Tổng công ty Đường sắt kinh doanh ngoài ngành trái pháp luật

Doanh nhân 02/09/2016 05:32

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 20 Phan Bội Châu (Hà Nội) của Tổng công ty đường sắt VN là trái quy định.

Tổng công ty Đường sắt kinh doanh ngoài n
Lô đất vàng ở 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu do ĐSVN quản lý được cho là kém hiệu quả, gây lãng phí lớn. Ảnh: Báo Đầu Tư

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Theo đó, việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 20 Phan Bội Châu của ĐSVN là trái quy định.

Kết luận thanh tra nêu, thời điểm tháng 1/2013, ĐSVN đang quản lý sử dụng 2 thửa đất  ở 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu. Sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn vào tháng 10/2012, ĐSVN có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn.

Tháng 1/2013, ĐSVN báo cáo xin Bộ Giao thông chủ trương đầu tư và lựa chọn đối tác đầu tư là Công ty TNHH MTV Hà Thành. Bộ Giao thông thống nhất theo đề nghị và giao Hội đồng thành viên ĐSVN xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư.

ĐSVN sau đó không thực hiện theo chỉ đạo nêu trên của Bộ Giao thông nhưng vẫn ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty Hà Thành, thuê thẩm định giá (lợi thế, quyền thuê sử dụng đất và tài sản trên đất), đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Quá trình đàm phán góp vốn, Hội đồng thành viên ĐSVN đã quyết định giá trị vốn góp là 47 tỉ đồng thiếu cơ sở (Bộ Giao thông không nắm được), trong khi ĐSVN thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,4 tỉ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, 6 tháng cuối năm 2013 doanh nghiệp lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,5 tỉ đồng.

Cũng theo kết luận thanh tra, ĐSVN quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 2 diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu Thủ đô, có giá trị trên thị trường rất lớn. Về thực chất là ĐSVN kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác, do vậy phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch.

Tuy nhiên, cơ quan này đã thực hiện thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao. Trong khi đó, đối tác được lựa chọn chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.

Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, ĐSVN đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn, với lý do tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Việc chuyển giao này không thực hiện theo quy định về đấu thầu, đấu giá. Đến nay, dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai thì ĐSVN đã có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.

"Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn không qua đấu giá, đầu thầu”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Ý kiến của bạn

Bình luận