Trình Quốc hội chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc

Chính trị 04/11/2017 10:06

Ngày 3-11, tiếp tục kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu QH làm việc cả ngày tại hội trường. Buổi sáng, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; nghe Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 và nghe Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng nêu trên. Buổi chiều, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Screen Shot 2017-11-04 at 9.15.05
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: ANH TUẤN

Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Đầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH góp ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều đại biểu quan tâm việc quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền về các mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức; trình độ; năng lực, kinh nghiệm; sức khỏe, độ tuổi trên cơ sở bám sát tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh quản lý, lãnh đạo theo các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và đặc thù của ngành ngoại giao. Về tiêu chuẩn độ tuổi, nguyên tắc chung là Đại sứ được bổ nhiệm phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Về nội dung này, một số đại biểu cho rằng, do yêu cầu của công tác chính trị, đối ngoại và phù hợp thực tiễn về tuổi bổ nhiệm Đại sứ của nhiều nước trên thế giới, nên cho phép bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đặc biệt không đủ độ tuổi bảo đảm trọn nhiệm kỳ công tác. Đồng thời người đó cần có kinh nghiệm hoạt động đối ngoại lâu năm, có uy tín trong ngành ngoại giao, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ Đại sứ tại một số địa bàn chiến lược và trong lúc chưa có người thích hợp để tiến cử làm Đại sứ. Tuy nhiên, có đại biểu nêu ý kiến, việc bổ nhiệm này phải tuân thủ những quy định của Luật Cán bộ, công chức và Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu. Trong thực tế và trong những trường hợp đặc biệt cần quy định rõ trong luật và giao Chính phủ quyết định là phù hợp. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo, giải trình những vấn đề được các đại biểu QH quan tâm và nêu ra. Trong đó, Phó Thủ tướng khẳng định: Một trong những mục tiêu cao nhất của dự án luật là tuyển dụng, cử được các Đại sứ đại diện ở nước ngoài là cán bộ có năng lực phục vụ tốt đất nước và tất cả tiêu chuẩn phải đáp ứng được tiêu chuẩn quy định của Đảng, Nhà nước đối với các Đại sứ. Quy trình đề cử Đại sứ của chúng ta là một quy trình rất chặt chẽ, rất công phu, qua nhiều cấp thẩm định, phê duyệt…

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về chủ trương xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 và Báo cáo thẩm tra của QH về nội dung này. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020 (dài khoảng 2.109 km, đi qua 32 tỉnh, thành phố) là không thể trì hoãn, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Vì thế, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Bên cạnh đó, việc đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc -

Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ góp phần giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt là quốc lộ 1 không thể khắc phục… Về phương án đầu tư, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần… Sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng. 

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án và cho rằng, đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với phương án đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, khi có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác. Mặt khác, các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ. 

Về nguồn vốn Nhà nước và phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đề nghị bố trí 55.000 tỷ đồng cho dự án này và 15.000 tỷ đồng còn lại sẽ trình QH phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ tiêu chí lựa chọn các dự án sử dụng 15.000 tỷ đồng và báo cáo QH xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, đáp ứng tiêu chí vốn phân bổ cho dự án quan trọng quốc gia.

Thống nhất đầu mối quản lý nợ công

Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Góp ý về phạm vi nợ công, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và nhiều đại biểu đề nghị, không đưa vào quy định phạm vi nợ công các khoản “nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, nợ xây dựng cơ bản, nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập”, bởi các khoản nợ này đã được quy định trong các luật khác. Hơn nữa, còn tránh việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, dễ làm gia tăng nợ công.

Nhiều ý kiến đề nghị, bổ sung quy định gắn quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công theo hướng bổ sung quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn. Đồng thời, quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý nợ công.

Các đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và nhiều đại biểu tán thành việc thống nhất đầu mối quản lý công, nhằm tránh tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, đồng thời xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm vay, trả nợ, khắc phục tình trạng "người vay, người tiêu, người trả nợ". Để bảo đảm minh bạch trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đầu mối thống nhất quản lý nợ công và tính chủ động của Chính phủ trong việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan, luật cần quy định rõ giao Bộ Tài chính làm đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phân công nhiệm vụ cụ thể các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi phối hợp quản lý nợ công, hạn chế "luật khung, luật ống" gây khó khăn khi thực hiện.

Liên quan nội dung này, dự thảo luật quy định Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Có ý kiến băn khoăn việc quy định như vậy sẽ dẫn đến thay đổi nhiệm vụ này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc áp dụng luật sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau và không phải sửa lại các luật liên quan.

Hiện nay, có khoảng năm triệu người Việt Nam ở nước ngoài và được khẳng định là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thực tiễn khẳng định đây là nguồn lực to lớn góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực lớn về tri thức, khoa học, kỹ thuật, trình độ quản lý, vì vậy chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần được xem xét, bổ sung, sửa đổi cụ thể hơn để có thể góp phần động viên, khai thác có hiệu quả nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại biểu Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng)

Theo tôi, chúng ta đang bỏ lửng, chưa quan tâm đúng mức việc thông tin cho cộng đồng người Việt Nam ở các nước trên thế giới. Thông tin chính thống đang rất thiếu đối với bà con. Báo chí ở Việt Nam đang phát triển mạnh với rất nhiều đầu báo nhưng đến tay cộng đồng người Việt ở các nước còn rất hạn chế… Vì vậy, cần phải có một khoản kinh phí để hỗ trợ việc tuyên truyền thông tin chính thống, đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng)

Qua các Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về các chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu xuất bản năm 2017, đánh giá đến năm 2015, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 60 trong số 138 quốc gia và đứng thứ bảy khu vực Đông - Nam Á; chỉ số kết cấu hạ tầng chỉ đứng vị trí 79 trong số 138 (trong chỉ số về kết cấu hạ tầng, lĩnh vực đường bộ xếp vị trí 89, đường sắt 52, hàng không 86, cảng biển 77)... Điều đó chứng tỏ kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Đặc biệt trong thời gian tới, nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, hội nhập quốc tế sâu rộng… sẽ đặt ra thách thức lớn đối với năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình hiện đại.

(Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam).

Ý kiến của bạn

Bình luận