Tổ chức, quản lý ATGT và hạn chế giao thông trên các tuyến cao tốc

Tác giả: trần kim

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 02/05/2016 09:01

Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km. Điều này đặt ra cho chúng ta nhiều khó khăn, thách thức cũng như về cơ chế, chính sách và các giải pháp thực hiện.


caotocgieninhbinh
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Binh

Nhiều khó khăn thách thức

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc, Tổng cục ĐBVN cho biết, Chính phủ Việt Nam đặt ra tham vọng và quyết tâm lớn cho phát triển đường bộ cao tốc, tiến trình đầu tư đến năm 2020 với tổng chiều dài 2.703km, đến năm 2030 tăng thêm 2.699km và sau năm 2030 tăng thêm 1.009km, nâng tổng chiều dài toàn tuyến đường bộ cao tốc đến 6.411km, tập trung chủ yếu vào các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (24 đoạn tuyến), tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (25 đoạn tuyến), đoạn Đoan Hùng - Hòa Lạc - Khe Cò (12 đoạn tuyến), khu vực phía Bắc (18 đoạn tuyến), khu vực miền Trung - Tây Nguyên (3 đoạn  tuyến), khu vực phía Nam (8 đoạn tuyến), hệ thống đường vành đai TP. Hà Nội (3 đoạn tuyến), hệ thống đường vành đai TP. Hồ Chí Minh (2 đoạn tuyến). Tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 460.000 tỉ đồng.

Từ năm 2008 đến nay, các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác đang sử dụng rất hiệu quả, nguồn vốn chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, BOT và các nguồn vốn khác, đã đưa 745km vào khai thác, sử dụng hiệu quả,  góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, về mặt quản lý vận hành, hạn chế giao thông và bảo trì đường cao tốc đang đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức, cần học hỏi kinh nghiệm về quản lý đường bộ cao tốc từ các nước có hệ thống đường cao tốc phát triển.

Một số tuyến cao tốc đang được đầu tư xây dựng với chiều dài 477km nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, BT, BOT và từ các nguồn khác.

Cũng theo ông Vũ Anh Tuấn, đối tượng tham gia giao thông trên đường cao tốc, theo yêu cầu thiết kế đường ô tô cao tốc theo quy định tại TCVN 5729 - 2012: “Loại xe cho chạy trên đường cao tốc là tất cả các loại ô tô cho phép chạy trên mạng lưới công cộng”. Trên thực tế, tại các lối vào đường cao tốc luôn có các biển báo thông tin các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên, trên một số tuyến còn có hiện tượng xe khách dừng, đón trả khách, người dân chờ bắt xe khách hay buôn bán trên đường cao tốc. Do đó, cần đầu tư đầy đủ hệ thống dịch vụ, đường gom dân sinh.

Năm 2014, trên các tuyến cao tốc xảy ra 231 vụ TNGT, làm 30 người chết, 59 người bị thương; thì năm 2015 xảy ra 408 vụ, làm chết 37 người, bị thương 185 người. Nguyên nhân chủ yếu do lỗi của lái xe (chiếm 75% số vụ TNGT xảy ra  trên tuyến với các lỗi chủ yếu như: Không giữ khoảng cách an toàn với xe trước, ngủ gật, chuyển làn không đảm bảo điều kiện, đi vào làn dừng khẩn cấp và đâm vào xe đang dừng đỗ… Riêng đối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các vụ TNGT có thương vong về người chủ yếu do người dân đi xe máy, đi bộ lên đường cao tốc, lái xe ngủ quên, mất lái, dừng, đón trả khách sai quy định, tranh giành khách…

Số lượng các tuyến cao tốc đã thực hiện thẩm tra ATGT còn ít, tiêu chuẩn quản lý khai thác đường cao tốc và tiêu chuẩn bảo trì đường cao tốc hiện đang trong quá trình xây dựng. Do vậy, công tác bảo trì hiện nay đang vận dụng các tiêu chuẩn cơ sở của đường bộ và tham khảo các sổ tay vận hành, quản lý bảo trì - sản phẩm của các dự án hỗ trợ kỹ thuật vốn ODA. Mặt khác, kỹ thuật bảo trì đường cao tốc của Việt Nam hiện còn lạc hậu, gây lãng phí. Việc ứng dụng các tiến bộ KHCN mới dừng lại ở khâu thử nghiệm. Hình thức lựa chọn nhà thầu O&M như đấu thầu, đặt hàng, tự thực hiện.

 Tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm

Tại Hội thảo thường niên Việt Nam - Nhật Bản về đường bộ cao tốc lần thứ 9, đại diện phía Nhật Bản - ông Hideyasu Uno, Trưởng Văn phòng đại diện Việt Nam Công ty NEXCO - Central đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác quản lý, hạn chế giao thông trên đường cao tốc. Theo ông Hideyasu Uno, hạn chế giao thông có vai trò hết sức quan trọng, đó là một biện pháp hành chính để thực hiện cấm hay hạn chế việc lưu thông trên đường của người tham gia giao thông. Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo ATGT, đơn vị quản lý giao thông (cảnh sát) có thể thực hiện việc hạn chế giao thông theo các quy định như Luật Giao thông đường bộ. Trong trường hợp tuyến đường không đảm bảo tính năng, đơn vị quản lý đường bộ có thể thực hiện hạn chế giao thông theo các quy định như Luật Giao thông đường bộ. Đơn vị quản lý giao thông và đơn vị quản lý đường có các căn cứ pháp lý cần tuân thủ khác nhau, nhưng khi thực hiện hạn chế giao thông thì giữa hai đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ, cùng trao đổi để đảm bảo vận hành giao thông thông suốt.

Để có thể đảm bảo giao thông thông suốt cho các phương tiện lưu thông, an toàn cho các bên liên quan làm công tác trên đường, hiệu suất làm việc nhất định, nên áp dụng các biện pháp như bố trí nhân viên điều khiển giao thông trên đường cao tốc, che chắn các vị trí công tác bằng các phương tiện, dụng cụ rào chắn, cọc tiêu giao thông… Trường hợp thực hiện hạn chế giao thông, cần phải hết sức lưu ý đến tình trạng con đường và tình trạng giao thông, thực hiện lắp đặt cũng như dỡ bỏ các biển báo hạn chế, biển cảnh báo và các phương tiện, dụng cụ để hạn chế giao thông một cách an toàn và hiệu quả tại các vị trí như: Hạn chế làn dừng khẩn cấp, hạn chế làn xe chạy, hạn chế giải phân cách giữa, lưu thông hỗn hợp, lưu thông hai chiều và hạn chế di động.

Điểm cần lưu ý khi hạn chế giao thông trên đường cao tốc là rút ngắn thời gian cấm đường, hạn chế làn xe vì đường cao tốc đóng vai trò quan trọng là tuyến vận tải hàng hóa và tuyến vận tải khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm họa, do đó cần phải được đảm bảo giao thông thông suốt hàng ngày. Việc rút ngắn hết mức thời gian cấm đường hay cấm làn xe là rất quan trọng, cần phải nỗ lực giảm nhẹ các tổn hại đến lợi ích của khách hàng gây ra do UTGT và quan tâm đến sự an toàn, đồng thời để tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu suất công tác quản lý bảo trì thì cần xây dựng trước kế hoạch hạn chế giao thông và công tác trên một cách chi tiết, cụ thể…

Về việc thực hiện hạn chế giao thông trên đường cao tốc, thực hiện hạn chế tốc độ, khi xảy ra hiện tượng thời tiết bất thường như động đất, theo Luật Giao thông đường bộ, đơn vị quản lý giao thông (cảnh sát) sẽ thực hiện hạn chế tốc độ như một phần của các biện pháp cần thiết để đảm bảo ATGT. Phương pháp thực hiện hạn chế tốc độ, việc hạn chế tốc độ thường được thực hiện thành hai bước tùy theo tình hình của tuyến đường cao tốc mục tiêu.

Chia sẻ về Dự án bảo trì đường bộ, ông Matsuno Yoshiaki, Chuyên gia JICA cho biết, giữa JICA và Tổng cục ĐBVN có chính sách thực hiện hợp tác để xây dựng các kết quả đầu ra và thông qua dự án để chuyển giao công nghệ. Hoạt động của dự án khảo sát tình trạng mặt đường trong phạm vi quản lý của các cục quản lý đường bộ trên toàn quốc, sử dụng xe khảo sát tình trạng mặt đường để đo đạc các vết nứt, hằn lún bánh xe, IRI…, thông qua các khảo sát chuyển giao công nghệ thu thập dữ liệu, đầu vào cơ sở dữ liệu, qua đó phát triển hệ thống vận hành trên nền Web có thể xem kết quả khảo sát tình trạng mặt đường trên Web. Đơn vị quản lý đường bộ có thể nắm được tình trạng mặt đường trong phạm vi quản lý của các cục quản lý đường bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận