TPHCM cấm ô tô theo giờ: Không phải thích là cấm

Ý kiến 21/11/2015 09:14

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng đề xuất cấm ô tô theo giờ của khu 1 là bất hợp lý và gây thiệt hại đến người dân.

tphcm-cam-o-to-theo-gio_197989
Tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng vào giờ cao điểm diễn ra thường xuyên ở TP HCM. 

Không phải thích là cấm

Việc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 kiến nghị Sở GTVT chấp thuận phương án điều chỉnh giao thông giao lộ Phổ Quang - Hoàng Minh Giám –Đào Duy Anh nhằm giảm ùn tắc giao thông theo phương án: Cấm xe ô tô (trừ xe bus) đi thẳng theo từ 6h -12h từ đường Phổ Quang vào đường Hoàng Minh Giám. Cấm ô tô từ đường Đào Duy Anh rẽ trái theo từ 6h -12h vào hẻm 134, hẻm 108, hẻm 54 đường Đào Duy Anh, ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM cho rằng cần phải xem xét thận trọng, cấm thế nào cho hợp lý, không để ảnh hưởng đến người dân.

“Giao lộ Phổ Quang - Hoàng Minh Giám - Đào Duy Anh đúng là điểm nóng về ùn tắc giao thông trong thành phố. Việc di chuyển qua những khu vực này là rất khó khăn. Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương cấm ô tô, taxi của thành phố nhưng nếu cấm từ 6h-12h thì hết sức vô lý.

Người dân chỉ tập trung đi lại vào những giờ cao điểm thôi, ngoài những khung giờ này thì việc giao thông trên đường rất thuận lợi. Vì thế tại sao phải cấm người dân đi ô tô từ sáng sớm đến giữa trưa?”, ông Quản đặt câu hỏi.

Theo chủ tịch Hiệp hội vận tải TPHCM, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tắc đường không hẳn là do ô tô mà chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng tại tuyến giao lộ trên quá yếu kém.

Ông Quản phân tích: “Đường vốn đã nhỏ, hẹp rồi mà còn bị người dân lấn chiếm phục vụ việc kinh doanh buôn bán. Trên vỉa hè cũng vậy. Xe máy, xe đạp dựng tràn lan với các quán hàng nước. Cơ sở hạ tầng yếu kém cộng thêm ý thức tự giác của người dân chưa cao nên làm sao tránh khỏi việc tắc đường”.

Từ thực tế trên, ông Quản cho rằng, Sở GTVT TPHCM phải tính toán thật kỹ phương án này, bởi lẽ nếu triển khai vội vàng thì người dân sẽ chính là người chịu thiệt hại.

“Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, việc cấm đường một hay hai giờ đã gây khó khăn cho doanh nghiệp rồi, đằng này lại đề xuất cấm cả nửa ngày. Khi đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ sẽ như thế nào? Không phải cứ không quản lý, giải quyết được là cấm. Cấm thế nào phải hợp lý, không gây bức xúc cho nhân dân”, ông Quản nêu quan điểm.

Người đứng đầu Hiệp hội vận tải TPHCM cũng mạnh dạn đưa ra một số giải pháp để chống ùn tắc giao thông. Theo ông Quản thì những việc này cần phải làm ngay và quyết liệt trong khi chờ một giải pháp lâu dài từ thành phố.

“Chúng ta có thể cấm xe ô tô nhưng chỉ cấm vào giờ cao điểm thôi, còn lại phải để cho doanh nghiệp, người dân tự do đi lại, thông thương, buôn bán. Với lòng đường nhỏ và hẹp như tuyến Phổ Quang - Hoàng Minh Giám –Đào Duy Anh, thay vì chỉ tập trung cấm ô tô, cơ quan nhà nước phải tính đến việc mở rộng lòng đường, dẹp bỏ những quán hàng dọc đường để trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè.

Ngoài ra, có một vấn đề bất cập còn tồn tại đó là xe bus thì quá lớn và cồng kềnh trong khi đường thì nhỏ. Thay vì đừng nhìn đường tắc, chúng ta nên phát triển những xe bus mini, khoảng 16-24 chỗ ngồi. Chi phí vận hành có thể hơi cao hơn, nhưng nếu tính đến cả lúc kẹt đường, giờ xe chạy rỗng, thì chưa biết loại xe nào kinh tế hơn”, ông Quản nhấn mạnh.

Dân thiệt hại ai chịu?

Trước đề xuất cấm ô tô trên tuyến giao lộ Phổ Quang - Hoàng Minh Giám - Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận), trao đổi với phóng viên Đất Việt đa số người dân TPHCM đều tỏ ra bất ngờ và không đồng tình với chủ trương này.

Anh Hồ Minh Đại một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn quận Tân Bình không tán thành với đề xuất của Khu quản lý giao thông đô thị số 1.

Anh lo lắng: “Chúng tôi thường xuyên có những giao dịch với khách hàng tại địa bàn quận Phú Nhuận. Đặc biệt liên tục phải đi qua tuyến giao lộ này để gặp gỡ, trao đổi thông tin kinh doanh. Giờ cấm ô tô từ 6h-12h như thế, chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Nếu có những phương án dự phòng thì cũng không được thuận tiện như ban đầu. Doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm thời gian chờ đợi, đi quãng đường xa và tốn kém hơn. Với những người làm ăn như chúng tôi thì thời gian là vàng bạc. Doanh nghiệp bị thiệt hại từ chủ trương của thành phố thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đây?”.

Ý kiến của bạn

Bình luận