Tiếp bài thiết kế nút giao trên QL37 qua Thái Bình "có vấn đề": Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đùn đẩy trách nhiệm?

An toàn giao thông 16/11/2023 08:00

Dù tư vấn thẩm tra về ATGT đã lưu ý những bất cập thiết kế nút giao thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua tỉnh Thái Bình nhưng không được khắc phục kịp thời, gây ra "điểm đen" TNGT.

Tiếp bài thiết kế nút giao trên QL37 qua Thái Bình "có vấn đề": Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đùn đẩy trách nhiệm?- Ảnh 1.

Nút giao ngã tư QL37 mới và Tỉnh lộ 456 thuộc địa phận huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đang là "điểm đen" TNGT

Công ty CP tư vấn thiết kế cầu lớn – hầm thoái thác trách nhiệm

Ngày 2/11/2023, Tạp chí GTVT có bài "Tai nạn liên tiếp trên QL37 mới qua Thái Bình: Thiết kế nút giao "có vấn đề"?" phản ánh: Sau hơn 8 tháng thông xe, nút giao giữa QL37 và Tỉnh lộ 456 (trước trụ sở Công an huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã trở thành "điểm đen" TNGT, do xảy ra ít nhất 4 vụ TNGT, làm chết 3 người.

Nút giao này là hạng mục thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu Sông Hóa, sử dụng nguồn vốn Trung ương, do Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư, Ban Quản lý và bảo trì công trình đường bộ (trực thuộc Sở GTVT Thái Bình làm đại diện chủ đầu tư; trước đó là Ban QLDA Giao thông nông thôn); nhà thầu tư vấn thiết kế là Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn – hầm và Công ty CP Tư vấn đầu tư Bắc Việt (Liên danh BRITEC-IBC).

kết quả điều tra theo dõi của cơ quan chức năng đánh giá thiết kế nút giao bất hợp lý, nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến hình thành "điểm đen" TNGT. 

Từ tháng 7, 8/2023, Công an huyện Thái Thụy, UBND huyện Thái Thụy đã có văn bản đề nghị Sở GTVT Thái Bình sớm khắc phục, xử lý "điểm đen" nói trên, với đề xuất giải pháp cụ thể: bố trí lại hoặc tháo bỏ đảo giao thông; tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, biển cảnh báo giao thông; khảo sát, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao.

Sau khi Tạp chí GTVT phản ánh, một số bạn đọc cho biết, nút giao trên được người dân địa phương gọi là "ngã tư bối rối" do thiết kế phân làn rối rắm, phần đảo phân cách chiếm phần đường vào cua khiến phương tiện lưu thông qua gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay các bất cập hạ tầng "điểm đen" này chưa được khắc phục, xử lý, gây lo ngại tiếp tục xảy ra TNGT.

Tìm hiểu giải pháp khắc phục bất cập tại "điểm đen" trên, PV Tạp chí GTVT đã liên hệ với Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm (BRITEC, đứng đầu liên danh tư vấn thiết kế dự án), đại diện đơn vị này đẩy trách nhiệm cho Công ty CP Tư vấn đầu tư Bắc Việt (thành viên liên danh) và khẳng định: "Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm tuy là tư vấn dự án nhưng lại không làm nút giao này. Để tìm hiểu rõ hơn thông tin phóng viên nên làm việc với Ban Quản lý duy tu của tỉnh Thái Bình", ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính của BRITEC nói.

Còn ông Trần Duy Cường, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Bắc Việt (Hà Nội) tuy xác nhận đơn vị này trực tiếp thiết kế thi công nút giao QL37 – Tỉnh lộ 456 nhưng cho rằng trách nhiệm thẩm định thiết kế thuộc BRITEC. "Nội dung thiết kế được bảo hành 1 năm, trong thời gian đó không phát sinh vấn đề gì và cũng đã hết hạn bảo hành. Năm 2021-2022 hợp đồng đã được thanh quyết toán, thanh lý nên công ty Bắc Việt không còn trách nhiệm gì nữa. Hơn nữa, công ty chúng tôi hiện đã dừng hoạt động rồi", ông Cường nói, cho biết hợp đồng thiết kế mà đơn vị đảm nhận có giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Tiếp bài thiết kế nút giao trên QL37 qua Thái Bình "có vấn đề": Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đùn đẩy trách nhiệm?- Ảnh 2.

Báo cáo của tư vấn thẩm tra về ATGT trước khi dự án được đưa khai thác có 2 lưu ý tại mục về tính logic của đảo giao thông và sử dụng vạch sơn chính xác tại nút giao QL 37 - Tỉnh lộ 456


Chủ đầu tư đẩy trách nhiệm, chậm xử lý "điểm đen"

Sau khi Tạp chí GTVT phản ánh, ông Triệu Minh Hoàng, Phó giám đốc Ban Quản lý và bảo trì đường bộ (Sở GTVT Thái Bình, đại diện chủ đầu tư) cho biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu Sông Hóa được bàn giao cho Cục Đường bộ VN vào đầu tháng 9/2023. Sau đó, Cục Đường bộ VN ủy thác cho Sở GTVT Thái Bình quản lý, bảo trì đoạn tuyến đường bộ này.

Xin nhắc thêm, ngày 22/8/2023, UBND huyện Thái Thụy có văn bản đề nghị Sở GTVT Thái Bình khắc phục, xử lý "điểm đen" TNGT tại nút giao QL37 – Tỉnh lộ 456. Ngày 7/9/2023, Sở GTVT Thái Bình có văn bản trả lời, trong đó cho biết dự án đang được Sở GTVT thực hiện bàn giao để đưa vào khai thác sử dụng. "Ngay sau khi dự án được bàn giao cho cơ quan quản lý và khai thác, Sở GTVT sẽ phối hợp với UBND huyện Thái Thụy xem xét, đánh giá mức độ an toàn giao thông tại nút giao này và báo cáo Cục Đường bộ VN cho phép thực hiện sửa chữa và cải tạo nút giao này để đảm bảo an toàn giao thông (nếu cần thiết)", nội dung văn bản của Sở GTVT Thái Bình.

Tiếp bài thiết kế nút giao trên QL37 qua Thái Bình "có vấn đề": Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đùn đẩy trách nhiệm?- Ảnh 3.

Văn bản ngày 7/9/2023 của Sở GTVT Thái Bình phản hồi đề nghị của UBND huyện Thái Thụy về xử lý "điểm đen"TNGT tại nút giao QL37 - Tỉnh lộ 456

Trả lời câu hỏi nút giao QL37 – Tỉnh lộ 456 có một hay nhiều phương án thiết kế, ông Hoàng cho biết, do về sau mới tiếp nhận dự án nên không biết. Đồng thời cho rằng, thiết kế đã được thẩm định, thẩm tra về ATGT nên trách nhiệm cao nhất thuộc đơn vị thẩm định thiết kế, thẩm tra ATGT. 

Như vậy, với các phản hồi trên cho thấy, đại diện chủ đầu tư và tư vấn thiết kế (Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu – hầm lớn và Công ty CP Tư vấn đầu tư Bắc Việt) đều có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khắc phục bất cập thiết kế nút giao QL37 – Tỉnh lộ 456 dẫn đến "điểm đen" TNGT, cho dù nhiều vụ TNGT xảy ra trong thời gian dự án chưa hoàn thành bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam.

Điều đó càng rõ hơn khi trong Báo cáo thẩm tra ATGT dự án trước khi công trình đưa vào khai thác, do Công ty CP Tư vấn giao thông và xây dựng Hà Nội lập, trình chủ đầu tư và được chấp thuận, tại hạng mục kiểm tra: "Tính logic và "mức độ rõ ràng" của các đảo giao thông và vạch phân cách tại các nút giao, theo cách nhìn của lái xe" cũng đã lưu ý: "Nút giao Tỉnh lộ 456 (Km1+486) có mức độ rõ ràng của các đảo giao thông và vạch phân cách, tuy nhiên cần theo dõi đánh giá hiệu quả về khai thác và an toàn trong quá trình khai thác sử dụng".

Còn tại hạng mục "Sử dụng vạch sơn chính xác các loại vạch sơn khác nhau để quy định cho các đối tượng tham gia giao thông", tư vấn thẩm tra cũng nêu rõ: "Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, với bề rộng mặt bằng 11,0 m và trên tuyến hiện sử dụng chủ yếu vạch 1.1; 1.2; 1.3; 3.1; 3.3; 9.3;… theo QCVN 41/2019 để phân chia hai chiều xe chạy là phù hợp với yêu cầu quản lý giao thông.

Tuy nhiên, hướng đi thẳng (tại nút giao Km1+486, giao QL 37- Tỉnh lộ 456) có bề rộng mặt đường khu vực nút bị thu hẹp, cần theo dõi đánh giá hiệu quả việc sử dụng đối với công tác ATGT để có phương án điều chỉnh phù hợp".

Nói thêm, tại văn bản số 574/BGTVT-KCHT ngày 18/1/2023 của Bộ GTVT gửi Sở GTVT Thái Bình về việc chấp thuận báo cáo thẩm tra ATGT giai đoạn trước khi đưa vào khai thác Dự án cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu Sông Hóa, nêu rõ: "Yêu cầu Sở GTVT Thái Bình khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm đưa công trình vào khai thác. Trong quá trình khai thác dự án, đơn vị quản lý bảo trì cần thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các nguy cơ, tiềm ẩn có thể gây mất ATGT để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế".

Cần 2 tỷ đồng để khắc phục "điểm đen" nút giao QL37 – Tỉnh lộ 456

Theo Phó giám đốc Ban Quản lý và bảo trì đường bộ (Sở GTVT Thái Bình, đại diện chủ đầu tư dự án và cũng là đơn vị quản lý bảo trì hiện nay), đơn vị này đã đề xuất dự án công trình cải tạo "điểm đen" nút giao QL37 – Tỉnh lộ 456, với giải pháp là tháo dỡ các đảo phân cách tại nút giao và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Kinh phí dự án cần khoảng 2 tỷ đồng, với đề xuất từ nguồn của Cục Đường bộ VN hoặc địa phương dành cho nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 456.

Tạp chí GTVT sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc vấn đề này.