Trung Quốc đang ngấm ngầm giám sát xe của người dân

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Xã hội 03/12/2018 06:23

Hàng trăm nhà sản xuất ôtô đang chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư

1
Nhiều chủ xe tại Trung Quốc không biết rằng mình đang bị theo dõi. Ảnh: Autoblog.

Shan Junhua, một người đàn ông Trung Quốc khi quyết định mua chiếc Tesla Model X, biết đó là một chiếc xe nhanh và đẹp. Tuy nhiên, Shan không biết rằng Tesla đã liên tục gửi thông tin về vị trí chính xác của chiếc xe anh sở hữu tới chính phủ Trung Quốc.

“Tôi không hề biết điều này. Tại sao Tesla lại cung cấp cho chính phủ, bởi đây là vấn đề riêng tư” - Shan chia sẻ.

200 nhà sản xuất chia sẻ dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc

Tesla không phải hãng xe duy nhất thực hiện điều này. Hơn 200 nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc bao gồm những ông lớn như Tesla, Volkswagen, BMW, Daimler, Ford, General Motors, Nissan, Mitsubishi và cả hãng xe khởi nghiệp NIO đã gửi ít nhất 61 loại dữ liệu khác nhau tới các nền tảng giám sát được chính phủ hậu thuẫn. 

Điều luật liên quan được công bố vào năm 2016. Các nhà sản xuất ôtô nói rằng họ chỉ tuân thủ luật pháp hiện hành, và chỉ áp dụng với các loại xe dùng nhiên liệu thay thế. Giới chức Trung Quốc cho biết việc phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ cải thiện an ninh công cộng, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp và lập quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, các quốc gia khác cũng là thị trường xe điện lớn như Mỹ, Nhật Bản hay nhiều nước ở châu Âu không thu thập loại dữ liệu này.

Các nhà phê bình tin rằng thông tin thu thập được đã vượt quá giới hạn cho phép và có thể được sử dụng để làm suy yếu vị thế cạnh tranh của những nhà sản xuất xe hơi nước ngoài.

Nghiêm trọng hơn cả, những dữ liệu này còn được dùng trong việc theo dõi và giám sát công dân.

Tại Trung tâm Thu thập, Giám sát và Nghiên cứu dữ liệu xe điện công cộng Thượng Hải, một màn hình kích cỡ như một bức tường luôn rực sáng với nhiều chấm nhỏ. Mỗi chấm đại diện cho một trong hơn 222.000 chiếc xe kết nối với hệ thống, đa phần là ôtô con. Những chiếc xe này chạy dọc theo các tuyến đường ở Thượng Hải, tạo nên một bản đồ trong thời gian thực tiết lộ nơi mọi người sinh sống, mua sắm và làm việc.

Dữ liệu này cũng được cung cấp cho một Trung tâm Giám sát khác do Viện Công nghệ Bắc Kinh điều hành, tiếp nhận thông tin từ hơn 1,1 triệu xe năng lượng mới. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên, nhất là trong bối cảnh thủ đô Bắc Kinh đang thúc đẩy phát triển xe điện như một phần của kế hoạch phát triển công nghiệp 10 năm "Made in China 2025".

2
Trung Quốc kỳ vọng sẽ bán ra 7 triệu xe mỗi năm vào 2025, trong đó 20% là xe điện. Ảnh: Reuters

 

Ding Xiaohua, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tại Thượng Hải khẳng định hệ thống giám sát không được thiết lập để hỗ trợ hoạt động theo dõi của chính phủ, dù dữ liệu có thể được chia sẻ với cảnh sát, công tố viên hoặc tòa án nếu có yêu cầu chính thức. Trung tâm này hoạt động trên danh nghĩa của một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng được liên kết chặt chẽ và tài trợ bởi chính phủ Trung Quốc.

Tuy vậy, vẫn có một bức tường lửa trong hệ thống. Trung tâm gán cho mỗi chiếc xe một mã số (ID), nhưng để liên kết chúng với thông tin của chủ xe tương ứng, nó phải thông qua nhà sản xuất ôtô - một bước mà trung tâm đã làm được trong quá khứ. Do vậy, việc thực thi pháp luật tại Trung Quốc có thể gián tiếp can thiệp vào thông tin cá nhân của chủ phương tiện.

“Nói một cách thẳng thắn, chính phủ không cần phải theo dõi qua một nền tảng như chúng tôi”, ông Ding phát biểu. Vị Phó giám đốc này cũng cho rằng các lực lượng an ninh phải có cách riêng của họ để theo dõi các nghi phạm như các chính phủ khác đang làm.

Năm ngoái, Tân Cương - một khu vực rộng lớn ở biên giới với Trung Á - đã được Trung Quốc biến thành một “phòng thí nghiệm” khổng lồ về giám sát điện tử. Các nhà chức trách tại đây đã yêu cầu người dân địa phương phải gắn định vị GPS vào xe của mình để có thể theo dõi một cách dễ dàng.

Giám sát hay không giám sát?

Hồi tháng 7 vừa qua, chính phủ Trung Quốc cũng công bố kế hoạch gắn chip RFID lên ôtô cá nhân và sẽ bắt đầu triển khai vào năm tới. Công nghệ này nhằm giám sát tình trạng giao thông, nhưng cũng làm dấy lên những lo ngại về việc xâm phạm thông tin cá nhân khi hệ thống hoàn toàn có thể xác định được vị trí của chiếc xe khi nó băng qua một trạm kiểm soát bên đường.

3
Trung Quốc gắn chip vào tất cả ôtô lưu hành để giám sát người dân. Ảnh: Gizmodo.

 

Nhiều xe ở Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu gửi thông tin vị trí về cho nhà sản xuất. Dữ liệu này tiếp tục được gửi đến các ứng dụng, bản đồ hay nhà cung cấp dịch vụ và chỉ dừng lại ở đó. Chính phủ hoặc các cơ quan thực thi pháp luật nói chung sẽ chỉ có thể truy cập nguồn dữ liệu này trong những trường hợp điều tra cụ thể và ở Mỹ thường sẽ cần cả sắc lệnh của tòa án.

Các nhà sản xuất xe hơi ban đầu phản đối việc chia sẻ thông tin với Trung tâm Nghiên cứu tại Thượng Hải, sau đó chính phủ đưa ra những điều kiện tiên quyết để có được quyền lợi này.

“Các hãng xe coi dữ liệu là một nguồn tài nguyên quý giá”, một tư vấn viên chính phủ giấu tên cho biết. “Họ đưa ra hàng chục lý do tại sao họ không thể cung cấp dữ liệu. Sau đó chúng tôi đưa ra các ưu đãi, và họ đồng ý với thỏa thuận vì điều đó mang lại lợi ích của họ” - người này nói thêm.

Ding cho biết thông tin cá nhân của người dùng vẫn được bảo mật. Tuy nhiên ông cũng cởi mở về tham vọng thương mại của mình. Ông muốn điều hành trung tâm dựa trên nguồn tài trợ của chính phủ, đồng thời kiếm tiền từ nguồn dữ liệu, mà vẫn đảm bảo không hề vi phạm quyền riêng tư hay luật sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi đã và đang nghiên cứu, nhưng kiếm được đồng tiền thực sự vẫn là điều xa vời”, Ding chia sẻ.

Việc có được dữ liệu từ ôtô người dân mang lại cho Trung Quốc lợi thế lớn. Đất nước này có xu hướng coi sự phát triển của công nghệ như một nguồn lực cạnh tranh quan trọng. Mặc dù các nhà sản xuất ôtô trên toàn cầu đã được hưởng nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ chính phủ Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, họ đang cung cấp dữ liệu cho Trung Quốc để phục vụ lợi ích chiến lược Bắc Kinh.

Các hãng xe nhấn mạnh rằng họ chia sẻ dữ liệu để tuân thủ luật pháp Trung Quốc và đã được sự đồng ý của chủ sở hữu phương tiện. Gần như tất cả nhà sản xuất ôtô đều đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới xe điện tại Trung Quốc - thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.

Ông Jochem Heizmann, Giám đốc điều hành chi nhánh Volkswagen ở Trung Quốc thừa nhận rằng thật khó để đảm bảo rằng dữ liệu sẽ không được sử dụng cho việc giám sát của chính phủ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng Volkswagen sẽ bảo mật thông tin cá nhân như danh tính của tài xế một cách an toàn trong hệ thống riêng của hãng: “Đúng là nó bao gồm vị trí của chiếc xe, nhưng không phải ai đang ngồi trong đó”.

Ông cũng nói thêm rằng chiếc xe sẽ không tiết lộ thông tin nhiều hơn một chiếc điện thoại thông minh: “Không có sự khác biệt về bản chất giữa việc ngồi trong xe hơi và ở trong một trung tâm mua sắm với chiếc smartphone”.

Ở quốc gia đông dân nhất thế giới, không nhiều người nhận thức được mối nguy từ hoạt động giám sát của chính phủ. Min Zeren, một chủ sở hữu chiếc Tesla Model S nhìn ra điều này bởi ông là một kỹ sư xe điện.

“Nếu bạn lo lắng về vấn đề đó, thì chẳng thể tồn tại ở đất nước này”, Min chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận