Tình hình nhân lực ngành đóng tàu sau tái cơ cấu

06/06/2018 09:22

Đóng tàu đã trải qua quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ trong toàn ngành.


ThS. HOÀNG THỊ THÚY PHƯƠNG Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

TÓM TẮT: Đóng tàu đã trải qua quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ trong toàn ngành. Sau tái cơ cấu, nhân lực trong các doanh nghiệp đóng tàu bị cắt giảm lên tới hơn 14000 người và hầu hết các chỉ tiêu về kết quả sản xuất kinh đều chưa theo sát được đề án tái cơ cấu. Trên cơ sở điều tra, khảo sát thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp đóng tàu và các chuyên gia trong ngành đóng tàu, bài báo cho thấy việc xác định nguyên nhân khiến ngành đóng tàu hiện nay khó có thể phát triển được không những rất cần thiết mà còn là cơ sở cho các giải pháp phát triển nhân lực, góp phần vực dậy ngành đóng tàu.

TỪ KHÓA: Nhân lực, ngành đóng tàu, tái cơ cấu.

ABSTRACT: Shipbulding industry has been undergone a strong restruction period. After the restruction, the number of workforce in shipbulding organizatons declined remarkably by 14000 and almost norms of operating result did not match the aim of the restruction project. According to surveies collecting feedbacks from shipsulding companies and shipbulding specialists, this article aims to show that it is essential to point out reasons why shipbulding industry is struggling to develop. It is the key to propose solutions and recommendations targeting on developing shipbulding labour, therefore, regenerating the entire shipbulding industry.

KEYWORDS: Human resources, shipbuilding, restructuring.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tài nguyên nhân lực đang dần chứng tỏ vai trò của nó trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đóng tàu vừa trải qua một cuộc khủng hoảng nặng nề buộc Nhà nước phải tái cơ cấu toàn ngành. Sau tái cơ cấu, bước đầu các doanh nghiệp đóng tàu đã có những chuyển biến đáng kể như đã có đơn hàng, doanh thu, sản lượng… Giá trị sản xuất ước đạt 4.312 tỉ đồng, doanh thu và thu nhập khác ước đạt 5.731 tỉ đồng, trong đó đóng tàu đạt 3195 tỉ đồng. Tổng số lao động có việc làm là 13900 người, nợ lương ước khoảng 93 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến nay ( 2013 - 2017) chỉ tiêu doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu lãi lỗ đều chưa theo sát được đề án tái cơ cấu.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng hiện nay của ngành đóng tàu, bài viết chỉ ra những nguyên nhân khiến ngành đóng tàu không theo sát được đề án tái cơ cấu, từ đó chỉ ra những khó khăn mà nhân lực ngành đóng tàu cần đối mặt, từ đó có giải pháp cho nhân lực của ngành.

2. THỰC TRẠNG NHÂN LỰC NGÀNH ĐÓNG TÀU

Để có đánh giá khách quan, chính xác về nhân lực ngành đóng tàu, theo tìm hiểu và nghiên cứu của tác giả, tính đến ngày 31/12/2017, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) còn hơn 13900 lao động, giảm hơn 14500 người so với thời điểm trước tái cơ cấu. Thu nhập bình quân toàn tổng công ty qua các năm như sau:

TT

Năm

Số lao động cắt giảm

Tổng số lao động

Thu nhập bình quân (triệu đồng/người/tháng

 1

2013

5500

30800

3.9

 2

2014

7900

25600

4.0

 3

2015

3599

18300

4.9

 4

2016

1300

16400

6.0

 5

2017

1670

14800

6.4

Được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành năm 2012, 2013 và 6 tháng năm 2014, chế độ chính sách đối với người lao động SBIC được giải quyết theo cơ chế văn bản số 62/TTg-KTTH ngày 02/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 624/VPCP-KTTH ngày 14/4/2014 của Văn phòng Chính phủ, kết quả như sau:

- Cơ chế tiền lương năm 2010 - 2013: Được quyết toán quỹ tiền lương thực hiện theo số thực chi cho người lao động (văn bản 1184/LĐTBXH-LĐTL ngày 19/4/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, văn bản số 1302/VPCP-KTTH ngày 22/7/2014 của Văn phòng Chính phủ). Bảo lưu lương đối với viên chức quản lý doanh nghiệp khi SBIC điều động giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp xếp hạng thấp hơn từ năm 2010 đến hết năm 2013.

- Cơ chế bảo lưu hạng doanh nghiệp đối với 8 đơn vị giữ lại được bảo lưu hạng đến hết 2018, các đơn vị không được giữ lại được bảo lưu hạng đến khi hoàn thành tái cơ cấu.

- Khoản vay theo Quyết định 87/2010/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 số tiền 324 tỷ đồng của 52 đơn vị thuộc VINASHIN, VINALINE, trong đó vay trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và 152 tỷ đồng; trả nợ lương, nợ trợ cấp thôi việc là 172 tỷ đồng đã được vay từ quỹ hỗ trợ xắp xếp và phát triển doanh nghiệp để trả nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Thông qua việc thực hiện Quyết định 87/2010/QT-TTg ngày 24/12/2010, các doanh nghiệp đã giải quyết dứt điểm nợ lương đối với người lao động từ ngày 31/12/2011 trở về trước và cắt giảm một lượng lao động lớn đối với doanh nghiệp.

- Trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho 7550 lao động cắt giảm trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 (theo đề án tái cơ cấu lao động) với số tiền 140 tỷ đồng. Trong đó, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương hỗ trợ 110 tỷ đồng, quỹ sắp xếp doanh nghiệp tại SBIC chi trả hơn 29 tỷ đồng.

- Sử dụng nguồn tiền lãi từ số tiền gửi của số vốn sản xuất kinh doanh được Chính phủ hỗ trợ để trả tiền lương, trợ cấp đang còn nợ người lao động và nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phát sinh trong năm 2013, trong đó:

+ Giải quyết trả nợ lương năm 2012 và 2013 số tiền là 50 tỷ/15 đơn vị chi trả cho hơn 7000 lượt người;

+ Giải quyết cho vay nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phát sinh trong năm 2013 với số tiền 65 tỷ đồng/37 đơn vị.

- Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp:

+ Cơ chế đóng riêng lẻ cho từng người lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

+ Khoanh nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 2013 từ năm 2012 trở về trước để giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Số tiền khoanh nợ là 220 tỷ đồng/42 công ty TNHH MTV. Đến nay đã có 3 đơn vị thanh toán hết và 01 đơn vị đã thanh toán được một phần khoanh nợ với số tiền là 31 tỷ đồng, số tiền khoanh nợ bảo hiểm xã hội đã giảm còn 192 tỷ đồng.

- Năng lực quản trị của doanh nghiệp bắt đầu được tăng cường, hiệu quả thông qua kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Một số đơn vị sau tái cơ cấu, chuyển nhượng, sát nhập, cổ phần hóa từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

- Về rà soát các quy định pháp luật hiện hành và các nghị quyết, quyết định, các văn bản có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành trong quá trình tái cơ cấu SBIC.

Qua việc rà soát các nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành tại Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 26/7/2013 của Chính phủ về việc tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, dưới góc độ pháp lý, theo báo cáo của Bộ Tư pháp về một số nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu trên, về cơ bản vẫn đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể về tái cơ cấu lao động như sau:

* Đối với công ty TNHH MTV do SBIC làm chủ sở hữu:

Về tiền lương: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1302/VPCP-KHTH ngày 27/4/2014 thì từ năm 2014 trở đi, các công ty TNHH MTV do SBIC làm chủ sở hữu, thực hiện cơ chế tiền lương theo quy định hiện hành của Chính phủ. Tuy nhiên, theo thực tế của năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp đã trả lương theo định mức và các đơn giá tiền lương như các năm trước và theo mặt bằng tiền lương trên thị trường của từng nơi, nếu theo Nghị định số 50/2013/NĐ-CP và Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ trong điều kiện công ty kinh doanh không có lãi thì quỹ lương được quyết toán thấp hơn quỹ lương thực trả của các doanh nghiệp. Vì vậy, từ năm 2014 đến năm 2017, quỹ tiền lương của các doanh nghiệp thuộc SBIC vẫn chưa được quyết toán và trong năm 2018 các doanh nghiệp vẫn chưa biết thực hiện cơ chế tiền lương như thế nào trong điều kiện kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Về nợ chính sách đối với người lao động: Theo báo cáo của SBIC, nợ lương và trợ cấp thôi việc, tính đến năm 2017 là trên 37 tỷ đồng, trong đó nợ lương là 34 tỷ và nợ trợ cấp thôi việc hơn 3 tỷ.

Về nợ bảo hiểm xã hội: Chưa bao gồm hơn 189 tỷ khoanh nợ từ bảo hiểm xã hội năm 2012 trở về trước và tiền lãi thì tính đến năm 2017 nợ bảo hiểm xã hội là 45 tỷ. Do nợ bảo hiểm xã hội nên không chốt được sổ bảo hiểm và giải quyết các chế độ đối với người lao động.

Về nguồn kinh phí tiếp tục thực hiện cắt giảm người lao động: Trong quá trình tiếp tục thực hiện giải thể, phá sản doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp theo các hình thức khác, một số công việc sẽ hoàn thành tiến độ theo lộ trình thực hiện tái cơ cấu, do đó sẽ không có nhu cầu sử dụng lao động tại một số bộ phận. Vì vậy, để tránh phát sinh các chi phí về tiền lương, bảo hiểm xã hội, lực lượng lao động không có nhu cầu sử dụng theo tiến độ hoàn thành từng bước của lộ trình tái cơ cấu phải cắt giảm ngay. Tuy nhiên, các đơn vị này không có nguồn để chi trả mất việc làm, trợ cấp thôi việc.

Về nguồn kinh phí tiếp tục thực hiện cắt giảm người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của SBIC tại các công ty cổ phần: Cùng với việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, SBIC đã cố gắng bố trí, sắp xếp việc làm khác cho các chức danh quản lý. Tuy nhiên, SBIC không thể bố trí hết buộc phải cắt giảm đối với một số cán bộ. Theo báo cáo của SBIC, tính đến thời điểm 4/2017, có 132 cán bộ quản lý (Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của SBIC) tại 66 doanh nghiệp phải cho nghỉ việc theo lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, SBIC không có nguồn để giải quyết.

* Đối với các công ty cổ phần:

Từ trước đến nay, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp này, một số doanh nghiệp đang hoạt động vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo tổng hợp báo cáo của SBIC từ 68 công ty cổ phần thì có 29 công ty còn nợ người lao động số tiền trên 128 tỷ, trong đó nợ lương là 46 tỷ, nợ trợ cấp thôi việc, mất việc 4 tỷ, nợ bảo hiểm xã hội 78 tỷ. Số nợ này của nhiều năm từ 2008 đến nay chưa giải quyết được, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động.

3. NGUYÊN NHÂN

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 6/6/2013 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 90/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, bên cạnh những mặt đã làm được còn rất nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, có những vấn đề lớn có vướng mắc như công tác tái cơ cấu tài chính, công tác tái cơ cấu tổ chức, sản xuất kinh doanh không đạt được như mục tiêu đề ra trong đề án. Những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả trên đó là:

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Giai đoạn từ giữa năm 2013 đến nay, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Tổng công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức, thị trường vận tải biển thế giới vẫn chưa hồi phục, tiếp tục suy giảm sâu. Chỉ số BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic) trước năm 2017 rất cao, có thời điểm lên đến gần 13000 điểm, thể hiện nhu cầu vận tải biển, đóng tàu ngành Hàng hải ở mức cao. Tuy nhiên sau năm 2008, chỉ số này suy giảm rất sâu, có thời điểm xuống dưới 300 điểm, tác động tiêu cực đến ngành đóng tàu. Các đơn vị của SBIC khó tiếp cận với các đơn hàng đóng mới tàu thương mại; uy tín, thương hiệu chưa hồi phục, tài chính khó khăn nên hầu hết các đơn vị trong tổng công ty đều gặp rất nhiều khó khăn trong công tác sản xuất và huy động nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Các nhà máy đóng tàu là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sau sự suy giảm nhẹ năm 2014 và năm 2015, năm 2016 đã thiết lập kỉ lục cho các hợp đồng đóng mới thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2016, số lượng đơn đặt hàng đóng mới tại hai cường quốc đóng tàu lớn nhất thế giới là Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm 86.7% và 86.5%, còn Trung Quốc giảm 49% (tính theo CGT) so với cùng kì năm trước.

Năm 2016, ngoài việc hàng loạt các hãng tàu biển trên thế giới phá sản, giải thể đã khiến cho thị trường công nghiệp đóng tàu trên toàn thế giới tiếp tục ảm đạm với cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài. Thị trường đóng tàu Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã ngừng hoạt động, điều này ảnh hưởng đến việc đầu tư đóng mới của các chủ tàu. Một số khách hàng tiềm lực lớn có quan hệ lâu năm với Tổng công ty hiện nay cũng rất khó khăn phải dừng hoặc cắt giảm các dự án đã ký kết.

Bên cạnh đó, đối với các nhóm khách hàng tư nhân gặp khó khăn về nguồn vốn, giá cước vận tải thấp, nhiều chủ tàu không muốn đầu tư đóng mới các phương tiện vận tải. Đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách, do việc cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, nhiều dự án đóng mới tàu đã giãn tiến độ theo kế hoạch nguồn vốn bố trí ngân sách của Nhà nước. Thị trường chứng khoán và thị trường mua, bán doanh nghiệp trong thời gian qua chưa phát triển đã ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Các vụ việc thi hành án liên quan đến SBIC đều có tính chất phức tạp, khó thi hành tập trung nhiều nhất ở địa bàn TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; quá trình thi hành án kéo dài. Cơ quan thi hành án không thể xác minh được thêm nguồn tài sản hoặc nguồn thu nhập khác do người phải thi hành án tìm mọi cách tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

Quá trình tái cơ cấu tài chính kéo dài không đạt được mục tiêu đề ra của Đề án do các bộ, ngành không thống nhất phương án xử lý (do Bộ Tài chính chủ trì) dẫn đến tái cơ cấu giai đoạn 1 và đợt 1 giai đoạn 2, đợt 2 giai đoạn 2 kéo dài đã ảnh hưởng đến kết quả tái cơ cấu tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Ngoài ra, việc tái cơ cấu tài chính có nhiều khác biệt với đề án đã được phê duyệt, do vậy chi phí tài chính tiếp tục tăng, các doanh nghiệp không có khả năng tích lũy, trả nợ khi đến hạn. Cụ thể:

Nguồn thu từ chuyển nhượng đất theo dự kến là 10100 tỷ đồng, thực tế số thu hồi đến nay gần như bằng không. Trong vấn đề này có nguyên nhân của Tổng công ty thiếu rà soát tình trạng giấy tờ sở hữu đất nên khi triển khai, chuyển nhượng, thanh lý tài sản trên đất theo Quy định của Luật Đất đai năm 2013, các diện tích đất thuê không được phép chuyển nhượng, đa phần các diện tích đất SBIC và các đơn vị trực thuộc đang sử dụng đều là đất thuê. Theo đó, khi triển khai tái cơ cấu các đơn vị, SBIC không thu được giá trị từ các loại đất này. Ngoài ra, một số đơn vị đã chuyển giao sang các đơn vị khác ngoài SBIC, bàn giao về địa phương quản lý… SBIC cũng không thu được giá trị từ quyền sử dụng đất.

Thu tái cơ cấu doanh nghiệp: Theo Đề án, thu tái cơ cấu doanh nghiệp là trên 26000 tỷ đồng, thực tế thu và dự kiến thu là 8500 tỷ. Theo Đề án, Tổng công ty dự kiến thu nhóm 70 doanh nghiệp giữ lại 87% tổng giá trị hiện tại của nhóm đơn vị và nhóm 166 đơn vị mất vốn dự kiến thu được 38% tổng giá trị hiện tại của nhóm (tương đương 25% giá trị thanh lý tài sản).

Thực tế và dự kiến thu 8500 tỷ đồng trong đó, giải thể - nhận quyền thu và tài sản là 5 tỷ đồng; bán, chuyển nhượng cổ phần 46.5 tỷ đồng; bàn giao, chuyển giao 0 đồng; sáp nhập, nhận quyền và tài sản 1500 tỷ; rút vốn thương hiệu 0 đồng; cổ phần hóa thu về 19 tỷ đồng; thu bán, chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính 250 tỷ đồng; doanh nghiệp nộp đơn phá sản dự kiến thu về 576 tỷ đồng; nhóm doanh nghiệp còn lại tiếp tục tái cơ cấu dự kiến thu 2160 tỷ đồng; thu hồi nợ trong quá trình tái cơ cấu 4000 tỷ đồng).

4. GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU NHÂN LỰC NGÀNH ĐÓNG TÀU GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đóng tàu vẫn đang tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, quyết liệt thực thi các chính sách về nhân lực nhằm nâng cao chất lượng nhân lực bởi họ đã ý thức được rằng chất lượng nhân lực chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà chủ yếu là cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Các doanh nghiệp đóng tàu Hải Phòng cũng tích cực triển khai các chiến lược nhân lực và đạt được những thành công đáng kể điển hình như đóng tàu Sông Cấm. Có thể coi đây là những tiền đề tích cực cho việc nghiên cứu, xây dựng triển khai việc nâng cao chất lượng nhân lực trong các doanh nghiệp đóng tàu còn lại. Để có thể nâng cao được chất lượng nhân lực trong các doanh nghiệp đóng tàu, xin đề xuất một số khuyến nghị sau:

4.1. Đối với Nhà nước và các cơ quan quản lý

Chính phủ cần mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực đóng tàu, tranh thủ sự giúp đỡ của chính phủ các nước, đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các trung tâm đào tạo nhằm xây dựng một hệ thống đào tạo nhân lực đóng tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế;

Hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh với các hãng đóng tàu nước ngoài;

Đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thuê đơn vị tư vấn độc lập, tổ chức thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp vì cổ phần hóa là giải pháp để huy động nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực quản trị, tăng năng suất lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp công khai, minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Tạm thời chưa khởi kiện các doanh nghiệp còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi hoàn thành khoanh nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phát sinh năm 2017, giải quyết nợ lương, chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm, các đơn vị thuộc SBIC phải hoàn thành chốt sổ bảo hiểm xã hội, giải quyết chế độ chính sách cho trên 10000 lao động.

4.2. Đối với doanh nghiệp

Thứ nhất, Tổng công ty cần chỉ đạo các đơn vị tham gia vào thực hiện chế tạo kết cấu thép, tăng cường dịch vụ sửa chữa tàu, tìm kiếm các hợp đồng với các chủ tàu tư nhân, đồng thời hoàn thiện đề án phá dỡ tàu cũ nhằm tăng quỹ việc làm và tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống CB, CNV.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để phát triển các chương trình đào tạo, cập nhật các kiến thức quy trình công nghệ đóng tàu tiên tiến nhằm giúp cho nhân lực đáp ứng được yêu cầu khắt khe trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hiện nay, Tổng công ty đã triển khai hợp tác với Tập đoàn Damen (tuy nhiên từ năm 2015, bản thân Damen cũng gặp khó khăn nên các đơn hàng dành cho SBIC cũng giảm dần); Hợp tác Việt - Nhật (do điều kiện khó khăn về thị trường hàng hải quốc tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải và đóng tàu lớn trên thế giới cũng đang có kế hoạch cắt giảm quy mô nên các đối tác Nhật Bản cũng chưa thực sự quan tâm đến đóng tàu Việt Nam và các đề xuất hợp tác của SBIC). Tổng công ty cũng đã tổ chức thành công triển lãm Vietship 2014, 2016, 2017, 2018 với hơn 100 công ty và 200 gian hàng trưng bày, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào thị trường đóng tàu Việt Nam. Những nỗ lực của SBIC trong hợp tác quốc tế cũng giúp Tổng công ty có được một số đơn hàng cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, marketing, thiết kế cũng như các hợp tác đào tạo nâng cao trình độ cho nhân lực, tuy nhiên kết quả còn rất khiêm tốn.

Thứ ba, sử dụng nguồn từ lãi tiền gửi của số vốn sản xuất kinh doanh được Chính phủ hỗ trợ để trả tiền lương, trợ cấp đang còn nợ người lao động và nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phát sinh.

Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu nhân lực cho phù hợp với nhu cầu nhân lực hiện nay tại các đơn vị của SBIC.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bùi Văn Nhơn (2006), Quản lý và phát triển nguồn nhân lực xã hội, NXB. Tư pháp, Hà Nội.

[2]. Phùng Lê Dung và Đỗ Hoàng Điệp (2009), Phát triển nguồn nhân lực dựa trên các chiến lược kinh tế, Tạp chí Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, số 2.

[3]. Đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

[4]. Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

[5]. Đinh Việt Hòa (2009), Phát triển nguồn vốn nhân lực - Chiến lược tối ưu của nhà lãnh đạo, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 25, tr.150-158.

Ý kiến của bạn

Bình luận