TP.HCM cấm xe máy vào trung tâm từ năm 2025

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Xã hội 01/03/2019 15:53

Theo đề án đến giai đoạn 2025 -2030 TP.HCM sẽ cấm mô tô, xe máy hai, ba bánh tại một số khu vực trung tâm Thành phố.

h1
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Ngày 1/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Đề án do Sở GTVT TP.HCM phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) tiến hành xây dựng, nhằm giải quyết bài toán khó khăn về giao thông đô thị tại TP.HCM, đặc biệt là phương tiện cơ giới cá nhân tăng mạnh trong khi VTHKCC chỉ mới đáp ứng hơn 8% so với nhu cầu đi lại của người dân.

Theo đề án, lộ trình thực hiện qua ba giai đoạn: Từ nay đến năm 2020; giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng mà đề án đưa ra là vào giai đoạn 2025 - 2030 tiến tới cấm mô tô, xe máy hai, ba bánh tại một số khu vực trung tâm ở các quận 1, 3, 5, 10... Khi hệ thống VTHKCC (xe buýt, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh) cũng như các dịch vụ đi kèm bảo đảm với cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống VTHKCC đạt dưới 500m.

Đề án này cũng đặt ra yêu cầu đến năm 2030, thị phần VTHKCC toàn thành phố phải đạt từ 29,3 đến 36,8% để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân. Đề án đã nêu ra nhiều nhóm giải pháp mang tính kinh tế để kiểm soát phương tiện cá nhân theo nguyên tắc kéo giảm lượng người sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy mạnh việc thu hút hành khách tham gia phương tiện công cộng.

Theo tính toán của đơn vị xây dựng đề án, dự kiến nguồn lực từ ngân sách thành phố dành ưu tiên cho phát triển VTHKCC bằng xe buýt là 9.783 tỷ đồng (giai đoạn 2019-2020), 18.896 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025) và 23.810 tỷ đồng (giai đoạn 2026-2030).

Tuy nhiên, đề án này cũng chỉ ra khó khăn khi triển khai các giải pháp kiểm soát xe máy là hiện tượng ùn tắc cục bộ sẽ xuất hiện tại các điểm trông giữ phương tiện tại khu vực bên ngoài vành đai hạn chế, điểm dừng, nhà chờ vận tải hành khách công cộng (xe buýt), nhà ga (đường sắt đô thị) do lượng hành khách sử dụng vận tải hành khách công cộng gia tăng. Ngoài ra, một bộ phận người dân bị ảnh hưởng quyền lợi sẽ không có sự chia sẻ, đồng thuận với giải pháp hạn chế xe máy.

Theo TS Đặng Hoài Trung, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, khi triển khai đồng bộ các giải pháp của đề án thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm dần, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội do ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,… Giảm sử dụng phương tiện cá nhân, tăng sử dụng vận tải hành khách công cộng còn tiết kiệm chi phí chung của xã hội về thời gian, nhiên liệu, giảm chi phí bảo dưỡng, duy tu hệ thống đường bộ đô thị do bị quá tải, xuống cấp.

h2
Theo đề án đến giai đoạn 2025 - 2030 TP.HCM sẽ cấm mô tô, xe máy hai, ba bánh tại một số khu vực trung tâm Thành phố.

Một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng giải pháp phát triển VTHKCC là giải pháp tiên quyết trước khi thành phố thực hiện cấm phương tiện cá nhân ở một số khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, thành phố cần cân nhắc giai đoạn 2025-2030 cấm xe máy vào một số quận trung tâm liệu có khả thi hay không khi hiện trạng cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng vẫn chưa đảm đương đủ nhu cầu đặt ra.

Phát biểu tại hội nghị PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TP.HCM nêu ý kiến: “Bên cạnh những giải pháp mang tính kinh tế và hành chính mà thành phố đề nghị thì việc quy hoạch không gian đô thị và phân bổ lại dân cư, kéo dãn dân ra bên ngoài trung tâm cũng hết sức quan trọng. Thành phố cần ra tạo ra ít nhất một đến hai Khu đô thị vệ tinh, vì hiện nay thành phố chỉ có một khu trung tâm 930 ha nên người dân tập trung vào đây đi làm, đi học gây ùn tắc giao thông”.

Hiện TP.HCM có khoảng 520 nghìn ô tô và khoảng 8 triệu xe máy (chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố). Hơn 90% người dân thành phố sử dụng phương tiện xe gắn máy để lưu thông.

Theo Sở GTVT TP.HCM hiện nay trên địa bàn Thành phố có 36 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, có thể phân thành 4 khu vực ùn tắc giao thông với các đặc điểm khác nhau: Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: 6 điểm; khu vực Cảng Cát Lái: 3 điểm; khu vực trung tâm và cửa ngõ: 14 điểm và các khu vực khác 13 điểm. Tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng về mức độ và xuất hiện nhiều dạng ùn tắc. Cụ thể: ùn tắc trong khu vực trung tâm và cửa ngõ do mật độ phương tiện vượt năng lực thiết kế của nhiều tuyến đường. ùn tắc tại các đầu mối vận tải (sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái…) do mật độ phương tiện lớn , hạ tầng giao thông còn hạn chế, tổ chức giao thông chưa hợp lý.

Ý kiến của bạn

Bình luận