Trật tự ATGT 6 tháng đầu năm: TNGT giảm nhưng chưa bền vững

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 27/07/2017 05:12

6 tháng đầu năm 2017, TNGT đã được kéo giảm trên 5% cả 3 tiêu chí, đảm bảo mục tiêu giảm TNGT từ 5 đến 10%. TNGT đường sắt và đường thủy nội địa đã giảm sâu. Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp tại 22 địa phương.

 

Pho thu tuong Trương Hoa Binh
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đề nghị các địa phương thực hiện tốt các nội dung theo Kế hoạch Năm ATGT 2017

Vẫn còn 22 địa phương tăng TNGT

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm cả nước có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 16 địa phương giảm trên 20% số người chết, đặc biệt là 3 tỉnh giảm trên 40% số người chết do TNGT là Cà Mau, Cao Bằng và Điện Biên.

Có được kết quả này là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về công tác bảo đảm TTATGT; sự vào cuộc thực hiện nghiêm túc, kịp thời của các bộ, ngành, địa phương; sự chủ động, tích cực của các cơ quan thường trực về bảo đảm TTATGT và các đơn vị liên quan trong lực lượng Công an, GTVT từ Trung ương đến địa phương; các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị quản ý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông… đã nỗ lực cao nhất để tạo môi trường giao thông và dịch vụ vận tải thuận tiện, có chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường. Ngoài lực lượng CSGT, các địa phương còn tăng cường các lực lượng khác như Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã, phường tham gia tuần tra và giải tỏa lòng, lề đường, vỉa hè, chống UTGT, lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ và đường sắt.

Bên cạnh các địa phương kéo giảm được TNGT, trong 6 tháng đầu năm vẫn còn 22 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 10 tỉnh tăng trên 15%, trong đó có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 30% là An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ và Lai Châu.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm, 4 chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có TNGT tăng trên 30% đều nhận trách nhiệm trước Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình khi để TNGT gia tăng, đồng thời cam kết sẽ dồn toàn lực của địa phương để kéo giảm TNGT trong 6 tháng cuối năm. 

TNGT tăng do đâu?

Theo Ban ATGT TP. Cần Thơ, so với cùng kỳ năm 2016, TNGT tăng 50% về số vụ, tăng 51,7% số người chết, số người bị thương không tăng, không giảm. Nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT trên địa bàn tỉnh xuất phát từ ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế. Mặt khác, TP. Cần Thơ là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Nam bộ, vì vậy phương tiện cơ giới đường bộ tại các địa phương lân cận đổ về ngày một gia tăng. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố rất yếu và chưa đồng bộ.

Về phía Quảng Trị, đây là một trong 10 địa phương giảm TNGT cả 3 tiêu chí thấp nhất cả nước trong năm 2016, nhưng TNGT đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 118 vụ TNGT, làm 64 người chết và 102 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 42,2% số người chết và giảm 6,4% số người bị thương.

Tương tự như Cần Thơ, phân tích về nguyên nhân gia tăng TNGT, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dù công tác tuần tra, kiểm soát được lực lượng chức năng triển khai khá quyết liệt nhưng do lực lượng mỏng nên công tác này vẫn chưa phát huy hiệu quả khi vẫn diễn ra tình trạng bỏ trống địa bàn, xử lý chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan chưa thực sự chặt chẽ, nhất là địa bàn nông thôn. Ông Chính cho rằng do chưa có đường tránh trung tâm TP. Đông Hà nên việc gia tăng TNGT và gây UTGT là điều khó tránh khỏi. Ông Chính cũng kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh lại Thông tư 91 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, tốc độ tối đa của các phương tiện lưu thông trong khu vực đô thị cần giảm xuống dưới 40km/h để đảm bảo khi xử lý tình huống.

Là địa phương có tỷ lệ gia tăng TNGT lớn nhất cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An lý giải, số lượng TNGT trên địa bàn tỉnh Lai Châu vốn không nhiều so với các địa phương khác nên tỷ lệ phần trăm TNGT sẽ biến động mạnh mỗi khi có thêm TNGT. Trong năm 2016, Lai Châu là một trong 13 địa phương giảm TNGT trên 20%. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến con số về tỷ lệ phần trăm TNGT tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Cũng theo Chủ tịch Đỗ Ngọc An, Lai Châu là địa phương có hạ tầng giao thông kém với những tuyến đường độc đạo rất khó khăn, hiểm trở. Cùng với đó, ảnh hưởng nặng nề của mùa mưa và sương mù cũng là những yếu tố gây nên mất ATGT. Đồng thời trong 6 tháng đầu năm, tình hình TTATGT trở nên phức tạp với sự xuất hiện của tuyến xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc rất tấp nập.

Liên quan đến những trở ngại trong công tác đảm bảo TTATGT, nhiều địa phương cùng cho rằng, việc thụ động về kinh phí cũng là một nguyên nhân quan trọng gây nên những hạn chế trong công tác đảm bảo TTATGT tại các địa phương. Nguồn kinh phí bố trí không kịp thời dẫn đến tình trạng thiếu kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, giải tỏa hành lang ATGT và không kịp thời xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT...

Phải kéo giảm TNGT mạnh từ địa phương

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo ban ATGT, các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch Năm ATGT 2017 của địa phương, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; chỉ đạo ngành GTVT tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt; chỉ đạo công an tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là theo các chuyên đề về kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND cấp huyện, xã tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm ATGT tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh lối đi dân sinh trái phép.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; tổ chức quản lý hiệu quả phần vỉa hè, lòng đường sử dụng để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán... Sở GTVT hai thành phố cần phối hợp với Công an thành phố thường xuyên cập nhật, công bố thông tin về phương án phân luồng, điều tiết giao thông và hướng dẫn tham gia giao thông qua các điểm hay UTGT, các đoạn tuyến có công trình xây dựng chiếm dụng lòng, lề đường, bị ngập nước do mưa, triều cường... Hai sở GTVT khẩn trương xây dựng phần mềm giám sát giao thông trực tuyến, cung cấp thông tin vi phạm cho CSGT để làm căn cứ xử phạt “nguội”.

Mặt khác, hai thành phố cần tập trung xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, trong đó chú trọng các giải pháp áp dụng nguyên tắc kinh tế thị trường; xác định đối tượng, lộ trình và khu vực áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ứng vốn, bổ sung vốn ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa để xóa các “điểm đen” về TNGT, các đoạn đèo dốc nguy hiểm trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương; tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phương án sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT phù hợp với thực tiễn; hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí cho công tác bảo đảm TTATGT năm 2018.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 9.593 vụ TNGT, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. So với 6 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 636 vụ (-6,22%), số người chết giảm 229 người (- 5,25%), số người bị thương giảm 1.004 người (-11,23%). Đặc biệt, trong tháng 6/2017, TNGT giảm 186 vụ (-10,60%), giảm 131 người chết (-16,93%), giảm 209 người bị thương (-13,42%) so với cùng kỳ năm 2016.

Ý kiến của bạn

Bình luận