TP.HCM đề xuất đầu tư tuyến xe buýt chất lượng cao thay thế buýt nhanh

Tác giả: Thắng Khang

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/12/2021 06:53

Chủ đầu tư đề xuất tiếp tục triển khai dự án buýt nhanh số 1 nhưng thay loại hình BRT bằng tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn ưu tiên.

xe.
TP.HCM đề xuất đầu tư tuyến xe buýt chất lượng cao thay thế buýt nhanh.

Sau khi rà soát, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) chủ đầu tư dự án cùng Sở GTVT TP.HCM thống nhất kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện dự án phát triển giao thông xanh nhưng có điều chỉnh.

Cụ thể là chưa thực hiện ngay dự án tuyến BRT số 1, mà thay thế bằng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao có làn ưu tiên. Giải pháp điều chỉnh thay vì tạm hoãn dự án nhằm tránh các hệ lụy, như nhà tài trợ chấm dứt nguồn vốn viện trợ, rủi ro bị khiếu nại vì dừng hợp đồng với nhà thầu đang triển khai...

Như vậy, hướng tuyến xe buýt xanh chất lượng cao cũng dài 26km từ An Lạc đến nhà ga Rạch Chiếc và có kết nối vào trạm trung chuyển Bến Thành, bến xe Chợ Lớn. Trên hành lang tuyến buýt, cơ quan chức năng sẽ ưu tiên hạ tầng, tổ chức giao thông để đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, tiện nghi...

Theo Ban Giao thông để loại hình tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên đạt hiệu quả, thành phố phải phát triển thành mạng lưới trong thời gian sớm nhất và vận hành đồng bộ với hệ thống metro, các tuyến xe buýt truyền thống sau khi tái cấu trúc hệ thống xe buýt thành phố để đảm bảo sự thành công và hiệu quả của dự án. Trường hợp nhà tài trợ đồng thuận với phương án điều chỉnh dự án sẽ tiến hành đấu thầu xây lắp vào tháng 9/2022 và đưa vào khai thác tháng 6/2024.

Dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM có mục tiêu chính là xây dựng tuyến BRT số 1 trên trục chính đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với điểm đầu ở vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) đến nhà ga Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) với chiều dài 26km. Giai đoạn đầu tuyến có 42 xe, vận tốc thiết kế 60km/h. Dự báo năm đầu tiên đưa vào khai thác BRT số 1 có 25.960 lượt khách/ngày.

Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới 121,2 triệu USD và vốn đối ứng trong nước gần 423 tỉ đồng. Cùng với đó, dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM với 10,5 triệu USD từ vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sĩ cũng được triển khai nhằm cải thiện hiệu quả giao thông công cộng dọc hành lang tuyến BRT...

Ý kiến của bạn

Bình luận