"Tiếng hát át tiếng bom" - Một thời để nhớ!

Tác giả: HỮU NGỌC

saosaosaosaosao
23/08/2015 13:32

Cùng với toàn quân, toàn dân, các lực lượng GTVT đã anh dũng không sợ hy sinh, không ngại gian khổ, bám cầu, bám đường chiến đấu bảo vệ và bảo đảm giao thông vô cùng kiên cường với khẩu hiệu “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”.

1 DT
Đoàn văn công chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cách đây 50 năm, khi đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với chiến trường miền Nam. Ngay từ những ngày đầu năm 1965, chúng đã dùng số lượng lớn máy bay, trút hàng ngàn tấn bom đạn đánh phá ác liệt hệ thống cầu đường, bến cảng, nhà ga… hòng cắt đứt các tuyến giao thông huyết mạch vào Nam. Trước tình hình này, công tác đảm bảo giao thông được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đột xuất số một của cả nước. Cùng với toàn quân, toàn dân, các lực lượng GTVT đã anh dũng không sợ hy sinh, không ngại gian khổ, bám cầu, bám đường chiến đấu bảo vệ và bảo đảm giao thông vô cùng kiên cường với khẩu hiệu “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”. Không những thế, họ còn cất cao tiếng hát trên tất cả các con đường, trở thành phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ lúc bấy giờ, mặc dù giữ nhiều trọng trách nhưng vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới phong trào. Theo sáng kiến của đồng chí, Đoàn văn công Bộ GTVT được thành lập trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó và mang tên “Tiếng hát át tiếng bom”. “Tiếng hát át tiếng bom” là “GTVT phải thông suốt, thì tiết mục phải liên hoàn”. Trong suốt quá trình hoạt động, Đoàn đã được đích thân Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ chỉ đạo đường hướng, quan tâm theo dõi từng bước đi với phương châm: Mặt trận cầu đường luôn được đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống thì sân khấu và các tiết mục văn nghệ cũng phải thông suốt, liên hoàn như mạch máu không bao giờ ngừng chảy. Không những thế, Bộ trưởng còn phân công đồng chí Trịnh Ngọc Điệt - Thứ trưởng đặc trách theo dõi, giúp đỡ và giải quyết những trang thiết bị, đời sống cho Đoàn.

Công tác tổ chức được triển khai rất nhanh: Vừa xây dựng, vừa tập huấn, đi tắt đón đầu, cầm tay chỉ việc. Nhiều cán bộ và diễn viên được tuyển chọn, tập hợp từ các nguồn. Trong đó, có nhiều anh chị em thanh niên xung phong là hạt nhân văn nghệ của các đơn vị, ngoài ra còn có cả anh chị em của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, Cục Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Ca múa nhạc, xiếc - ảo thuật...

TIENG HAT AT TÌEG BOM
Đoàn văn công trước giờ biểu diễn

Trong khí thế sục sôi chống Mỹ cứu nước, nhiều nhạc sỹ như: Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Xuân Giao… đã trực tiếp ra các mặt trận khói lửa để sáng tác. Cũng chính vì vậy mà nhiều bài hát viết về chủ đề GTVT đã được ra đời từ đó.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ GTVT, nhiệt tình của anh chị em và sự hỗ trợ của các văn nghệ sỹ, Đoàn đã xây dựng được nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc và ý nghĩa, mang đậm chất GTVT. Trải qua nhiều năm tháng ác liệt của chiến tranh, Đoàn đã để lại trong lòng khán giả những tình cảm khó quên.

Sau khi đế quốc Mỹ tập trung đánh phá vào khu vực Nam Khu 4 và đường Trường Sơn, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ GTVT đã điều hẳn Đoàn vào Ban 67 phục vụ các lực lượng đảm bảo giao thông cho đến năm 1974. Đến giai đoạn này, nhiệm vụ đảm bảo giao thông cơ bản đã hoàn thành, Bộ xét thấy không cần duy trì và quyết định giải thể Đoàn, các anh chị em trong Đoàn đã được bố trí về các đơn vị làm hạt nhân phong trào.

Với lòng nhiệt huyết và truyền thống sẵn có, các anh chị em cán bộ nhân viên của Đoàn đã tự nguyện tập hợp nhau lại đi phục vụ nhu cầu các đơn vị trong Ngành. Những năm tháng hoạt động đó, Đoàn đã được lãnh đạo Bộ và Công đoàn GTVT Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5… hết sức hoan nghênh, ghi nhận và tạo điều kiện giúp đỡ. Thời gian trôi đi, một số anh chị em cũng đã lớn tuổi, nên Đoàn đã chuyển sang hoạt động theo hình thức câu lạc bộ và mang tên Lá Đỏ.

Câu lạc bộ Lá Đỏ ngay từ khi đi vào hoạt động đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của nhiều tổ chức, đơn vị và cá nhân. Sau đó, có nhiều nghệ sỹ trẻ tình nguyện tham gia đã đóng góp nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn của các chương trình biểu diễn.

Trải qua chặng đường 50 năm hoạt động, Đoàn đã có mặt trên các tuyến lửa ác liệt từ Trường Sơn đến các hải đảo trong những năm tháng chiến tranh và có mặt tham gia biểu diễn ở trong và nước ngoài. Nhiều anh chị em trong Đoàn đã đoạt giải vàng, bạc, trưởng thành là các nhạc sỹ, nhà thơ.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT - Đoàn “Tiếng hát át tiếng bom” mãi là hình ảnh, nét đậm văn hóa ngành GTVT - một thời để nhớ.

Ý kiến của bạn

Bình luận