Thúc đẩy xã hội hóa xử lý rác thải

Diễn đàn khoa học 08/09/2015 07:23

Đặc điểm của các đô thị nói chung là nền kinh tế phát triển và dân cư tập trung đông. Chính vì vậy, đi kèm với sự phát triển này cũng nảy sinh nhiều vấn đề môi trường, trong đó rác thải luôn là vấn đề bức xúc ở mọi đô thị. Một trong những phương án xử lý bền vững chính là xã hội hóa công tác xử lý rác thải.

 

Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình
Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình

Quá tải xử lý rác tại đô thị

Trong quá trình đô thị hóa, việc xử lý rác thải, nước thải bảo vệ môi trường là một vấn đề hàng đầu cần phải quan tâm giải quyết. Thời gian qua, các khâu lập quy hoạch, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến việc thu xếp nguồn vốn và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án xử lý rác thải, nước thải đã được quan tâm hơn. Việc quy hoạch, đầu tư mạng lưới nhà máy với mô hình và quy mô thích hợp với từng vùng miền, khu vực để xử lý cần được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải đô thị của cả nước mới đạt 83%, trong đó chỉ 5 - 6% được xử lý là rất thấp, còn lại là chôn lấp; cả nước hiện có 450 bãi chôn lấp rác thải, trong đó chỉ 26% đảm bảo hợp vệ sinh, nên vẫn có hiện tượng thẩm thấu vào hệ thống nước ngầm. Đối với khu vực nông thôn, hiện mới thu gom, chưa được đầu tư xử lý, tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ thống nước ngầm.

Đã có nhiều mô hình xử lý chất thải rắn được đầu tư xây dựng, vận hành, nhưng vẫn chưa được đánh giá tổng thể để lựa chọn được mô hình tối ưu, nên vẫn còn lúng túng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, mỗi ngày phát sinh từ 2.500 tấn đến 3.000 tấn rác sinh hoạt. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn rất hạn chế, chỉ đạt 70% nhu cầu, dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng nhiều gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan.

Nhiều địa phương không tìm được vị trí, địa điểm để thực hiện việc chôn lấp rác theo quy trình xử lý có kiểm soát, hợp vệ sinh, do không bảo đảm tiêu chí về khoảng cách, diện tích sử dụng và chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, cho nên phải tận dụng các ao, hồ, vùng trũng để đổ rác, hình thành hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình, yêu cầu kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước ngầm và nước mặt của khu vực.

Trong một thời gian dài, việc quản lý rác thải sinh hoạt đô thị ở nước ta là do các cơ quan nhà nước đảm nhiệm. Người dân chưa có ý thức và trách nhiệm đối với vấn đề thu gom và xử lý rác thải. Cố gắng của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các công ty môi trường đô thị, trong việc quản lý rác thải sinh hoạt ở đô thị đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường của các thành phố, đô thị.

Tuy nhiên, trong tương lai các biện pháp này sẽ không bền vững và nảy sinh nhiều vấn đề. Nguyên nhân là do mức sống của người dân ngày càng cao làm cho lượng rác sinh hoạt luôn tăng, vượt quá khả năng thu gom của các công ty môi trường đô thị.

Chung tay làm sạch môi trường

Nhìn thấy rõ việc xử lý rác thải nếu không có sự chung tay của cộng động thì việc quá tải dẫn đến mất kiểm soát về chất lượng môi trường sẽ bao phủ toàn thành phố nhanh chóng, ngày 12/10/2000, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 5466/QĐ-UB về việc tổ chức thực hiện thí điểm xã hội hoá công tác thu gom và vận chuyển một phần rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Cho đến nay, mô hình này đã đem lại lợi ích nhiều mặt, giải quyết vấn đề rác thải của thành phố, góp phần làm môi trường sạch đẹp, tạo điều kiện cho người dân làm chủ và có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống. Bước đầu mô hình đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhà nước đã thay đổi một số chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia xã hội hoá. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng kết hợp chặt chẽ với các đơn vị và các đơn vị đã đạt được những thành tựu đáng kể.  

Một ví dụ điển hình nhất là vừa qua, tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội), Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang đã khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình thuộc giai đoạn một của dự án, với số vốn đầu tư 270 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến, vận hành tự động, bảo đảm các tiêu chuẩn xả thải, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên địa bàn. Công suất xử lý của nhà máy đạt 300 tấn rác/ngày, có khả năng xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đan Phượng và một số huyện lân cận như Hoài Đức, Quốc Oai.

Ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cho biết, dự án trên nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân và chính quyền địa phương. Cùng với công tác giải phóng mặt bằng nhanh gọn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, huyện Đan Phượng đã trích ngân sách địa phương khoảng 2 tỷ đồng xây dựng tường rào bảo vệ nhà máy. Theo ông Nam, quá trình vận hành chạy thử dây chuyền xử lý rác thải hơn tháng qua không phát sinh sự cố và bốc mùi ra xung quanh.

Đây là mô hình xã hội hóa, thu hút thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào việc thu gom, xử lý, chế biến rác sinh hoạt. Qua hiệu quả của mô hình tại Đan Phượng, Hà Nội đang tiến hành rà soát lại các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, những quy định, hoạt động quản lý, thực hiện điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, phù hợp hơn với thực tiễn để có thêm nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực ít được xã hội quan tâm, coi trọng này.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố sẽ quan tâm đến việc quy hoạch vị trí, địa điểm đặt các nhà máy xử lý, chế biến rác. Cùng với đó sẽ nghiên cứu những công nghệ, dây chuyền thiết bị phù hợp, hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, cấp phép, đăng ký, giải phóng mặt bằng, ưu đãi vốn vay, nghĩa vụ thuế… Đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân nông thôn trong xả thải, xử lý, chế biến rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận