TP.HCM: Giữ nguyên và giảm học phí năm học 2016 - 2017

05/08/2016 06:14

Trong khi HN vừa có quyết định tăng học phí trong năm học mới thì TP.HCM vẫn giữ nguyên mức học phí và giảm học phí của khối giáo dục thường xuyên.

infonet_gd5

UBND TPHCM vừa có tờ trình HĐND về quy định cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021.

Theo đó, học phí các trường công lập từ mầm non đến THPT ở TPHCM giữ nguyên như năm học vừa rồi. Riêng hệ thống giáo dục thường xuyên sẽ được điều chỉnh giảm ngang với mức thu ở trường công lập.

Mức học học phí đề nghị trong năm học này bao gồm các bậc học chia theo nhóm 1 và nhóm 2 (đơn vị đồng/tháng). Cụ thể, nhà trẻ: 140.000 - 200.000 đồng; mẫu giáo: 100.000-160.000 đồng; tiểu học: không thu; THCS: 85.000 -100.000 đồng; bổ túc THCS 85.000 - 100.000 đồng (mức cũ là 130.000 - 150.000 đồng); THPT: 100.000 - 120.000 đồng; bổ túc THPT 100.000 - 120.000 đồng (mức cũ là 150.000 - 180.000 đồng).

Nhóm 1 gồm các quận nội thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân). Nhóm 2 gồm các huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè).

UBND TP.HCM cũng giao Sở GDĐT phối hợp với các sở ngành liên quan căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân để làm cơ sở tham mưu với UBND TP cơ chế sử dụng học phí và miễn giảm từ năm học 2017-2018 đến năm 2020-2021 sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Ngoài ra, Sở GDĐT yêu cầu các trường trong thành phố đồng loạt khai giảng năm học 2016-2017 vào ngày 5/9. Một số trường hợp đặc biệt về thay đổi thời gian tổ chức phải xin ý kiến của Sở GDĐT.

Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM nhấn mạnh vệc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với điều kiện nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý học sinh, gắn với thực tế tại đơn vị; thực sự có tác dụng, hiệu quả đối với học sinh, tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh và không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường; Tránh việc tổ chức các hoạt động một cách máy móc, hời hợt, qua loa hoặc nặng nề, hình thức gây quá tải cho học sinh. Các hoạt động cần chú ý phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh.

Ý kiến của bạn

Bình luận