Trường Cao đẳng GTVT III: 39 năm hành trình dạy và học

Tác giả: Minh Nghĩa

saosaosaosaosao
23/11/2015 13:34

Qua 39 khóa đào tạo, Trường đã cấp bằng tốt nghiệp cho trên 48.000 học sinh chính qui của 14 ngành nghề khác nhau...

TN2014 (47)

Sau khi thống nhất đất nước, Trường Cao đẳng GTVT III (tiền thân là Trường Trung học GTVT 6) được thành lập. Nhiệm vụ ban đầu của Trường là đào tạo, bổ túc cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của ngành GTVT theo chỉ tiêu của Bộ GTVT. Ngoài nhiệm vụ trên, Bộ GTVT còn giao cho Nhà trường thực hiện việc đào tạo cán bộ qui hoạch cho các đô thị, trung tâm công nghiệp, các tỉnh vùng sâu vùng xa và cấp huyện; mở rộng  phạm vi và đối tượng đào tạo theo địa chỉ, hợp đồng, vận dụng khai thác tiềm năng sẵn có của Trường và nguồn kinh phí tự trang trải. Trường được quyền liên kết nghiên cứu đào tạo và thực hiện hợp đồng sản xuất thực nghiệm trong và ngoài nước. Giai đoạn 1989 - 1990, Trường mở thêm nghề đào tạo lái xe, sửa chữa ô tô, máy tàu, thủy thủ, cơ khí, xây dựng cầu đường… Qua 39 khóa đào tạo, Trường đã cấp bằng tốt nghiệp cho trên 48.000 học sinh chính qui của 14 ngành nghề khác nhau với các bậc cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề... Hơn 2.000 học sinh đã tốt nghiệp tại chức hệ cao đẳng và trung học, trong đó Trường đào tạo 200 học sinh ngành Cầu đường, Cơ khí ô tô cho Campuchia. Bên cạnh đó, Trường còn tăng cường đội ngũ kỹ thuật viên trung học cho các đơn vị trong và ngoài ngành từ Quãng Ngãi đến Cà Mau.

Ngoài nhiệm vụ đào tạo, thầy và trò của Trường đã tham gia xây dựng nhiều công trình như cầu treo Nhật Tảo - Long An, cầu Ông Thìn, cầu Ông Buông, cống thoát nước đường Hải Thượng Lãn Ông và đại tu, đóng mới nhiều xe ô tô, trang thiết bị chuyên dùng. Các hoạt động thực tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện đời sống cán bộ, giáo viên của Trường. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường đã từng bước đa dạng hóa các hình thức, ngành nghề đào tạo. Các năm học gần đây, Trường đã được Bộ GTVT và Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo liên thông các bậc: Từ kỹ thuật viên lên trung cấp chuyên nghiệp, từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng tất cả các ngành nghề mà Trường đang đào tạo. Ngoài ra, Trường còn liên kết với Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính - Maketting, Trường Đại học GTVT  cơ sở 2… để đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học.

Hiện nay, Trường được phép đào tạo 10 ngành bậc cao đẳng với chỉ tiêu tuyển sinh là 1.600 sinh viên. Trong năm 2008, Trường cũng đã được Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH cho phép đào tạo cao đẳng nghề (7 ngành) và trung cấp nghề (6 ngành). Sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp đều có việc làm đúng nghề nghiệp và được các đơn vị sử dụng đánh giá cao. Trường hiện có 250 cán bộ giảng viên (trong đó có 6 nhà giáo ưu tú, 9 tiến sỹ và 113 thạc sỹ), đầy đủ cơ sở vật chất, Trung tâm Đào tạo thực nghiệm cơ giới, Trung tâm Ưng dụng KHCN GTVT, Trung tâm ngoại ngữ…

8 năm gần đây, Trường đã tổ chức lớp cử nhân chất lượng cao ngành Xây dựng cầu đường và từ năm 2010 có thêm lớp cử nhân chất lượng cao ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp. 6 năm qua, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Trường đã có 8 đề tài và dự án cấp Bộ, 7 đề tài nghiên cứu khoa học, 23 đề tài khoa học cấp trường và 11 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên.

TS. Chu Xuân Nam - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Sứ mệnh của chúng tôi không chỉ là xây dựng môi trường văn hóa dạy - học hiện đại, tạo mọi thuận lợi để người học có cơ hội tự học suốt đời, triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong dạy - học mà còn cung ứng đến sinh viên các dịch vụ giáo dục tiên tiến, hiện đại, gia tăng tính cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của Trường và xã hội”.

Ý kiến của bạn

Bình luận