Tôn sư trọng đạo nét đẹp văn hóa ngàn đời

Tác giả: Vân Hải

saosaosaosaosao
Thế giới xe 29/11/2019 07:56

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Điều này cho thấy, nghề giáo là một nghề rất cao cả, luôn được xã hội kính trọng và yêu quý từ ngàn xưa đến nay. Xã hội ngày càng phát triển thì vai trò của người thầy càng được khẳng định. Kiến thức là một biển trời rộng lớn bao la, học sinh không thể tự nắm bắt chọn lọc. Khi đó, vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn, họ sẽ là người chỉ đường dẫn lối đưa học sinh đến gần hơn với kiến thức.

nha giao

Thầy, cô giáo là những người truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sống cho con người từ khi chập chững bước vào đời cho đến khi họ trưởng thành. Những kiến thức và kinh nghiệm đó có thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học tự nhiên, xã hội và cả những kiến thức để hình thành nhân cách con người, góp phần tạo dựng một xã hội tốt đẹp. Một người thầy có trách nhiệm là không chỉ dạy chữ mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu về học sinh bằng cả trái tim và lòng bao dung, biết đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển nội lực của học sinh.

Đội ngũ nhà giáo đã đóng góp to lớn vào công tác giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh thần tôn sư trọng đạo, nói một cách thiết thực hơn là hiếu học, trọng thầy của nhân dân ta luôn có những nét riêng biệt. Nhân dân, học sinh trọng thầy, biết ơn thầy vì gắn thành quả của thầy với thành quả của lao động: “Không thầy đố mày làm nên”. Có thể khẳng định rằng, trên thế giới này ít có một đất nước nào như Việt Nam mà hầu hết những con người có vai trò quan trọng trong lịch sử đều trải qua nghề thầy và có khá nhiều người thầy không có chức tước, học vị gì cao nhưng lại có công lớn dạy dỗ lớp lớp học trò thành người, đỗ đạt khoa vinh. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa người thầy với giáo dục và sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước là một quá trình thống nhất. Trong đó, người thầy giáo là chủ thể có vị trí cực kỳ quan trọng và rất vẻ vang. Người nói: “Nhiệm vụ của thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Bác xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người để xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng nếu trở thành một người thầy giáo tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang.

Trong xã hội ngày nay, nghề giáo vẫn là một nghề được xã hội tôn kính, trân trọng, vì thế mà câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn được mọi người ghi nhớ và nhắc nhở nhau. Thế nhưng, đâu đó trong cuộc sống này chúng ta không khỏi đau lòng khi nghe những câu chuyện về học trò đánh thầy, buông những lời xúc phạm đến thầy cô giáo, tuy không nhiều nhưng đã để lại một hình ảnh không đẹp trong xã hội. Nó như một cái “ung nhọt” cần phải loại bỏ để giữ gìn truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, để nghề giáo luôn giữ được vị trí và vai trò của mình trong đời sống xã hội.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy. Bác Hồ đã nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”. Người thầy giáo là hạt nhân của sự nghiệp giáo dục, mà giáo dục có mối liên hệ mật thiết với tất cả các lĩnh vực khác bởi nó là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề trong xã hội. Thấm nhuần quan điểm này, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý của giáo dục là phải tập trung thực hiện mục tiêu: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”.

Trong bất kỳ xã hội nào, bất kỳ giai đoạn phát triển nào, đội ngũ giáo viên đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì họ là những người trực tiếp làm công tác giáo dục - đào tạo thế hệ tương lai. Ở nước ta, trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước và dựng nước, nhân dân ta, Đảng và nhà nước ta luôn luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy. Đội ngũ giáo viên đã không quản khó khăn gian khổ, vượt qua mọi thiếu thốn có mặt trên khắp mọi miền đất nước, cống hiến toàn bộ tài năng cho sự nghiệp “trồng người”, góp phần vào sự nghiệp chung.

Ngày nay, trước xu thế đổi mới của thế giới - thời đại của khoa học  công nghệ hiện đại, đất nước Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới - một xã hội công nghiệp, hiện đại, văn minh thì vai trò của người giáo viên đã có sự thay đổi cơ bản. Có như vậy, ta mới giữ gìn và phát huy, làm cho nghề giáo ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng với những gì mà xã hội đã dành tặng cho nghề giáo như câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” - đó là nét đẹp văn hóa ngàn đời nay của một dân tộc tôn sư trọng đạo

Ý kiến của bạn

Bình luận