Thủ tướng: Địa phương nào cần tiền phát triển, Chính phủ sẽ mang tới

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Xã hội 18/07/2020 19:58

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi làm việc với các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên, sáng 18/7, tại TP Đà Nẵng.


Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo các Bộ ngành TƯ, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên…

Sẽ chuyển vốn sang nơi cần tiền

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho hay, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn. Toàn khu vực có 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế. “Chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng kinh tế thấp như vậy được” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Thủ tướng cho rằng các địa phương cần làm gì để đầu tư phát triển nếu không có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng. Dẫn chứng TP.Hà Nội và Thanh Hóa vừa thu hút đầu tư thành công nhiều tỉ USD, Thủ tướng cho rằng nhiều nhà đầu tư trong nước đang mong chờ nếu chúng ta muốn thu hút, tạo điều kiện cho họ, nhiều dự án đang không hoạt động nếu chúng ta không tháo gỡ.

Thủ tướng 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, phải đưa ra các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho miền Trung – Tây Nguyên tại hội nghị sáng 18/7

Nói về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho hay, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã khó khăn nhưng làm rất chậm chạp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Vì vậy, các tỉnh, thành phố khu vực này phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như thu hút các dự án mới. “Địa phương nào không tiêu hết tiền, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều động cứ thẳng thắn nói ra. Rồi địa phương nào cần tiền để phát triển kinh tế, Chính phủ sẽ mang tiền đến. Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tháng 8 tới đây phải trình Thủ tướng việc điều chuyển vốn từ những địa phương không giải ngân được sang những nơi đang cần tiền để xử lý những công trình, dự án” – Thủ tướng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc nhở các ngành địa phương, doanh nghiệp không nên kêu nghèo kể khổ nữa mà cần nhất hiện nay là các giải pháp tháo gỡ khó “Các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại cũng vậy, không than khó kể khổ mà dành cần tập trung hiến kế, chia sẻ khả năng, cam kết của mình có thể làm gì để đóng góp cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Riêng các bộ, ngành, phải đưa ra các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho miền Trung – Tây Nguyên” – Thủ tướng đề nghị.

6 giải pháp phát triển

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay , 6 tháng đầu năm, GRDP của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung giảm 3,22% và là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là TP Đà Nẵng (giảm 3,61%), Quảng Nam (giảm 11,51%); Khánh Hòa (giảm 12,02%). Tính đến 30/6, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 60%. Trong đó, tỷ lệ giải ngân trên 40% có 1 địa phương là TP Đà Nẵng; từ 30-40% có 4 địa phương gồm Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên; tỷ lệ dưới 30% có Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Thutuong_2
Quang cảnh hội nghị sáng ngày 18/7 tại Tp.Đà Nẵng

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, tăng trưởng GRDP 6 tháng của vùng đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các Vùng kinh tế trọng điểm, không địa phương nào trong Vùng có tốc độ tăng trưởng âm. Nhìn chung, các tỉnh Tây Nguyên có tốc độ giải ngân vốn cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đáp yêu cầu đặt ra, chỉ đạt hơn 31% và thấp so với mức bình quân cả nước, tổng vốn còn tiếp tục giải ngân 6 tháng cuối năm của vùng còn hơn 9.758 tỷ đồng, số vốn ngân sách Trung ương cần tiếp tục phân bổ chi tiết cho các dự án là 1.136 tỷ đồng.

Cũng tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị 6 giải pháp để phát triển kinh tế miền Trung – Tây Nguyên. Cụ thể:

Một là, cần xây dựng định hướng chiến lược phát triển rõ ràng mà điểm bắt đầu là quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp theo luật Quy hoạch. Hình thành các cực tăng trưởng, trung tâm tăng trưởng khu vực tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam với một số ngành then chốt: lắp ráp, đóng mới, sữa chữa ô tô; trung tâm bảo dưỡng máy bay (sân bay Chu Lai); phát triển các trung tâm du lịch, dịch vụ, tài chính, ngân hàng. Đối với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định lấy công nghiệp nặng, ngành thép, lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo làm then chốt, gắn kết cùng với Phú Yên, Khánh Hòa thông qua hệ thống đường bộ quốc gia, tuyến đường ven biển và các tuyến đường lên các tỉnh Tây Nguyên để phát triển các hành lang kinh tế.

Vùng Tây Nguyên thực hiện mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển kinh tế vùng, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ hiệu quả cao, vùng cây dược liệu, sắp xếp và ổn định dân cư, phát triển du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết chặt chẽ với 14 tỉnh vùng miền Trung và các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Hai là, đầu tư kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tuyến đường ven biển, đường nối từ khu vực ven biển lên Tây Nguyên; Nâng cao hiệu quả hoạt động các cảng biển trong khu vực, tập trung đầu tư cho một số cảng biển đầu mối.

Ba là, tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển, đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ và điều tiết nguồn nước ngọt, phục vụ phát triển bền vững cả 2 vùng.

Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đảm bảo các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ nước ngoài.

Năm là, tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ, xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố.

Sáu là, chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người miền Trung, Tây Nguyên khơi dậy khát vọng vươn lên, cống hiến cho cộng đồng, đất nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận