Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững cảng Hải Phòng

14/04/2015 15:53

Phát triển hệ thống cảng biển nói chung và cảng Hải Phòng nói riêng là yêu cầu có tính cấp bách nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.


Những năm qua, mặc dù cảng Hải Phòng đã được đầu tư và phát triển khá nhanh, tuy nhiên sự phát triển đó còn nhiều hạn chế. Bài viết đã hệ thống, đánh giá thực trạng sự phát triển của cảng Hải Phòng; qua đó sẽ đề xuất các giải pháp phát triển cảng theo hướng bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

TS. Dương Văn Bạo
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
ThS. NCS. Ngô Đức Du
Công ty Cổ phần Tân cảng 128
Người phản biện: TS. Nguyễn Hữu Hùng
PGS. TS. Nguyễn Văn Sơn

Từ khóa: Phát triển kinh tế, cảng biển.

Abstract: Developing sea port of Vietnam in general, and Haiphong particularly is an urgent requirement in order to meet the need of economic development of our country in the new period, the period of international integration. Although Haiphong port has been invested and developed quickly over many years, but the development is still limited. This article has systemized, assessed the situation of development of Haiphong port over years. Thence, the article introduces some solutions to develop Haiphong port sustainably, in line with the tendency of the world at present.

Keywords: Economic development, sea port.

1. Đặt vấn đề

Hải Phòng là thành phố cảng, là cửa ngõ của khu vực kinh tế phía Bắc đối với thị trường quốc tế. Hơn 100 năm xây dựng và phát triển, cảng Hải Phòng đã và đang được mở rộng, hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của cả khu vực. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đến nay, việc quy hoạch và phát triển cảng đã bộc lộ nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng các vùng cảng biển, ven biển và hải đảo còn nhiều yếu kém, lạc hậu; thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc theo bờ biển, nối liền các thành phố, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển thành một chuỗi kinh tế biển liên hoàn. Nhìn chung, hệ thống cảng biển còn nhỏ bé, manh mún, trang thiết bị xếp dỡ lạc hậu và thiếu đồng bộ, nên hiệu quả kinh doanh khai thác đạt thấp. Hệ thống giao thông chưa đáp ứng yêu cầu và đang cản trở sự phát triển, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm nản lòng các nhà đầu tư.

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu mà Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra, phát huy vai trò là một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, theo chủ trương hướng ra biển, làm giàu từ biển với mục tiêu xây dựng vùng biển và ven biển Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển của vịnh Bắc bộ và cả nước, việc đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững cảng biển Hải Phòng là hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

2. Nội dung

2.1. Thực trạng hệ thống cảng biển Hải Phòng

2.1.1. Cơ sở vật chất hệ thống cảng biển Hải Phòng

- Hệ thống bến cảng công – ten – nơ

Hiện nay, hệ thống bến cảng công-ten-nơ tại Hải Phòng gồm có 11 bến với tổng chiều dài là 4.926,5m; bến dài nhất khoảng 1.000m và bến ngắn nhất khoảng 150m, bình quân khoảng trên 400m/cầu bến. Các bến đa phần có quy mô nhỏ, chủ yếu thuộc Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, một số bến mới do các doanh nghiệp cổ phần khai thác như bến Hải An, Nam Hải, Đình Vũ… Thị phần khai thác của các cảng cũng có rất nhiều thay đổi kể từ khi các doanh nghiệp cổ phần đi vào khai thác hoạt động, hiện nay thì phần lớn nhất thuộc về Công ty CP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ, tiếp đến là bến cảng Chùa Vẽ, Xí nghiệp Xếp dỡ Tân cảng Hải Phòng…

h21

Hình 2.1: Thị phần bốc xếp hàng hóa qua cảng Hải Phòng

- Hệ thống kho tại Hải Phòng

Hiện nay, trong các cảng khu vực Hải Phòng có khoảng 17 kho CFS, kho ngoại quan, kho nội địa với diện tích là 140.000m2, trong đó có khoảng 52.948m2 là kho CFS và 7.600m2 kho ngoại quan. Sản lượng khai thác của các kho không đồng đều, do cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và chính sách chăm sóc khách hàng của các nhà khai thác. Các kho CFS có hiệu quả khai thác tốt, sản lượng hàng hóa thông qua khá cao, gồm có Viconship, Nam Phát, Vietfracht.

- Hệ thống bãi công-ten-nơ trên địa bàn

Tổng lượng bãi công-ten-nơ trên địa bàn Hải Phòng là 41 bãi, diện tích là 195,7 ha, sức chứa 189.400 TEU, hiện tại các bãi cơ bản đáp ứng được nhu cầu khai thác hàng công-ten-nơ. Do ảnh hưởng của thị trường chung nên sản lượng luân chuyển công-ten-nơ ra, vào của các bãi đều giảm, khai thác bãi công-ten-nơ ngoài cảng gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp khai thác cảng, kho bãi đang có xu hướng dịch chuyển về phía khu công nghiệp Đình Vũ, đảm bảo tập trung hóa cũng như thuận tiện về giao thông đường bộ sau khi dự án đường cao tốc 5B hoàn thiện.

- Hệ thống giao thông kết nối cảng biển

+ Đường bộ

Hệ thống đường bộ đi và đến cảng Hải Phòng chủ yếu qua 3 tuyến quốc lộ chính là QL5, QL10. Mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp nhưng hệ thống đường QL đã xuống cấp, trong khi mật độ giao thông ngày càng cao. Sau khi QL5B hoàn thành và đưa vào khai thác, hệ thống đường bộ kết nối giữa cảng với các khu vực kinh tế phía Bắc cơ bản đáp ứng được bảo đảm quá trình vận chuyển thông suốt không gây ách tắc cho cảng.

+ Đường sắt

Có thể nói, hiện nay, duy nhất chỉ có cảng Hải Phòng là có hệ thống đường sắt đi và đến cảng. Đây được xem như là một ưu thế lớn đối với cảng Hải Phòng. Hiện tại, lượng hàng qua cảng được vận chuyển bằng đường sắt chiếm khoảng trên 3%, phần còn lại đều do đường bộ gánh vác. Như vậy, có thể nói vận chuyển bằng đường sắt chưa phát huy được lợi thế, chưa trở thành phương tiện chính trong vận chuyển hàng hoá đi và đến cảng.

+ Đường thủy nội địa

Với 19 tuyến sông nối liền với nhiều địa phương khu vực phía Bắc, lượng hàng hoá qua cảng do vận tải thủy nội địa đảm nhận chiếm khoảng 20%, chủ yếu vận chuyển hàng tới các khu vực ven biển. Hiện nay, hầu hết các hệ thống sông đều cạn, chiều sâu luồng hầu hết không đảm bảo cho tàu chạy an toàn. Do vậy, có thể nói hệ thống vận tải sông khu vực phía Bắc khó có thể phát triển thay thế cho vận tải bộ.

+ Hệ thống luồng ra vào cảng

Hệ thống luồng ra vào cảng gần đây đã được cải tạo và nâng cấp đáng kể. Độ sâu luồng nơi cạn nhất đạt -7,8m cho phép tàu 30.000DWT ra vào. Mặc dù các cảng mới được phát triển như Đình Vũ, Tân Vũ có hệ thống luồng sâu hơn nhưng tình trạng sa bồi đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình vận hành của tầu.

2.1.2. Hiện trạng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực Hải Phòng

Nhìn chung, các cảng biển khu vực Hải Phòng đều là nhỏ lẻ và rất phân tán, hầu hết các cảng chỉ tiếp nhận được từ 01 đến 02 vị trí tàu vào làm hàng, thậm trí có cảng tiếp nhận 01 vị trí tàu vào làm hàng cũng rất khó khăn như cảng Nam Hải cũ, chiều dài cầu bến chỉ có 144m, cảng Tân cảng 189 chiều dài cầu bến là 170m.

Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng lại tăng đều theo các năm. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua toàn cảng trong năm 2012 là 44,67 triệu tấn, năm 2013 đạt 57,33 triệu tấn.

Đơn vị: triệu tấn

b21

Bảng 2.1. Lưu lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng qua các năm

Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam

Theo bảng thống kê trên, lượng hàng hóa thực hiện tại các cảng thuộc khu vực Hải Phòng có mức tăng trưởng đều và khá cao, trong đó năm 2012 đạt mức 18,06%/năm và đến năm 2013 đạt 19,45%/năm. Điều này cho thấy khu vực cảng biển Hải Phòng vẫn là cảng biển có sức thu hút rất lớn trong cả nước, lượng hàng gia tăng không ngừng qua các năm trong đó chủ đạo vẫn là mặt hàng công – ten – nơ.

2.2. Đánh giá thực trạng hoạt động hệ thống cảng biển Hải Phòng

Mặc dù tình hình kinh tế trong nước, thế giới còn rất nhiều khó khăn thách thức, song hoạt động khai thác kinh doanh hệ thống cảng biển biển Hải Phòng trong thời gian vừa qua vẫn rất khả quan và đạt hiệu quả tương đối tốt, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt cao, nhất là các doanh nghiệp cổ phần như Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ, cảng Đoạn Xá, cảng Nam Hải, cảng Viconship… Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đã bộc lộ khá nhiều những bất cập, tồn tại thiếu bền vững, từ cơ chế quản lý, tổ chức kinh doanh khai thác đến các hoạt động dịch vụ sau cảng; thể hiện trên các mặt sau:

2.2.1. Về công tác quy hoạch và đầu tư phát triển cảng biển    

Quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dài hạn, chỉ tập trung đáp ứng yêu cầu phát sinh hiện tại. Quy mô đầu tư nhỏ, số lượng cầu bến nhiều nhưng lại thiếu vắng các bến cảng nước sâu, các bến cảng công – ten – nơ trung chuyển quốc tế.

2.2.2. Về hệ thống luồng ra vào cảng

Chiều dài tuyến luồng lớn, lên đến 42,8km, trong khi chiều rộng tuyến luồng lại hẹp chỉ khoảng 70 – 100m, rất khó khăn cho tàu quay trở. Độ sâu luồng hạn chế và thường xuyên bị sa bồi, chỉ đạt khoảng -5,7m đến -7,8m; không thể tiếp nhận được các tàu có trọng tải lớn vào làm hàng

2.2.3. Về hệ thống cầu cảng

Số lượng cầu bến nhiều, phân tán, đa phần các bến cảng chỉ có thể tiếp nhận được đồng thời từ 01 – 02 vị trí tàu vào làm hàng tại cảng, thậm trí có bến không thể tiếp nhận được 01 vị trí tàu công – ten – nơ cỡ trung bình. Hầu hết các bến cảng đều nằm trong thành phố, khó khăn cho hoạt động khai thác, gây ách tắc giao thông khi cảng hoạt động

2.2.4. Về trang thiết bị xếp dỡ

Thiếu các trang thiết bị chuyên dùng, phần lớn phương tiện xếp dỡ tuyến tiền phương hiện nay của các cảng đều sử dụng cẩu chân đế cố định và cẩu chân đế di động, trừ một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính sử dụng thiết bị chuyên dùng cẩu giàn KE, QC.

2.2.5. Về hệ thống kho, bãi công-ten-nơ

Hệ thống kho: Tổng số lượng kho CFS, ngoại quan trên địa bàn là: 17 kho với tổng diện tích là 55.548m2, bình quân 3.560m2/kho. Kho lớn nhất cũng chỉ đạt đến 5.000m2 là kho Vietfract và kho Công ty Tân cảng 128.

Hệ thống bãi container: Tổng số lượng bãi container là 41 bãi, diện tích là 195,7ha; diện tích bình quân là 4,7ha/bãi. Có những kho bãi rất khó trong hoạt động khai thác do diện tích nhỏ như bãi Vinabridge 1,1 ha; bãi VOSCO 1,0ha; kho Sao Đỏ 750m2, kho TASA Minh Thành 1.200m2.

2.3. Hướng phát triển bền vững cảng biển Hải Phòng

- Triển khai hình thành các đầu mối vận tải, xây dựng trung tấm logistics cấp quốc gia phục vụ cho cảng Lạch Huyện và các trung tâm logistics gần các cảng khu công nghệp Đình Vũ, Cát Hải. Đồng thời, xây dựng thêm các cơ sở hậu cần, trung tâm phân phối để hỗ trợ cho hoạt động thông quan cho hàng hóa vận chuyển bằng công – ten – nơ nội địa, tạo điều kiện cho vận tải đa phương thức phát triển, giúp cho việc lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện để hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống cảng biển phát triển.

- Hiện nay, hệ thống cảng biển Hải Phòng còn nhiều bất cập như quy mô còn nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn lạc hậu, năng suất, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần phải tập trung xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển sao cho hợp lý, đồng thời đảm bảo tính hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Trước mắt đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

- Đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cũng như áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào công tác quan lý và khai thác cảng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ hàng, chủ tàu tiết kiệm thời gian, giải phóng tàu nhanh, giảm chi phí vận tải và tăng hiệu quả vốn đầu tư

- Tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp và phát triển đồng bộ hệ thống GTVT, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc ven biển, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đặc biệt là các tuyến đường sắt, gắn kết cảng biển với hệ thống đường sắt, trung tâm logistics và mạng lưới đường bộ vận chuyển hàng hóa tới các khách hàng nhằm kết nối các loại phương tiện vận tải, hệ thống cảng biển, sân bay, từ đó phát huy tiềm năng và lợi thế của Hải Phòng, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.

- Quan tâm chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, logistics nhìn chung còn rất nhiều bất cập, vừa thiếu, lại vừa yếu, quân số đông nhưng không mạnh. Thiếu nguồn lực được đào tạo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, ngoại ngữ và hiểu biết luật pháp quốc tế. Có thể nói đây cũng là trở ngại lớn cho sự phát triển của dịch vụ logistics của Hải Phòng.

3. Kết luận

Những năm qua, Hải Phòng luôn là địa phương tiên phong trong việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống cảng biển, thực hiện lộ trình đưa cảng biển tiến dần về phía biển. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, các khoản thu có nguồn gốc hoặc liên quan từ hoạt động cảng biển tại Hải Phòng hàng năm là rất lớn, bao gồm thu hải quan, doanh thu bốc xếp (của các cảng biển), thu cảng phí, dịch vụ hoa tiêu, bảo đảm hàng hải, dịch vụ vận tải, cung ứng tàu biển, đại lý, kiểm đếm, khai thuê hải quan… Vì vậy, TP. Hải Phòng đã rất quan tâm đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối cảng biển, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển cũng không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất, hiện đại hóa trang thiết bị xếp dỡ, nâng hạ, vận chuyển, đặc biệt là việc nâng cấp cầu bến để tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn vào làm hàng tại cảng.

Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống cảng biển Hải Phòng vẫn còn manh mún, chỉ đóng vai trò trung chuyển, hàng hóa ra vào chính vẫn chủ yếu qua các cảng Hồng Kông, Cao Hùng, Singapore… và chỉ thực hiện vai trò cơ bản là xếp dỡ hàng hóa, chưa có cầu cảng nước sâu để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, thiết bị chuyên dụng xếp dỡ hàng hóa rất ít và chỉ mới được trang bị ở một số cảng lớn, giao thông đường sắt, đường bộ nối cảng với mạng lưới giao thông quốc gia chưa được xây dựng đồng bộ, luồng lạch vào bến dài lại nông và hẹp nên đã hạn chế nhiều đến lượng tàu thuyền ra vào cảng. Bên cạnh đó, việc phát triển các cảng biển khu vực Hải Phòng cũng đã và đang tác động không nhỏ đến các yếu tố về môi trường và xã hội. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững cảng biển Hải Phòng hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tài liệu tham khảo

[1]. Quyết định số 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

[2]. Quyết định số 2973/QĐ-BGTVT, ngày 05/8/2014 của Bộ GTVT về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

[3]. Sở GTVT Hải Phòng (2013), Báo cáo về thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông, tình hình phát triển logistics của Hải Phòng, hệ thống logistics cảng và quy hoạch, kế hoạch phát triển logistics.

[4]. TS. Nguyễn Văn Khoảng (2011), Nghiên cứu phát triển cảng container đầu mối khu vực phía Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế.

[5]. PGS. TS. Đan Đức Hiệp, ThS. Lê Đăng Phúc, Sách chuyên khảo Logistics (2011), Thực trạng phát triển cảng và dịch vụ cảng biển ở Việt Nam – Những vấn đề đặt ra hiện nay.

[6]. Ngô Tải Lực – VLR, Việt Nam cần xây dựng trung tâm logistics.

[7]. Trương Văn Thái, Cảng biển Hải Phòng tiềm năng, cơ hội và thách thức.

Ý kiến của bạn

Bình luận