Thủ tướng "thúc" tiến độ triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Hàng hải 18/07/2023 20:14

Thủ tướng yêu cầu việc đánh giá, nghiên cứu dự án phải được triển khai khẩn trương. Các bộ, ngành liên quan phối hợp với TP.HCM và các cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự án trong tháng 7 này. Đơn vị tư vấn và Cảng Sài Gòn phải đánh giá kỹ các bước, minh bạch trong khâu chuẩn bị để gửi hồ sơ cho nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính "thúc tiến độ" dự án Cảng Cần Giờ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát khu vực dự án cảng Cần Giờ

Chiều nay (18/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đi khảo sát đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đoàn công tác xuất phát từ bến Bạch Đằng, di chuyển đến cù lao Phú Lợi (địa điểm xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) bằng tàu thủy. Đồng thời, từ trung tâm TP.HCM đến cửa biển Cần Giờ, lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành và TP.HCM khảo sát thêm tiềm năng, kế hoạch phát triển dọc sông Sài Gòn.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Theo đề xuất, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2027).

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Công ty Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn) giới thiệu khu vực sẽ triển khai dự án. Độ sâu tại Cần Giờ tốt hơn, thuận tiện tiếp cận luồng hàng hải, có thể hình thành bến cảng với tuyến bến thẳng dài hơn. Quan trọng hơn là dự án đã có nhà đầu tư đề xuất xây dựng. 

Ông Tuấn thông tin thêm, hiện nay, vị trí của địa điểm cù lao Phú Lợi rất thuận lợi cho việc phát triển cảng biển vì có độ sâu tự nhiên lớn trên tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải. Luồng tàu này đang có rất nhiều tàu lớn ra vào, trên tuyến hàng hải quốc tế Đông - Tây, Bắc - Nam có lượng hàng rất lớn thông qua, cho cả hàng xuất nhập khẩu của Việt nam lẫn hàng trung chuyển cho khu vực Nam châu Á.

Thủ tướng Phạm Minh Chính "thúc tiến độ" dự án Cảng Cần Giờ - Ảnh 3.

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Công ty Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn) báo cáo về tình hình nghiên cứu thực hiện dự án

Ông Nguyễn lê Chơn Tâm, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn chia sẻ thêm, việc quy hoạch trên phù hợp với chiến lược phát triển dịch vụ logistics và hình thành trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM. Khi đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ là phù hợp và thuận lợi nhờ các yếu tố như: Hoạt động trung chuyển quốc tế góp phần làm giảm áp lực của các cảng tại Cái Mép - Thị Vải khi dự báo lượng hàng hóa nội địa sẽ vượt quá công suất của các cảng; Cơ hội thuận lợi khi có sự hậu thuẫn của hàng tàu MSC, là hãng tàu container lớn nhất trên thế giới; MSC chuyển hàng trung chuyển về Việt Nam, thiết lập trung tâm trung chuyển mới của khu vực.

Bên cạnh đó, với việc nằm tại cửa ngõ TP.HCM sẽ thu hút luồng hàng hóa các nước xung quanh tập trung về khu vực, tạo cơ hội đưa khu vực Cần Giờ - Cái Mép - Thị Vải trở thành một trung tâm trung chuyển. Lợi thế kinh tế lớn theo quy mô, mạng lưới liên kết mạnh sẽ làm chi phí vận tải giảm, tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực. Tạo cơ hội việc làm lớn cho lực lượng lao động địa phương, thúc đẩy chiến lược biển quốc gia.

Sau khi nghe thông tin về dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển dự án cảng Cần Giờ phải tính toán đến sự phát triển của cảng Cái Mép - Thị Vải, tính toán phương án hỗ trợ nhau chứ không cạnh tranh nhau. Cảng Cần Giờ sẽ thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như: Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính "thúc tiến độ" dự án Cảng Cần Giờ - Ảnh 4.

Thủ tướng nghe báo cáo từ các đơn vị tại khu vực vị trí thực hiện cảng Cần Giờ

Nhận định dự án xây dựng cảng sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn, Thủ tướng yêu cầu công tác về đánh giá, nghiên cứu dự án phải được triển khai khẩn trương. Các bộ, ngành liên quan phối hợp với TP.HCM và các cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự án trong tháng 7 này. Đơn vị tư vấn và Cảng Sài Gòn phải đánh giá phải kỹ, minh bạch để gửi hồ sơ cho nhà đầu tư. Thủ tướng cũng lưu ý nghiên cứu kỹ 3 vấn đề hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để cập nhật vào quy hoạch, làm cơ sở triển khai.

Dự án cảng trung chuyển tại Cần Giờ có quy mô 150ha, với 1.800m cầu tàu tiếp nhận tàu container trên 200.000DWT. Đây là dự án quyết định đến sự phát triển của cảng Sài Gòn sau khi thực hiện di dời toàn bộ khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội và Tân Thuận.

Giai đoạn 1: Nhằm giữ vững thương hiệu trong hoạt động khai thác cảng biển, cảng Sài Gòn dự kiến giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ 2022 - 2024, trong đó cảng Sài Gòn tự đầu tư khoảng trên 60ha với chiều dài cầu cảng khoảng 1.000m, tổng mức đầu tư dự kiến 8.000 tỷ đồng. Dự kiến đưa vào hoạt động khai thác từ năm 2027 và sản lượng thông qua 2.000.000 teus.

Giai đoạn 2: Thực hiện phương án hợp tác với các đối tác với quy mô 1.000m cầu cảng trên diện tích 90ha với tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng. Dự kiến đầu tư sau 2025, đi vào hoạt động khai thác từ 2028, đạt công suất 3.000.000 teus.