Tối ưu hóa ATGT trên ĐTNĐ bằng ứng dụng tổng thể nhiều công nghệ

10/10/2019 06:49

Thời gian qua, việc áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) mới và các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) do Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam triển khai đã đạt hiệu quả bước đầu. Cụ thể là công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực ĐTNĐ được tăng cường, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành GTVT.

 

cfcd8cad70ec99b2c0fd
Tối ưu hóa ATGT trên ĐTNĐ bằng ứng dụng tổng thể nhiều công nghệ.

Trong bối cảnh đất nước đang trên đà phát triển thì việc triển khai các ứng dụng KHCN đã từng bước được đưa vào lao động, sản xuất và kinh doanh. Những năm qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã ưu tiên phát triển CNTT trong quản lý, điều hành, đảm bảo ATGT ĐTNĐ và coi đây là giải pháp đột phá trong công tác quản lý chuyên ngành.

Với sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo ATGT, TNGT trên ĐTNĐ liên tục được kéo giảm trong những năm qua. Trong 8 tháng đầu năm 2019, TNGT tiếp tục được kéo giảm mạnh mẽ khi giảm tới 26,93% số vụ, giảm 34,48% người chết, tuy còn tăng 75% số người bị thương so với cùng kỳ 2018.

An toàn hơn nhờ tự động hóa

Một trong những đột phá lớn của ngành ĐTNĐ giúp hạ tầng giao thông thủy an toàn hơn cho phương tiện trong thời gian qua là hệ thống đo mực nước tự động đã làm cho việc cung cấp thông tin về mực nước trở nên chính xác và kịp thời.

Trước đây, mỗi trạm đo mực nước phải bố trí 3 ca trực, cán bộ xuống tận nơi ghi chép về mực nước vào sổ sách, dẫn tới việc thông tin về mực nước luôn bị cũ và thiếu phù hợp với thực tế. Công nghệ đo mực nước mới đã thực sự chuyển hóa toàn bộ nghiệp vụ này. Dự kiến từ nay đến 2020, sẽ tự động hóa toàn bộ hệ thống đo mực nước, cung cấp thông tin trực tuyến kịp thời và chính xác cho người dân và doanh nghiệp. Thông tin được cập nhật đầy đủ trên hệ thống phần mềm như vị trí, mực nước cao nhất, thấp nhất.

Hệ thống đèn báo hiệu năng lượng mặt trời lắp đặt GPS cũng giúp công tác quản lý, giám sát trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả rất cao. Hiện nay, toàn bộ hệ thống hơn 18 nghìn phao, báo hiệu đã được “số hóa” trên phần mềm. Đèn báo hiệu trên phao có gắn hệ thống giám sát tình trạng hoạt động và cảnh báo dời vị trí, cảnh báo về các tính năng hỗ trợ cảnh báo giao thông. Khi có bất kỳ hiện tượng bất thường nào, hệ thống sẽ tự động báo về Cục để xử lý.

Với phạm vi quản lý lên tới gần 7.000km đường thủy, việc theo dõi, giám sát theo phương thức truyền thống đối với các hoạt động trong hệ thống kết cấu hạ tầng thực sự rất khó khăn. Nhưng nay có thể kiểm tra ở bất cứ đâu bằng máy tính, thậm chí là sử dụng điện thoại di động cũng có thể đăng nhập vào hệ thống theo dõi.

CNTT hiện đại hóa công tác trong quản lý vận tải và ATGT

Cục đã triển khai nhiều nghiên cứu về các chế độ luồng lạch, thuỷ văn, thuỷ triều và các quy phạm kỹ thuật. Đã có một số nghiên cứu kỹ thuật chỉnh trị, khai thác sông, ứng dụng vào việc xây dựng kè trên đoạn sông khu vực Hà Nội, sông Đuống, sông Luộc và chống sa bồi cho cảng Hà Nội; xây dựng thủy đồ điện tử cho 3 tuyến sông gồm: Sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ, dự kiến sẽ triển khai tiếp các tuyến sông phía Bắc như sông Hồng, sông Kinh Thầy.

Qua đó, các thông tin về luồng, tuyến, tọa độ và các chi tiết liên quan đến an toàn chạy tàu như độ sâu; vị trí phao tiêu, báo hiệu; công trình vượt sông; các điểm khan cạn, vật chướng ngại... sẽ được thể hiện trên thủy đồ điện tử với các thông số được cập nhật số một cách thường xuyên và chính xác. Đặc biệt, việc kết hợp bản đồ điện tử với những thiết bị định vị GPS, AIS mang lại nhiều tiện ích, nhất là tăng cường ATGT ĐTNĐ.

Cùng với ứng dụng định vị GPS, lĩnh vực ĐTNĐ còn đang có hệ thống camera trực tuyến tại 50 vị trí điều tiết nhằm đảm bảo giao thông, đếm lượt phương tiện tại các vị trí trọng điểm; lắp đặt trên các phương tiện triển khai hoạt động nạo vét đảm bảo giao thông luồng lạch; 55 trạm thu tín hiệu AIS, thu tín hiệu về phương tiện và hành trình, phục vụ công tác quản lý chuyên ngành; áp dụng thiết bị cảnh báo an toàn cho phương tiện khi lưu thông qua cầu; triển khai phần mềm quản lý bảo trì ĐTNĐ trên điện thoại di động…

Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ và vật liệu mới điển hình như: Chế thử và ứng dụng chất dẻo HDPE, composite vào sản xuất báo hiệu (Thí điểm 174 phao nhựa PE (đạt 5,4%); 2.207 báo hiệu bờ và báo hiệu cầu sử dụng công nghệ mạ kẽm nhúng nóng, đồng thời sơn phản quang báo biển báo hiệu (đạt 15,3%), trong đóng tàu kiểm tra, tàu công tác bằng nhựa PVE.

Từ năm 2012 đến nay, ĐTNĐ đã triển khai phần mềm quản lý đăng ký phương tiện thủy nội địa, quản lý bằng, chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa. Hiện nay, trên hệ thống có hơn 116.000 thông tin về bằng chứng chỉ chuyên môn, hơn 150.000 thông tin về đăng ký phương tiện phục vụ công tác quản lý và tra cứu trên cổng thông tin điện tử Cục ĐTNĐ Việt Nam. Năm 2017, Cục đã xây dựng phần mềm thi bằng, cấp, chứng chỉ người lái phương tiện, góp phần tự động hóa việc thi cử tại các trường nghiệp vụ thuộc Cục.

Hệ thống báo cáo trực tuyến hoạt động vận tải và ATGT: Phần mềm báo cáo trực tuyến hoạt động vận tải và ATGT để thống kê số liệu về ATGT, số liệu vận tải, lưu lượng hành khách và phương tiện… được thực hiện qua trang web online, dữ liệu báo cáo được lưu trữ tập trung tại Cục ĐTNĐ Việt Nam, giúp cho việc thống kê dữ liệu được thực hiện tức thời mọi lúc mọi nơi. Qua đó, giúp cho nhà quản lý đưa ra những phương án chính xác đảm bảo giao thông và lên kế hoạch giảm thiểu tai nạn, tuyên truyền ATGT.

Triển khai hệ thống giám sát, tổ chức điều hành giao thông trực tuyến: Từ năm 2017, Cục ĐTNĐ đã xây dựng hệ thống giám sát, tổ chức giao thông trực tuyến tại Cục và các đơn vị trực thuộc, giám sát 24/24h các diễn biến luồng lạch, mực nước, hoạt động vận tải, quản lý phương tiện, hoạt động cảng, bến thủy, hoạt động nạo vét.

Phần mềm quản lý vi phạm VIWA Alert trên điện thoại di động cung cấp miễn phí để người dân dễ dàng phản ánh bất cập và hành vi vi phạm xảy ra trên luồng tuyến, cảng bến. Trung bình mỗi ngày có hơn 10 hình ảnh do người dân gửi đến, được Cục ĐTNĐVN tiếp nhận, tự động phân cấp xử lý (theo tọa độ, địa bàn của bức ảnh).

Tiếp cận và làm chủ công nghệ

Mặc dù, những công nghệ mới được áp dụng đã giúp thay đổi diện mạo ngành ĐTNĐ, nhưng thực tế để thực sự phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT trong lĩnh vực đường thủy nội địa, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, chú trọng hợp tác với các quốc gia phát triển giao thông thủy để khai thác tiềm năng to lớn mà nó có thể đem lại.

Trước những thách thức thời đại công nghiệp 4.0, ngành ĐTNĐVN sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, nâng cấp các phần mềm hiện có nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu quản lý ngành, cũng như hỗ trợ việc hội nhập: Phần mềm đo mực nước, phần mềm đếm phương tiện, hệ thống AIS, GPS, phần mềm quản lý đăng ký phương tiện thủy nội địa, quản lý bằng cấp, chứng chỉ người lái phương tiện thủy nội địa, phần mềm quản lý hạ tầng, phần mềm dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý nghiệp vụ cảng vụ & hệ thống nhắn tin SMS vào rời cảng bến thủy nội địa…

Tăng cường và mở rộng hợp tác phát triển KHCN với những lĩnh vực mà các đối tác quốc tế (Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ…) có thế mạnh như: Hệ thống thiết bị mô phỏng, công nghệ đo sâu, giao thông thông minh, chỉnh trị sông, giao thông kết nối, logistics, công nghệ nạo vét thân thiện với môi trường...

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực hoạt động của ngành. Hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, đảm bảo ATGT đường thủy nội địa bằng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chương trình thực hiện thanh toán điện tử trực tuyến, quản lý vận tải hàng hóa giữa các đơn vị, thông qua môi trường mạng internet, để việc ứng dụng CNTT được rộng khắp trong toàn ngành.

Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp mở sàn giao dịch vận tải thủy, nhằm kết nối các doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển của đường thủy theo xu hướng hiện đại của thời đại công nghệ.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận