Trở lại Thạch Long

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Xã hội 27/07/2015 05:17

Ngôi nhà liệt sỹ Trần Hữu Hiệp ở xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá vốn đã ấm áp tình người bởi câu chuyện nhường áo phao…

IMG_0539
Tổng biên tập Tạp chí GTVT Trịnh Ngọc Hoàn thăm hỏi gia đình liệt sỹ Trần Hữu Hiệp

NỖI NIỀM ĐẤNG SINH THÀNH

Tối ngày 02/8/2013, vụ tai nạn chìm ca nô H29-BP trên vùng biển Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh làm 9 người thiệt mạng đã gây chấn động dư luận. Một trong số người thiệt mạng là anh Trần Hữu Hiệp. Hành động cứu người đầy nhân nghĩa của anh trước lúc rời xa cõi tạm đã mãi tạc vào thời gian những niềm tự hào.

Điều nhân nghĩa ấy là trong cơn nguy biến, Hiệp đã hành động dũng cảm giúp nhiều người không biết bơi bám vào thành ca nô để chờ cứu hộ. Đặc biệt, vào thời khắc cam go, Hiệp đã cởi áo phao của mình cho một phụ nữ, dẫu biết kết quả của việc “nhường” ấy sẽ đổi bằng tính mạng bản thân mình.

Thời điểm gặp nạn, Hiệp đang là công nhân của Công ty Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam.

Dưới cái nắng như thiêu như đốt của trời đất miền Trung những ngày cuối tháng 6, đây là lần thứ 3 chúng tôi đến với gia đình liệt sỹ Hiệp, mỗi lần mang một tâm trạng khác nhau.

Đón chúng tôi tại ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp vẫn là gương mặt đã sạm đi vì nắng gió, vì những tháng ngày thương nhớ người con trai út đã mãi ra đi trong lần nhường áo phao cứu người của vợ chồng ông Trọng. Nhưng có chăng hôm nay, nét buồn đó được nén xuống đáy lòng ông Trần Hữu Trọng (57 tuổi, bố của liệt sỹ Hiệp).

Những cái bắt tay, những lời thăm hỏi ân cần… của gia đình khiến chúng tôi thấy nghẹn trong lòng.

Di ảnh liệt sỹ Hiệp, huân chương, kỷ niệm chương, Bằng Tổ quốc ghi công… của anh được đặt trang trọng trong một gian nhà.

Dường như màu thời gian đã thoáng xuất hiện trên đó, chính thời gian cũng giúp vợ chồng ông Trọng nguôi ngoai phần nào nỗi đau cũng như niềm thương nhớ người con trai út hiền lành, quả cảm của mình.

Không cần chúng tôi hỏi nhiều, những câu chuyện về anh Hiệp được ông Trọng kể như một hồi ức chưa bao giờ phai nhạt trong tâm thức ông. Ngồi bên cạnh chồng, bà Nguyễn Thị Thìn (57 tuổi, mẹ anh Hiệp) không sao cầm được những giọt nước mắt.

Những ngấn lệ cứ lăn dài trên gương mặt đen xạm khắc khổ của người mẹ bất hạnh này mỗi khi nhắc tới tên con.

Nhìn về hướng bàn thờ, nơi mà nén nhang vẫn đang tỏa khói nghi ngút, ông Trọng bảo: “Gần 2 năm kể từ ngày Hiệp “đi xa”, vì thương nhớ con nên căn bệnh tiền đình và huyết áp thấp của mẹ cháu ngày càng nặng thêm. Mỗi lần thắp hương cho con, bà ấy lại khóc. Nhiều hôm, tôi bảo rằng, bà đừng

khóc nữa không thì quỵ mất. Là cha mẹ ai chẳng thương, chẳng xót khi con không còn, cứ gào, cứ khóc thì con cũng có sống lại được đâu. Mình phải gượng dậy, làm chỗ dựa cho con cho cháu, thằng Hiệp nó nhường sự sống cho mọi người đó là phúc đức cho cuộc đời này. Chính vì thế, tôi luôn căn dặn vợ và các con luôn ngẩng cao đầu, mạnh mẽ vượt qua để hương hồn người đã khuất được an nghỉ nơi chín suối.

Vốn là trụ cột gia đình nên ông Trọng vẫn phải mạnh mẽ như vậy để làm chỗ dựa cho vợ con. Nhưng có mấy ai biết, sau mỗi lần mạnh mẽ ấy lại là một lần yếu đuối của người đàn ông này. Ông Trọng vẫn cười nhưng nụ cười ấy đã vương thêm nhiều nét buồn sau sự ra đi đột ngột của con.

NGƯỜI THANH NIÊN DŨNG CẢM

Gia đình liệt sỹ Hiệp cho biết, anh sinh năm 1988, là con trai út trong nhà. Nhà có 3 anh em trai thì người anh cả là Trần Văn Đạt phải nhường phần học hành cho hai đứa em là Điệp và Hiệp, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Trong suốt quá trình học tập của Hiệp, bố mẹ và người thân trong nhà chưa bao giờ nghe thầy, cô giáo hay bạn bè phàn nàn về Hiệp một lời.

Học xong cấp 3, Hiệp thi vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất ở tỉnh Phú Thọ. Suốt thời gian học tập ở ngôi trường ấy, Hiệp làm nhiều công việc để kiếm thêm tiền ăn học, đỡ đần cho bố mẹ và không dám chăm chút nhiều cho bản thân mình.

“Ngày khăn gói vào Nam làm việc tại Công ty Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam, Hiệp có tâm sự với gia đình là chuyến này đi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ, tích cóp một số tiền để phụ giúp bố mẹ và anh Điệp lo lấy vợ. Hơn 1 năm sau ngày cháu đi xa, thằng Điệp cũng đã có cho mình một mái ấm nhỏ. Dẫu cuộc sống còn nhiều bộn bề, vất vả nhưng hay tin tôi ốm, vợ chồng thằng Điệp lại tất tưởi từ Hà Nội về chăm sóc, lo việc gia đình thay cho bố mẹ” - bà Thìn ngậm ngùi kể.

Sau câu chuyện kể của bà Thìn, chúng tôi thoáng nhìn sang anh Điệp đang ngồi cạnh mẹ. Anh chú ý lắng nghe với nét mặt buồn rượi. Hiện tại, anh Điệp đang sống cùng vợ tại Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của gia đình.

“Em trai tôi đã mãi mãi ra đi ở tuổi 25 đầy hoài bão. Sự hi sinh đó là vì mọi người và đã được Tổ quốc ghi nhận. Giờ đây, những người ở lại như tôi phải cố gắng bù đắp tình cảm cho bố mẹ, thay em chăm sóc bố mẹ và cố gắng sống tốt hơn để không phụ tấm chân tình mà em đã dành cho mình, cho mọi người”, anh Điệp bùi ngùi.

Nói về bệnh tình của mình, bà Thìn chỉ biết lặng người và buông những tiếng thở dài.

Người con cả trong gia đình là anh Trần Hữu Đạt (SN 1984) động viên mẹ bằng những lời xúc động: “Nhiều năm nay, vợ chồng tôi ở lại mảnh đất quê hương tằn tiện làm ăn và chăm sóc bố mẹ thay các em. Bằng chút vốn liếng tích cóp cộng với vay mượn, hai vợ chồng đầu tư mua máy xay xát phục vụ bà con trong khu vực. Ngoài ra, vợ chồng còn nuôi thêm 2 cặp trâu xem như lấy công làm lãi”.

Sau ngày Hiệp ra đi mãi mãi, ghi nhận sự hy sinh quả cảm của anh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã truy tặng ngay “Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm” cho anh, đồng thời phát động thanh niên cả nước học tập tấm gương Trần Hữu Hiệp.

Đến ngày 10/8/2013 (tức chỉ 1 tuần sau khi xảy ra vụ việc), Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng “Huân chương Dũng cảm” cho anh Trần Hữu Hiệp; Bộ GTVT trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam” cho anh…

Tất thảy những điều ấy thể hiện sự công nhận của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, xã hội đối với con người có lòng dũng cảm phi thường, nghĩa cử cao đẹp. Có đi tìm hiểu thực tế mới thấy phía sau những tấm huy chương là cả những nỗi niềm chất chồng của các bậc sinh thành.

Trò chuyện với gia đình liệt sĩ Trần Hữu Hiệp, đồng chí Trịnh Ngọc Hoàn - Tổng biên tập Tạp chí GTVT tâm phục ghi nhận về hành động xả thân cứu người của liệt sỹ Hiệp đã có nghĩa cử cao đẹp được cả xã hội ghi công ơn.

“Sau 2 năm trở lại đúng dịp cả đất nước hướng tới Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7), tôi rất mong gia đình nén nỗi đau, thương con nhưng chúng ta phải biết vượt lên những đau khổ để tiếp tục lo cho con cháu”, đồng chí Hoàn chia sẻ.

Phía sau ngôi nhà cấp 4 vốn luôn ấm áp tình người ấy, vợ chồng ông Trọng vẫn luôn cất giữ tất cả mọi hình ảnh, kỷ vật về con. Anh Hiệp vẫn ở đó, trong ngôi nhà của chính mình..

Tuổi trẻ Thạch Thành học tập noi gương liệt sỹ Hiệp

Huyện đoàn Thạch Thành đã xác định việc tổ chức tuyên truyền học tập tấm gương dũng cảm cứu người của liệt sỹ Trần Hữu Hiệp là việc làm có ý nghĩa quan trọng nên trong thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn Thạch Thành đã triển khai rộng rãi phong trào học tập theo tấm gương dũng cảm cứu người của đồng chí Trần Hữu Hiệp tới đông đảo ĐVTTN trên địa bàn toàn huyện với các hoạt động: Chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội, Đội thông qua các buổi sinh hoạt tổ chức tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi tại đơn vị về hành động dũng cảm của liệt sỹ Trần Hữu Hiệp để từ đó khích lệ, cổ vũ tinh thần học tập tấm gương dũng cảm của anh với hơn 200 hoạt động tuyên truyền được tổ chức với sự tham gia của trên 20.000 lượt ĐVTTN; tổ chức trên 100 diễn đàn “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”, qua đó tuyên truyền về tấm gương dũng cảm của liệt sỹ Trần Hữu Hiệp. Bên cạnh đó, vào các ngày lễ tết, Ban Thường vụ Huyện đoàn và các cơ sở Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, trao quà động viên gia đình liệt sỹ Trần Hữu Hiệp.

Lưu Thị Dung

Bí thư Đoàn TNCS HCM - huyện Thạch Thành - tỉnh Thanh Hóa

Ý kiến của bạn

Bình luận