong đó, nhìn chung, các trường đều yêu cầu thí sinh có điểm tổng kết các môn nằm trong tổ hợp xét tuyển phải đạt điểm trung bình khá trở lên. Thậm chí, một số trường yêu cầu đạt từ 8,0 trở lên để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ hình thức xét tuyển bằng học bạ ngày càng được nhiều trường ĐH và thí sinh lựa chọn do có nhiều ưu điểm. Thực tế cho thấy mặc dù điểm số thi THPT cũng là kênh phản ánh năng lực học tập của thí sinh, không thể phủ nhận câu chuyện “học tài thi phận” khi có nhiều thí sinh có học lực khá, giỏi nhưng vì căng thẳng tâm lý, sức khỏe, thiếu may mắn… mà lỡ cơ hội vào ĐH một cách đáng tiếc.

Do vậy, lựa chọn xét tuyển bằng học bạ là phương thức giúp các bạn chủ động “giành suất” vào ĐH đúng ngành mình yêu thích bằng chính năng lực học tập của bản thân. Cách thức này trong nhiều tình huống đảm bảo sự an toàn hơn so với việc tham dự một kỳ thi như THPT quốc gia.

Bên cạnh đó, vì xét tuyển học bạ độc lập với xét điểm thi THPT, thí sinh dự thi THPT bằng bài thi Khoa học Xã hội hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển học bạ bằng tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên và ngược lại.

Điều này thực sự mở rộng cơ hội lựa chọn, trúng tuyển cho thí sinh. Ngoài ra, thay vì phải nộp phiếu đăng ký tại trường THPT, xem thông tin hướng dẫn qua cổng thông tin chung, theo dõi kết quả do trường ĐH công bố theo phương thức thi THPT quốc gia, với xét tuyển học bạ, thí sinh có thể đăng ký hay nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH mình lựa chọn. Hồ sơ đơn giản, thủ tục nhanh chóng cũng là điểm cộng khiến phương thức xét tuyển học bạ này “hút” thí sinh...

Trước băn khoăn của dư luận xã hội về việc liệu có thể xảy ra hiện tượng “vơ bèo, vạt tép” để tuyển sinh thông qua hình thức xét tuyển học bạ, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam, cho biết việc tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ hoàn toàn phù hợp quy định của Luật Giáo dục ĐH. Đó là các trường được tự chủ lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp.

Bên cạnh đó, nếu như xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT có đặt ra điểm sàn để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu, thì xét tuyển học bạ cũng có ngưỡng đảm bảo chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cũng cho rằng ngoài việc cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh bằng việc lựa chọn hình thức xét tuyển khác nhau, Bộ GD&ĐT cũng áp dụng nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng như tăng trách nhiệm giải trình của các trường; yêu cầu công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp và có cơ chế sàng lọc sinh viên; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để xã hội cùng giám sát.

Ý kiến của bạn

Bình luận