Thuế nhập khẩu ô tô giảm: Toyota lại tính rời Việt Nam

Doanh nghiệp 23/08/2015 15:03

“Hiện nay Toyota đang đứng trước hai con đường: hoặc sản xuất ô tô tại Thái Lan bán sang Việt Nam hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam”.

Theo ông Ichiro ABE, Toyota đang lưỡng lự hoặc sản
Theo ông Ichiro ABE, Toyota đang lưỡng lự hoặc sản xuất ô tô tại Thái Lan bán sang Việt Nam hoặc ở lại duy trì sản xuất.

Đó là chia sẻ của ông Ichiro ABE, cố vấn cao cấp về xúc tiến đầu tư FIA-MPI tại Hội thảo liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam- Nhật Bản diễn ra ngày 21/8, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.

Theo đánh giá của ông Ichiro ABE ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có những lợi thế như người Việt khéo tay, thị trường rộng và có những doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, hiện nay mỗi năm Toyota Thái Lan sản xuất khoảng 1 triệu chiếc, trong khi đó Toyota Việt Nam chỉ sản xuất 45.000 chiếc. Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 20%.

Đặc biệt sau khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, theo cam kết từ năm 2018 cắt giảm thuế quan nhập khẩu. Ông ABE cũng lo ngại cho nền công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ thêm nhiều khó khăn khi ô tô của các nước có thể ồ ạt vào Việt Nam.

Theo ông ABE, từ trước đến nay vẫn có quan điểm “sản xuất tại đâu tiêu thụ tại đó” nhưng Toyota không nghĩ như vậy. Nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ như Thái Lan thì Toyota mới có thể tiếp tục duy trì đầu tư, sản xuất tại đây. Hiện nay Toyota đang đứng trước hai con đường: hoặc sản xuất ô tô tại Thái Lan bán sang Việt Nam hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam.

“Toyota Việt Nam hiện nay đang khảo sát  những doanh nghiệp có khả năng cung cấp linh phụ kiện cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để giảm chi phí sản xuất. Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện”, ông ABE nêu ý kiến.

Cũng theo ông ABE, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít lực lượng lao động, thiếu cán bộ phụ trách bán hàng. Các giám đốc hầu như tự đi tìm khách hàng mà không có đội ngũ marketing chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó Việt Nam có tính độc lập cao, người Việt Nam còn thiếu sự hợp tác.

 “Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam không có sự liên kết ngang, hoạt động độc lập, vẫn kiểu tự tôi tôi làm tất cả. Thông tin  họ tiếp cận được rất hạn chế. Chẳng hạn như doanh nghiệp ở phía bắc không biết khách hàng ở phía nam và ngược lại”, ông ABE cho biết.

Do đó ông ABE đề xuất, Việt Nam nên hình thành hiệp hội các nhà chế tạo linh phụ kiện tại Việt Nam (VAPMA). Đó là nơi để chia sẻ thông tin, hỗ trợ trong quảng cáo, tiếp thị, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô tại Việt Nam. 

“Cái gì một mình không làm được thì sẽ làm một nhóm. Hơn nữa Nhật Bản không thể hỗ trợ từng doanh nghiệp một mà nên có một cộng đồng”, ông ABE nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận