Tổng liên đoàn xin lùi sửa Luật công đoàn

Chính trị 31/05/2018 10:08

Đại biểu ngành công đoàn đưa ra nhiều lý do để xin lùi thời gian sửa Luật công đoàn, tuy nhiên một số đại biểu cho rằng chưa thuyết phục.


 

BuiVanCuong-5405-1527686077
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Ảnh: QH

Sáng 30/5, thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho hay, để kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết và đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống, ít nhất 9 dự án luật cần hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung trong năm 2019, bao gồm Luật Công đoàn. Tuy nhiên, các đại biểu thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đều kiến nghị lùi việc sửa đổi luật này.

Thành lập tổ chức công đoàn mới ở cơ sở là "vấn đề nhạy cảm"

Nêu lý do xin lùi thời gian sửa đổi Luật Công đoàn, Trưởng ban quan hệ lao động ​Ngọ Duy Hiểu cho hay, sau 5 năm thực hiện, đến nay Luật Công đoàn không có vướng mắc, bất cập nào từ cơ sở đề xuất lên.

Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội cũng như công văn của Ủy ban Pháp luật gửi Tổng Liên đoàn đề xuất sửa đổi Luật nêu vấn đề cần tập trung là tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, hiện chỉ có hệ thống tổ chức 4 cấp của công đoàn được quy định tại điều 7 của Luật, còn các vấn đề xung quanh bộ máy, biên chế của công đoàn lại nằm trong văn bản của Đảng và điều lệ của tổ chức công đoàn.

Lý do khác được ông Hiểu đưa ra là Việt Nam tham gia CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) và trong các điều khoản cam kết có xác định, sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực thì điều khoản về lao động công đoàn có hiệu lực. Theo đó, ở cơ sở được thành lập tổ chức khác của người lao động, tức là sẽ có một tổ chức công đoàn mới.

"Đây là vấn đề mới, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, công đoàn cần phải có một khoảng thời gian để nghiên cứu", ông Hiểu nói.

Cũng nhắc đến Hiệp định CPTPP, Chủ tịch Liên đoàn lao động Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý phân tích, việc cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại cơ sở đã được đàm phán với thời gian là 5 năm để hoàn thiện các thiết chế, nghĩa là vào năm 2023 Việt Nam mới thực hiện các cam kết nêu trên. Đại biểu tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội xem xét cho lùi thời gian sửa đổi Luật Công đoàn vào năm 2021 và thông qua năm 2022.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, về nguyên tắc, sau khi các quốc gia thành viên phê chuẩn Hiệp định CPTPP, 3 năm sau phải cho phép lập tổ chức công đoàn ở cơ sở và 2 năm nữa cho "liên kết dọc, liên kết ngang".

Ông Cường nhận định, có thể có ba dạng thức của tổ chức công đoàn khác: Một là do người lao động tự lập ra; Hai là do người sử dụng lao động lập và thao túng; Ba là do tổ chức phản động lập...

"Nếu chúng ta sửa Luật bây giờ mà không nói vấn đề đó thì không được, bởi vì sẽ có người nêu câu hỏi sao không đề cập nội dung mà chúng ta đã phê chuẩn. Do đó, chúng tôi thấy cần thiết phải sửa Luật để bảo vệ người lao động khu vực ngoài nhà nước và đoàn viên khu vực ngoài nhà nước, nhưng thời điểm sửa thì chúng tôi xin lùi lại", ông Cường đề nghị.

Một lý do được ông Cường đưa ra là "hiện nay toàn bộ lực lượng, vật lực, nhân lực của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang tập trung cho việc chỉ đạo đại hội các địa phương, các ngành và chuẩn bị Đại hội XII công đoàn Việt Nam".

"Lý do bận tổ chức Đại hội chưa thuyết phục"

Nêu ý kiến việc về sửa đổi Luật Công đoàn, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang tăng lên rất nhanh, cơ cấu của người lao động ở khu vực này cũng lớn hơn nhiều so với cơ cấu người lao động trong khu vực quốc doanh hay là cơ cấu cán bộ công chức, viên chức. Trong khi đó, Luật Công đoàn đang nghiêng về bảo vệ người lao động trong quốc doanh chứ chưa tập trung bảo vệ ngoài khu vực quốc doanh.

"Cần sửa đổi Luật và hoạt động công đoàn phải làm sao sát thực tiễn, tránh hình thức hóa và không bám sát cơ sở", ông Chính nói.

Không đồng tình việc rút dự Luật Công đoàn, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng những phân tích về lý do xin lùi việc xây dựng luật của đại biểu Ngọ Duy Hiểu và Bùi Văn Cường chưa có sức thuyết phục.

"Chúng ta vẫn nói vì lợi ích của người dân, vậy thì, những bức xúc trong thực tiễn cần thiết phải đưa vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh", bà Minh nêu.

Đại biểu Ngô Trung Thành cũng cho rằng, trong lúc Quốc hội mong muốn, người lao động mong mỏi, Tổng liên đoàn lại nêu lý do bận tổ chức Đại hội là "chưa thuyết phục và chúng tôi không biết giải thích với cử tri như thế nào".

Theo chương trình kỳ họp, chiều 8/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Ý kiến của bạn

Bình luận