"Thuốc trị" xe hợp đồng trá hình tuyến cố định - Kỳ 2: Hết đường đối phó

Vận tải 03/10/2023 08:26

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, Bộ GTVT đề xuất một loạt giải pháp mới nhằm siết chặt quản lý, đồng thời là cơ sở để xử lý các trường hợp xe hợp đồng hoạt động như tuyến cố định.

"Thuốc trị" xe hợp đồng trá hình tuyến cố định - Kỳ 2: Hết đường đối phó - Ảnh 1.

Xe Limousine T.A trả khách trên phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (ảnh chụp sáng 3/10)

Không được đón, trả khách 3 ngày liên tiếp tại một điểm

Tại tờ trình dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ GTVT cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 10/2020, một số quy định đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch còn bất cập như: Khó xác định trong thực tế hoặc phải có công cụ công nghệ thông tin để xác định, trong khi lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn khi xác định vi phạm đối với một số quy định. 

Đơn cử như quy định: Trong thời gian 1 tháng, mỗi xe ôtô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp; phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Theo Sở GTVT Điện Biên, trong thực tế, việc xác định trùng lặp cả điểm đầu và điểm cuối quá 30% không có tác dụng để ngăn chặn xe hợp đồng trá hình, do lái xe sẽ chủ động thay đổi điểm đầu hoặc điểm cuối thường xuyên, tránh trùng lặp 30%.

Khắc phục bất cập này, Bộ GTVT đề xuất quy định: Xe khách hợp đồng mỗi chuyến đi chỉ được đón/trả khách tại một địa điểm đi/đến theo đúng hợp đồng. Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc trong 1 tháng có tổng trên 10 ngày đón/trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác. Điều này để ngăn tình trạng lách luật hiện nay là nhà xe cứ chạy 3 ngày, dừng 1 - 2 ngày lại tiếp tục chu kỳ tiếp theo.

Về điểm đón trả khách, Bộ GTVT đưa ra hai phương án xác định phạm vi điểm đầu, điểm cuối hành trình xe đi. Cụ thể, phương án 1: trong 1 tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và cuối lặp lại; phạm vi điểm đầu và cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp xã/phường. Việc xác định số chuyến xe trong tháng căn cứ theo thông tin thiết bị giám sát hành trình, hợp đồng vận chuyển, hoặc các biện pháp khác.

Phương án 2 cơ bản quy định như phương án 1, chỉ khác là sửa điểm đầu/cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp huyện.

Theo Bộ GTVT, đề xuất này được đưa ra theo đề nghị của một số Sở GTVT để bảo đảm dễ xác định điểm xuất phát và kết thúc chuyến đi, do theo quy định như hiện nay, nếu không có công cụ công nghệ thông tin sẽ khó xác định.

Trong khi đó, đại diện Sở GTVT Điện Biên cho hay, hiện nay, trên hệ thống giám sát hành trình (GSHT) đã có phân loại loại hình phương tiện nhằm thuận tiện cho việc rà soát, kiểm tra, xử lý. Cục Đường bộ VN cần nghiên cứu nâng cấp hệ thống GSHT để truy xuất được dữ liệu điểm đầu, điểm cuối trùng lặp trên tổng số chuyến của xe trong thời gian 1 tháng và có thông báo, cảnh báo trực tiếp trên hệ thống đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mà Sở GTVT đã phân loại, làm cơ sở xử lý các trường hợp phương tiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng vi phạm quy định theo điểm r khoản 4 Điều 28 Nghị định số 100/2019.

"Thuốc trị" xe hợp đồng trá hình tuyến cố định - Kỳ 2: Hết đường đối phó - Ảnh 2.

Xe Limousine Thời Đại dừng đỗ ngay dưới lòng đường trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để trả khách (ảnh chụp sáng 3/10)

Phải gửi danh sách hành khách về Sở GTVT

Nhiều Sở GTVT phản ánh, theo quy định tại Nghị định 10/2020, từ ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT. Tuy nhiên, phần mềm này đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Các đơn vị kinh doanh vận tải đã "lách" quy định này để không gửi hợp đồng cũng như danh sách hành khách về Sở GTVT, đặc biệt đối với các đơn vị chạy trá hình tuyến cố định, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Theo Sở GTVT Điện Biên, chính vì quy định hiện nay không bắt buộc (gửi danh sách hành khách về Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng) nên nhà xe đối phó với lực lượng chức năng bằng việc đón khách dọc đường và ghi vào danh sách hành khách mang theo. 

Để khắc phục "lỗ hổng" này, dự thảo Nghị định bổ sung quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định và danh sách hành khách kèm theo đến Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải qua thư điện tử (Email) hoặc qua phần mềm. 

"Thuốc trị" xe hợp đồng trá hình tuyến cố định - Kỳ 2: Hết đường đối phó - Ảnh 3.

Ngay trong giờ cao điểm buổi sáng, xe Limousine Phiệt Học đỗ ngay dưới lòng đường trước cửa Văn phòng Nhà xe Phiệt Học trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngang nhiên đón khách mà không bị cơ quan chức năng kiểm tra xử lý (ảnh chụp sáng 3/10)

Theo Ban soạn thảo, điều này để làm cơ sở xác định và xử lý vi phạm, đồng thời để kiểm soát hoạt động của xe hợp đồng, hạn chế tình trạng xe chạy như tuyến cố định, thực hiện đón trả khách như tuyến cố định.

Các trường hợp cung cấp thông tin của hợp đồng vận chuyển không đúng sẽ xử lý theo quy định tại Điều 28 Nghị định 100/2019.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020 cũng đề xuất quy định đơn vị vận tải chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); mỗi chuyến đi chỉ được đón khách tại một địa điểm, trả khách tại một địa điểm theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết. 

Ngoài ra, bổ sung quy định: đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch và lái xe không được quảng cáo hoặc đăng tải một trong các thông tin sau dưới mọi hình thức: Hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách (người); địa điểm đón, trả khách. Điều này để ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng cung cấp thông tin như tuyến cố định.

Trường hợp vi phạm nội dung trên đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Theo Cục Đường bộ VN, các xe hợp đồng trá hình xe tuyến cố định tập trung tại Hà Nội và TP. HCM đi các tỉnh trong bán kính dưới 500km, tổ chức vận chuyển liên tục giữa hai địa phương. Danh sách hành khách chiều đi và về không giống nhau, như Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Ninh Bình...

Những xe này đang đón, trả khách tại một số địa điểm cố định trong nội thành mà không có rào cản do quy định hiện hành chưa có chế tài triệt để. Các đơn vị vận tải lại thay đổi điểm đón trả từ phường này sang phường khác hoặc từ quận này sang quận khác để lách quy định.

Do đó, Cục Đường bộ VN đề nghị siết chặt hoạt động các xe hợp đồng theo hướng quy định tỷ lệ, phạm vi trùng lặp điểm xuất phát, điểm kết thúc tính theo địa giới hành chính.

Kỳ cuối: Bịt kẽ hở, giám sát chặt, xử lý nghiêm