Thúc nhanh tiến độ lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải

Tác giả: Nhị Hà

saosaosaosaosao
Xã hội 01/12/2021 06:03

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đôn đốc chủ xe lắp camera giám sát theo quy định tại NĐ 10 của Chính phủ. Cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2021.


868133049051758_CAM1_28112021_141006_pi4xuW

Từ 31/12/2021 là hạn cuối các xe chở khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo, xe chở container phải lắp camera theo quy định. 

Tỷ lệ phương tiện lắp đặt camera còn thấp

Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, để đảm bảo thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Sở đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai lắp đặt camera. Tuy nhiên, số lượng phương tiện đã lắp camera chiếm tỷ lệ còn thấp.

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, gồm: xe có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái), xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo trên địa bàn thành phố khẩn trương thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Xây dựng kế hoạch lắp đặt và cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên thực hiện quy định lắp camera giám sát hành trình theo quy định tại Nghị định 10 của Chính phủ.

Đối với các đơn vị đã lắp đặt camera trên xe ô tô, báo cáo về Sở GTVT Hà Nội danh sách các xe đã lắp đặt camera (số lượng phương tiện đã lắp/số lượng phương tiện phải lắp) định kỳ trước ngày 20 hàng tháng cùng với báo cáo kết quả hoạt động vận tải.

 Sở GTVT Hà Nội giao phòng Quản lý vận tải tăng cường tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Định kỳ vào ngày mùng 5 hàng tháng, tổng hợp và báo cáo UBND thành phố và Tổng cục ĐBVN kết quả thực hiện lắp camera; Đề xuất các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố, đề xuất tạm dừng giải quyết các Thủ tục hành chính đối với các đơn vị vận tải không nghiêm túc thực hiện các quy định.

Thanh tra Sở GTVT chù trì phối hợp với phòng Quản lý vận tải kiểm tra việc Xây dựng kế hoạch lắp đặt camera và chấp hành chế độ báo cáo của các đơn vị vận tải.

Đã có tiêu chuẩn quốc gia về camera giám sát

Mới đây, Bộ KHCN vừa ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) 13396 về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải được quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (viết tắt là Nghị định 10).

TCVN13396 quy định cụ thể về đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ và quy định về thử nghiệm, đánh giá thiết bị.

Theo đó, sản phẩm đạt TCVN13396 là một thiết bị giám sát hành trình có công nghệ 4G trở lên nhưng được gắn thêm mắt thu camera, phù hợp với Nghị định 10 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, trước đó, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách đều băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị theo tiêu chuẩn nào để sau này được chấp nhận và không lãng phí.

IMG_20211130_210959

Lắp đặt thiết bị BA-SmartCamera đạt TCVN cho xe kinh doanh vận tải.

Sau khi Bộ GTVT có công văn lần 3 đôn đốc lắp camera xe kinh doanh vận tải và Bộ KH&CN ban hành TCVN về camera giám sát hành trình, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải khẩn trương lắp camera hoàn thành trước 31/12/2021.

Ông Quyền cho biết, các doanh nghiệp vẫn có thể lắp camera được sản xuất theo tiêu chí của Nghị định 10 và thông tư 12, tuy nhiên lắp camera theo TCVN sẽ phù hợp và tiết kiệm hơn.

Cùng với đó, theo ông Quyền, TCVN về camera giám sát hành trình sẽ có nhiều ưu việt hơn. Thiết bị bán ra thị trường đã được Tổng cục Đo lường chất lượng kiểm nghiệm, đáp ứng đủ các tiêu chí theo Nghị định 10 và Thông tư 12. Khi lắp trên xe, chỉ cần 1 thiết bị chứ không phải 2 thiết bị nên giảm chi phí duy trì, vận hành.

“Từ việc duy trì 2 simcard còn 1 simcard, 2 chi phí bảo hành còn 1 và giảm tránh tổn hại ắc quy và hao phí nhiên liệu”, ông  Quyền nói.

Bên cạnh đó, TCVN về thiết bị camera giám sát lần này quy định camera là một thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G được gắn thêm đầu thu camera, quy định cụ thể về định dạng video, định dạng và kích thước ảnh, thời gian lưu trữ. Thiết bị ghi nhận hình ảnh làm việc của lái xe, với xe khách ghi nhận thêm cửa lên xuống và khoang hành khách. Hình ảnh ghi nhận rõ nét trong mọi điều kiện ánh sáng, kể cả ban đêm và được đính kèm các thông tin: Biển kiểm soát, thông tin lái xe, tọa độ, thời gian.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tin tưởng, sau khi có TCVN về camera giám sát hành trình các doanh nghiệp sẽ yên tâm lắp thiết bị theo đúng thời hạn trước 31/12 tới theo yêu cầu của Chính phủ.

Tính đến hết ngày 11/11, theo kết quả tổng hợp và báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng số phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera gồm 208.128 xe. Tổng số phương tiện đã lắp camera mới đạt 25.020 xe, tương đương tỷ lệ 12,02%. 

Tính đến nay, số lượng phương tiện lắp đặt camera chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10. Còn khoảng 87,98% số phương tiện chưa lắp camera giám sát theo quy định.

Ý kiến của bạn

Bình luận