Trách nhiệm của thuyền viên khi tàu thuyền gặp bão trên biển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 26/10/2018 06:21

Quá trình hoạt động sản xuất trên biển, nếu phát hiện thấy có bão ảnh hưởng đến khu vực tàu hoạt động thì bà con cần bình tĩnh và triển khai ngay các hoạt đông cần thiết để tổ chức hoạt động phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và người.

 

tim kiem cuu nan_1
 

 Trách nhiệm cho từng người trên tàu được phân công cụ thể như sau:

* Đối với thuyền trưởng

Khi bão xa: Thông báo tin bão cho thuyền viên, đồng thời kiểm tra lại các thiết bị an toàn và thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết; liên lạc chặt chẽ với đài chỉ huy trên bờ và bằng mọi biện pháp thông tin cho các phương tiện khác đang hoạt động trong cùng khu vực biết.Khi bão gần: Thông báo tin bão gần cho thuyền viên biết, nhanh chóng ra lệnh thu lưới và rời khỏi ngư trường để về nơi trú bão gần nhất, thông báo kịp thời cho các phương tiện khác đang hoạt động trong cùng khu vực.

Khi có tin bão khẩn cấp: Phải ra lệnh cho thuyền viên mặc áo phao cá nhân, đưa các trang bị cấp cứu vào vị trí sẵn sàng ứng cứu và kịp thời đưa phương tiện vào nơi trú ẩn gần nhất. Trong trường hợp khẩn cấp, thuyền trưởng có thể quyết định bỏ lưới để kịp đưa phương tiện về nơi trú bão; điều động phương tiện và thuyền viên của mình ứng cứu khi phát hiện có người và phương tiện khác bị nạn.

Khi phương tiện trong vùng bão: Phải trực tiếp điều khiển và chỉ huy phương tiện của mình; sử dụng mọi biện pháp và kinh nghiệm để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện; kịp thời thông báo cho các đài trên bờ và các phương tiện gần nhất biết về vị trí phương tiện của mình đang hoạt động và phát tín hiệu cấp cứu khi phương tiện bị tai nạn; tham gia ứng cứu khi phát hiện người và phương tiện khác bị nạn.

Khi bão tan: Phải báo cáo kịp thời với cơ quan chủ quản hoặc chính quyền cấp xã nơi cư trú hoặc nơi phương tiện di chuyển đến về tình trạng người và phương tiện của mình, đồng thời tự kiểm tra lại điều kiện an toàn của phương tiện trước khi tiếp tục ra biển hoạt động.

* Các thuyền viên có nhiệm vụ

Chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thuyền trưởng trong trường hợp có bão. Khi phát hiện tai nạn xảy ra trên phương tiện của mình và trên phương tiện khác phải báo cáo ngay cho thuyền trưởng và sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người và phương tiện bị nạn.

Những điều cần làm khi xảy ra tai nạn hoặc phát hiện thấy tai nạn trên biển

Trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển thì việc quản lý tàu thuyền và giữ vững thông tin liên lạc với các tàu đánh bắt xa bờ sẽ rất quan trọng, đồng thời chính sự hiểu biết về các kiến thức trong phòng chống thiên tai trên biển, phương pháp phối hợp với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của ngư dân cũng góp phần quan trọng trong công tác cứu nạn nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản của ngư dân. Chính vì thế, đòi hỏi mỗi ngư dân đi biển cần biết rõ những kiến thức về phòng chống thiên tai để có những phản ứng nhanh khi tàu mình gặp nạn hoặc phát hiện thấy tai nạn trên biển.

Khi tàu mình gặp tai nạn, sự cố trên biển

Các thuyền viên trên tàu chủ động tổ chức hoạt động cứu nạn, ứng cứu; thông báo cho các tàu xung quanh biết và yêu cầu cứu giúp, hỗ trợ; thông báo cho các cơ quan tìm kiếm cứu nạn biết thông qua các đài thông tin duyên hải, các đồn, trạm biên phòng ven biển… để nhận được sự trợ giúp; giữ vững thông tin liên lạc, báo cáo tình hình thực tế, chấp hành các yêu cầu của lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

Khi phát hiện thấy tai nạn, sự cố trên biển

Nhanh chóng triển khai các hoạt động cứu nạn theo khả năng của mình; thông báo cho các tàu thuyền xung quanh biết để cùng phối hợp cứu nạn; thông báo cho các cơ quan tìm kiếm cứu nạn biết; thực hiện các yêu cầu của lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Các chủ tàu, thuyền và các thuyền viên khi làm việc trên tàu cần biết một số quy định Thuyền viên làm việc trên các tàu phải có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Chủ tàu phải luôn mang theo giấy đăng ký, đang kiểm, giấy phép đánh bắt cá (nếu có) và phải mua đầy đủ bảo hiểm cho tàu và thuyền viên trên tàu. Các tàu nên tổ chức đánh bắt theo tổ, nhóm và thường xuyên liên lạc với nhau; hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn, sự cố trên biển. Các tàu đánh bắt tại ngư trường nơi đã đăng ký, khi thay đổi cần thông báo cho cơ quan chức năng biết; không đánh bắt thủy sản tại nơi đầu luồng và trên luồng hành trình của tàu biển; không chạy cắt mũi tàu khác; không đưa ra yêu cầu cứu nạn khi trong tình trạng cứu hộ.

Lưu ý, pháp luật nghiêm cấm hành vi báo cứu nạn, cứu hộ giả, không có thật gây tổn thất cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị chức năng

Ý kiến của bạn

Bình luận