Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp phát triển

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Chính trị 30/04/2016 06:02

“Nhà nước cần phải lắng nghe doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

h1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” tại TP.HCM.

Sáng 29/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” tại TP.HCM.

Cùng tham dự với Thủ tướng còn có 4 Phó thủ tướng: Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam. Tại điểm cầu Hội trường Thống nhất TP.HCM có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp. Ngoài ra, mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham dự.

Hội nghị gồm 2 nội dung chính là: Xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do công chức gây ra.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Trong xây dựng đất nước, đi đầu vẫn là đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, những người tiên phong đó phải được lắng nghe được tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển còn nhiều rào cản, đã có nhiều chính sách ban hành nhưng rào cản còn lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Chính phủ muốn trực tiếp lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

h2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, sau khi nghe ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu quan điểm rõ ràng về giải quyết những khó khăn doanh nghiệp nêu ra. Phải tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần lớn nhất không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: “Trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp, Việt Nam có 941.000 doanh nghiệp đã được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), tuy nhiên, song song với đó cũng có tới 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).

Tham luận tại hội nghị, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam nói: "Tôi cho rằng cơ chế chính sách thì phải đạt thông lệ chuẩn mực quốc tế, đáp ứng các FTA. Chúng ta có khoảng trống về pháp lý nên gây khó khăn cho doanh nghiệp".

Cũng theo ông Hà hiện nay nguồn vốn tín dụng vẫn là kênh quan trọng tăng trưởng kinh tế nên điều chỉnh dự trữ thanh khoản, dự trữ bắt buộc ở 1% với VND và 3% ngoại tệ. "Tôi đề nghị điều chỉnh giảm tỉ lệ phát hành trái phiếu chính phủ là 10%. Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn; sửa đổi thông tư 36 cần có lộ trình", ông Hà đề xuất.

Ông Hà mong muốn điều hành kinh tế đất nước như bản nhạc giao hưởng, Thủ tướng là nhạc trưởng, cơ quan chức năng là nhạc công và doanh nghiệp chúng tôi là ca sĩ. Chúng ta làm sao có bản nhạc hay và phối hợp nhịp nhàng, 

h3
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam phát biểu nêu ý kiến đóng góp tại hội nghị.

Thủ tướng cho rằng, trong tháo gỡ rào cản, tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng phải sản xuất, kinh doanh trên tinh thần liêm chính, cân đối lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng, nhất là bảo vệ môi trường.

Thủ tướng cũng yêu cầu các lãnh đạo Chính phủ trên trên tinh thần của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư mới, không thể “quyền anh, quyền tôi” mà phải tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Kết quả hội nghị phải tạo niềm tin của doanh nghiệp, niềm tin của người dân vào doanh nghiệp, từ đó, người dân, doanh nghiệp mới hăng hái bắt tay vào sản xuất kinh doanh một cách tích cực hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn. Hội nghị sẽ khởi đầu giai đoạn mới trong đối thoại về thông tin giữa Chính phủ và doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị, nhất quán; mở rộng mô hình này trên khắp toàn quốc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ý kiến của bạn

Bình luận